Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và phát biểu chỉ đạo. Dự Hội nghị có gần 700 đại biểu, gồm 84 Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt của khối đối ngoại và đại diện các Bộ, ngành, địa phương...
Trong lời khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nêu rõ: Hội nghị là dịp để đánh giá những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; góp phần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, tổ chức triển khai hiệu quả những nhiệm vụ mà Đại hội Đảng X đã đề ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành ngoại giao phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Chủ động nắm bắt cơ hội, biến thời cơ thành hiện thực, vượt qua thách thức, phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu với Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: Trong hai năm qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Những hoạt động ngoại giao của nước ta đã nắm bắt kịp thời các diễn biến cơ bản, không bị động, bất ngờ. Nhiệm vụ ngoại giao đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; tham mưu cho Đảng và Nhà nước thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại, đem lại được một số thành tựu quan trọng, qua đó nâng cao uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số mặt còn yếu như: Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại có mặt còn hạn chế. Có trường hợp còn lúng túng trong xử lý một số tình huống cụ thể. Hoạt động ngoại giao đã thu được nhiều kết quả, thể hiện ở các thoả thuận về song phương và đa phương; tuy nhiên, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện còn chậm, thiếu quyết liệt…
Tổng Bí thư đề nghị ngành ngoại giao phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình để kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn những yếu kém, khuyết điểm, rút ra nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục.
Về nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến hết sức nhanh chóng, đa dạng, phức tạp, khó lường và xuất hiện nhiều nhân tố mới. Từ đó đòi hỏi ngành ngoại giao phải đi sâu nghiên cứu và đưa ra được những nhận định chính xác về tình hình quốc tế và khu vực; tham mưu cho Đảng và Nhà nước những đối sách kịp thời và phù hợp...
Diễn ra đến hết ngày 10/12, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, đánh giá môi trường an ninh - phát triển hiện nay và trong thời gian tới; đóng góp xây dựng, hoàn thiện, phát triển nội dung chính sách đối ngoại thời kỳ mới; kiểm điểm việc thực hiện chương trình hành động của ngành từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 đến nay và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác của ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Trong thời gian Hội nghị cũng sẽ diễn ra các phiên họp chuyên đề "Ngoại giao Kinh tế", "Ngoại giao Văn hóa", "Tọa đàm giữa cơ quan Đại diện và doanh nghiệp"...
Theo Đỗ Cường - Đỗ Quyên
TTXVN