Dọc bờ tường được vẽ đủ thứ. Vài cô cậu choai choai áng chừng là học sinh cấp II, cấp III ôm eo nhau vừa đi vừa hôn hít như các “cảnh nóng” trong phim tâm lý Hàn Quốc...
Một vài đêm lang thang trong các đường hầm bộ hành ở Hà Nội, chúng tôi trở thành “khán giả bất đắc dĩ”.
Đường hầm không thiết bị an ninh!
Dài gần nửa cây số nhưng hầm đường bộ Ngã Tư Sở chỉ có 4 nhân viên bảo vệ, hai người đứng tại chỗ còn hai người khác thay phiên nhau tuần tra. Mặc dù vậy, nếu tính về tần suất có mặt của nhân viên bảo vệ trên cung đường này, thì sự lo lắng của người dân tham gia giao thông không phải không có lý.
Đáng lo ngại hơn, dọc tuyến đường hầm này không hề có một thiết bị an ninh nào được lắp đặt. Đây có lẽ là chuyện hy hữu với bất cứ công trình giao thông công cộng ngầm nào được đưa vào sử dụng trên thế giới (?)
Giải thích về vấn đề này, một cán bộ làm công tác bảo vệ ở đây cho biết: “Công ty chúng tôi đang cố gắng để lắp đặt thiết bị này, tuy nhiên bao giờ có thì cũng chưa nói chắc được”.
Một số người dân qua lại khu vực đường hầm này phản ánh việc nhiều nhóm thanh, thiếu niên thường tụ tập vào các buổi tối; Thậm chí cả tệ nạn tiêm chích ma túy cũng lén lút diễn ra…
Khi chúng tôi hỏi về việc xử lý các hiện tượng tiêu cực nêu trên, các nhân viên bảo vệ thừa nhận chỉ cố gắng giải tán đám đông, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc chứ thực sự không thể có các chế tài, quy định cụ thể để giải quyết tình trạng này.
Tụ tập và... nhảy hip-hop
Có mặt tại tuyến đường hầm thuộc khu vực Mễ Trì (gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia) chúng tôi phát hiện nhiều nhóm thanh niên tuổi chừng 16 đến 24, mỗi tốp khoảng 3 - 7 người tụ tập chuẩn bị đua, “bốc đầu” xe.
Một số nhóm khác thì mở nhạc hết cỡ và nhảy hip hop hoặc đứng tụm năm, tụm ba gây huyên náo cả một quãng dài, chân tường của đường hầm này có khá nhiều ống xi lanh gắn kim tiêm vương vãi.
Chị Nguyễn Thị M, nhân viên Công ty cây xanh Hà Nội cho hay: “Thường xuyên làm việc trên tuyến đường này, tôi thường bắt gặp nhiều ống xi lanh và kim tiêm vứt trên bãi cỏ, dấu hiệu của các cuộc tiêm chích ma tuý.
Mặc dù rất sợ nhưng vẫn phải nhặt chúng lên, bẻ cong kim tiêm rồi vứt vào thùng rác”.
Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sinh sống gần khu vực này thì nói: “Tuyến đường này rất đẹp, tuy nhiên vì chưa khai thông nên có một số đoạn rất thuận lợi cho trộm cắp, đua xe phân phối lớn hoặc tiêm chích ma tuý làm điểm tụ tập. Nhiều bạn thanh niên đưa bạn gái đến đây chơi đã bị cướp điện thoại, tiền bạc”.
Tuyến đường Phạm Hùng hiện có 3 hầm đi bộ được đưa vào hoạt động. Vậy nhưng có mặt tại đây vào khoảng 21 - 22h, chúng tôi nhận thấy chỉ có hai đường hầm được mở cửa nhưng trong tình trạng không ánh đèn, còn một thì bị khóa im ỉm.
Mặc dù đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, việc qua đường rất nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn không quan tâm. Từ điểm đỗ xe buýt, họ cứ ào ào băng qua đường thay vì sử dụng hầm đường bộ.
Theo các nhân viên quản lý ở hầm bộ hành này thì do người dân chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng hiện đại (?)
Tuy nhiên, những người tham gia giao thông lại nói khác. Chị Nguyễn Thương Huyền, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “Thường xuyên đi về trên quãng đường này, tuy nhiên khi có việc phải đi dưới hầm đường bộ, tôi cảm thấy không an toàn”.
Ai quản lý?
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Quang Thắng cán bộ UBND xã Mễ Trì cho biết, đoạn đường hầm trên giao lộ cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia hiện thuộc sự quản lý của Công an xã Mễ Trì và Đồn công an số 1 Mỹ Đình - Mễ Trì.
Tuy nhiên, cái khó nhất ở đây chính là hầm này nằm giữa 4 phường, xã nên công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, địa bàn này là nơi tập trung nhiều lao động đến từ các địa phương khác, số lượng sinh viên tạm trú lớn nên khá phức tạp về các tệ nạn xã hội.
Được biết, Công an xã Mễ Trì và Đồn công an số 1 Mỹ Đình đã thực hiện việc tuần tra, theo dõi sát sao, kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Mễ Trì để nâng cao chất lượng quản lý an ninh, trật tự nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên đến nay, ngoài sự kiểm soát của đơn vị chủ quản cũng như lực lượng cảnh sát cơ động, quản lý khu vực cũng chưa thể tìm ra phương pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát các đối tượng đến khu vực này.
Theo họ, một lẽ đơn giản là không thể có mặt thường xuyên và cũng không thể ngăn cản người dân đến chơi “lành mạnh” tại các địa điểm đẹp cả.
Ở các địa điểm có hầm đường bộ khác như Ngã Tư Sở, đường Phạm Hùng, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời khá chung chung như thế.
Thiết nghĩ, bên cạnh đầu tư một số tiền không nhỏ vào việc giải toả các áp lực về ùn tắc giao thông cho Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn tới việc những công trình hầm công cộng này hiện đã được khai thác, sử dụng như thế nào?! Tránh tình trạng bỏ phí và tạo điều kiện cho tệ nạn xã hội phát triển.
Theo Phạm Vĩnh Hà
Gia Đình & Xã Hội