Đừng che giấu mãi

Đừng che giấu mãi
Cứ hễ nói chuyện khủng khoảng chân sút là kiểu gì, người ta cũng “đổ thừa” cho việc các CLB sử dụng ngoại binh trên hàng tấn công. Nói vậy thì cũng chẳng sai nhưng quan điểm đó đã rất lạc hậu. Đúng hơn, đấy là một kiểu che giấu, một nửa sự thật mà thôi.

> Minh Phương: Thời gian không xóa được đẳng cấp
> Đội tuyển Việt Nam: Vẫn thiếu người 'giữ cửa'

Dù trong vai trò hậu vệ, Quốc Anh cũng thường tham gia tấn công. Ảnh: Dũng Phương
Dù trong vai trò hậu vệ, Quốc Anh cũng thường tham gia tấn công. Ảnh: Dũng Phương.

Chúng tôi nhớ vụ việc Tăng Tuấn về Bình Dương hồi năm ngoái đã khiến bầu Đức của HA.GL nổi nóng đến mức mắng thẳng “mất dạy”. Cơn giận của bầu Đức cho thấy một thực tế: cả HA.GL lẫn Bình Dương đều rất cần chân sút nội đến mức sự việc có thể khiến 2 bên giận nhau. Xin nhớ là cả 2 đội bóng này đều luôn sẵn sàng tốn kém để mua ngoại binh đá hàng công nhưng rõ ràng, họ rất quý, rất cần một chân sút nội địa.

Một mùa bóng trôi qua, hẳn bầu Đức cũng chẳng còn giận Tăng Tuấn nữa bởi đến Bình Dương, tiền đạo này cũng “chìm” luôn, không tìm được suất đá chính khiến Bình Dương phải dùng đến “chiêu” mua các tiền đạo nhập tịch như Kesley Huỳnh để tìm kiếm bàn thắng. Không thể nói Bình Dương tốn chừng ấy tiền và làm mất lòng bầu Đức để đưa Tăng Tuấn về đá dự bị. Cơ bản là Tuấn không chứng tỏ được mình.

Hay như trường hợp của Hoàng Đình Tùng, người hiện đã “chìm” tại Hải Phòng ở mùa giải vừa qua. Trước khi được Hải Phòng mua với giá cao kỷ lục, Đình Tùng từng 2 năm liền là chân sút nội tốt nhất V-League trong màu áo Thanh Hóa.

Thế nhưng, khi lên tuyển và ra Hải Phòng, Tùng “con” chỉ là cái bóng của mình và sự nghiệp đang có chiều hướng sa sút dù anh chỉ mới qua tuổi 23. Chúng ta cũng từng biết đến trường hợp của Phan Thanh Bình, của Nguyễn Việt Thắng, của Anh Đức…

Lý do để Tăng Tuấn chơi tốt tại HA.GL là do anh đá biên nhiều hơn đá cắm. Đình Tùng thăng hoa dưới bàn tay HLV Lê Thụy Hải khi ông kéo cầu thủ nhỏ con này đá lùi sau 2 tiền đạo ngoại và anh chơi còn tốt hơn cả 2 ngoại binh.

Khi Việt Thắng đạt phong độ đỉnh cao ở ĐT.LA, đội này vẫn sở hữu bộ đôi tiền đạo ngoại binh chất lượng cao đấy thôi. Nói cách khác, đừng đổ hết “tội” cho ngoại binh bởi nói cho cùng, người ta có thể ghi bàn dù đá ở vị trí nào và chẳng ai nói trong một đội bóng, tiền đạo phải ghi bàn nhiều hơn tiền vệ.

Quan trọng hơn cả là kỹ năng của cầu thủ và cách dùng người của HLV. Cũng những chân sút ấy, khi lên tuyển, được xếp đá “đúng vai” thì lại không thành công đấy thôi.

Tóm lại, có 2 điều cần xác định rõ trước khi muốn đổ lỗi cho ngoại binh: Các CLB rất cần chân sút nội và họ cần bởi thực sự bóng đá Việt Nam hiện đang quá thiếu cầu thủ biết cách ghi bàn. Đúng hơn, nhiều CLB dùng ngoại binh vì không có tiền đạo nội để tin tưởng.

Hơn nữa, nếu xét về lý thuyết đào tạo, đâu có cầu thủ trẻ nào vừa bắt đầu học bóng đá đã biết mình đá ở vị trí nào. Phải dựa trên kỷ năng của từng cầu thủ mà người ta mới đào tạo cho đúng sở trường.

Chưa hết, sau khi bắt đầu thi đấu đỉnh cao, chính cầu thủ là người quyết định mình sẽ đá ở đâu. Chúng ta đã có một Nguyễn Minh Phương khởi đầu ở vị trí hậu vệ phải và theo thời gian anh tiến dần lên phía trên để trở thành một trong những tiền vệ ghi nhiều bàn thắng nhất.

Số bàn thắng của Minh Phương suốt 10 năm qua, đâu có nhiều tiền đạo nội hơn được. Lê Tấn Tài cũng phát triển tương tự và gần đây nhất là Quốc Anh, một người đá hậu vệ cánh trái nhưng vẫn thường xuyện xuất hiện ở vòng cấm địa đối phương để ghi bàn…

Những ví dụ ấy cho thấy, chính bóng đá Việt Nam không sản sinh được tiền đạo giỏi với đầy đủ những kỹ năng của một tay săn bàn thượng thặng chứ không phải là do ngoại binh đã lấy hết “đất”.

Tất nhiên, nếu không có ngoại binh thì đương nhiên, chúng ta sẽ có vô số tiền đạo. Nhưng có nhiều tiền đạo là một chuyện còn có nhiều bàn thắng cho đội tuyển quốc gia hay không, lại là vấn đề của tài năng chứ không phải ở số lượng.

Vì vậy, đừng lấy cớ ngoại binh để che giấu nửa sự thật còn lại.

Theo Hồ Việt
Sài Gòn Giải Phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG