Bán cao mua thấp hay câu chuyện độc quyền

Mới nhất, tuyển thủ Việt Cường được Sài Gòn Xuân Thành “cho phép” ra đi với giá đền bù cao ngất. Nếu ở lại, anh sẽ phải chịu phạt, giảm lương, cắt thưởng.
Mới nhất, tuyển thủ Việt Cường được Sài Gòn Xuân Thành “cho phép” ra đi với giá đền bù cao ngất. Nếu ở lại, anh sẽ phải chịu phạt, giảm lương, cắt thưởng.
Nói ngay, đây hoàn toàn là câu chuyện thị trường bóng đá, chẳng phải những ồn ã suốt hôm qua vì chuyện bỗng dưng giá vàng tạo khoảng cách chênh lệch kỷ lục giữa mua và bán đến 700.00 đồng.

Tính đến thời điểm này, Công Vinh gần như an phận với chuyện... đành phải đi học đại học, khi mà những thương lượng về giá tiền đền bù vẫn không đi đến thống nhất.

Hà Nội ACB, mà cụ thể là bầu Kiên, đã bỏ ra số tiền lớn để mua “cục vàng” Công Vinh, thế nên giờ, khi đội bóng giải thể, họ cũng muốn bán đi nhưng với giá coi được nhằm gỡ gạc chứ không thể bán kiểu cho không.

Ngặt nỗi, Công Vinh cũng hiểu mình chẳng còn được mấy đội bóng đoái hoài, thêm vào đó chuyện quyết định giá trị của một cầu thủ đôi khi không nằm ở việc anh ta đá thế nào mà là thích mua giá nào. Các đội bóng đều không chấp nhận số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng để mua Công Vinh, trong khi đó đội bóng cũ của Vinh cho rằng số tiền đúng ra theo hợp đồng mà Vinh muốn ra đi phải đền lên đến 18 tỉ đồng.

Tương tự như Vinh, Thành Lương vẫn chưa biết có về được Hà Nội T&T không khi mà phía đội bóng của bầu Hiển cương quyết ép giá. Phía đội bóng của bầu Kiên muốn bán Thành Lương với giá “hữu nghị”: 5 tỉ đồng cho hai năm còn lại của hợp đồng.

Nhưng Hà Nội T&T thừa hiểu, giờ việc mua một cầu thủ phía Bắc chỉ có các đội phía Bắc mới mặn mà, mà trong các đội bóng phía Bắc giờ chỉ còn Hà Nội T&T có thể bỏ ra số tiền lớn, các đội còn lại đang khổ sở ăn đong từng ngày, đối diện với nguy cơ giải tán. Cái giá mà phía Hà Nội T&T định ra cho Thành Lương là 3 tỉ đồng/hai năm tương đương với 1,5 tỉ đồng/mùa bóng, chịu thì bán, không thì cứ “ôm hàng”.

Ở phía Nam, Quang Hải cũng đang lận đận bởi đội bóng của cò Đại đang định giá anh cao chất ngất để bán, ngược hẳn với động thái mua vào theo kiểu ép giá.

Muốn ra đi, Quang Hải nhất định phải đền bù hợp đồng 3,5 tỉ đồng, trả nợ cho Navibank Sài Gòn 300 triệu đồng mà anh đã vay tín chấp. Loay hoay mãi Quang Hải vẫn chưa tìm được đội bóng nào chấp nhận số tiền lớn để mua lấy một năm hợp đồng còn lại của anh. Nếu ở lại, Hải phải chịu giảm lương rất nhiều.

Câu hỏi đặt ra, vì sao lại có sự chênh lệch lớn giữa việc định giá thu vào và bán ra như vậy. Câu trả lời rất đơn giản, đa phần các cầu thủ được định giá cao để bán đi nằm trong trường hợp đội bóng bị phá sản hoặc phải giải tán, những người bán muốn thu lại chút vốn liếng sau khi đã lao theo thị trường cầu thủ trước kia để mua với giá quá cao chỉ để lấy tiếng. Trong khi đó, việc định giá mua lại nằm về tay vài ông bầu còn tiền và đang “độc quyền” trong chuyện mua cầu thủ.

Họ khôn ngoan ép giá bởi không bán cho tôi thì bán cho ai? Giữ thì như giữ của nợ, nếu không nói là thêm nợ. Người chịu lỗ đương nhiên là cầu thủ và những ông bầu... trót dại!

Suy cho cùng, bán cao thu lại thấp vốn là ngón nghề của con buôn và nó được áp dụng ở tất cả mọi nơi, miễn liên quan đến tiền và liên quan đến độc quyền dưới hình thức này hoặc hình thức khác.

Tất nhiên, mục đích ở mỗi ngành, nghề được xây dựng trên những câu chữ khác nhau. Ở bóng đá, người ta gọi đó là điều chỉnh thị trường chuyển nhượng và đưa các cầu thủ về giá trị thật của mình. Còn ở các thị trường khác, chắc rằng cũng sẽ là những lý do nghe hay hay mà thôi.

Theo SGTT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG