Vì không đủ điều kiện
Theo những điều chỉnh trong Điều lệ VFF, cơ cấu của Ban kỷ luật VFF sẽ gồm 5 thành viên, trong đó có 1 Trưởng ban, 1 Phó ban và 3 ủy viên. Tuy nhiên, điều lệ quy định rõ, Trưởng và Phó Ban kỷ luật phải có bằng cấp về luật. Đây cũng là điều chỉnh theo điều lệ mẫu của FIFA vốn đã khuyến cáo từ cách nay gần 1 năm.
Thay đổi trong Điều lệ VFF trên đã được đại hội thường niên VFF thông qua. Điều đó đồng nghĩa, đương kim Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường không đủ điều kiện tiếp tục ngồi vào chiếc ghế “Bao công” này do không có bằng cấp về luật.
ông Nguyễn Hải Hường cũng thừa nhận điều này. Ông Hường nói: “Tôi không có bằng cấp về luật, nhưng trong Ban kỷ luật, tôi lại được phụ tá bởi 4 luật sư. Kinh nghiệm thực tế bóng đá của tôi và sự chắc chắn của các luật sư thành viên Ban kỷ luật đủ giúp chúng tôi tự tin làm rất chặt chẽ các vấn đề mang tính pháp lý trong bóng đá Việt Nam”.
Có Ngoại lệ?
Theo một quan chức VFF, việc chỉnh sửa điều lệ là điều phải làm, nhưng hoàn cảnh thực tế của bóng đá Việt Nam có thể tạo ra những ngoại lệ. Nhiệm kỳ trước, ông Hường từng vấp phải vấn đề khi FIFA khuyến cáo, Trưởng ban kỷ luật không phải là ủy viên BCH VFF.
Tuy nhiên, sau khi VFF báo cáo với FIFA, AFC về đặc thù này, ông Hường vẫn tại vị đến hết nhiệm kỳ và được tín nhiệm ngồi tiếp vào chiếc ghế trên trong nhiệm kỳ khóa VI.
Thế cho nên, có thể quy định “Bao công” phải có bằng cấp về luật chỉ được áp dụng từ nhiệm kỳ khóa VII.
Ông Hường nhìn nhận sự việc trên khá thoáng và cho rằng, ông không tham quyền cố vị: “VFF phải lựa chọn theo 2 hướng. Một là chọn người có bằng cấp luật ngồi vào ghế Trưởng Ban kỷ luật, hoặc là có văn bản đề nghị FIFA chấp thuận đặc thù riêng của bóng đá Việt Nam. Mà thế giới bóng đá, không chỉ có bóng đá Việt Nam là mang đặc thù riêng. Với cá nhân tôi, tôi chỉ làm công việc ấy khi còn được tín nhiệm”.
Trong 7 năm qua, ông Hường ngồi ghế “Bao công”, Ban kỷ luật có những phán quyết hay, phán quyết dở, nhưng đây rõ ràng là một Ban có tần suất hoạt động năng nổ nhất của VFF.
Theo SGGP