SLNA & Ngân hàng Bắc Á: Cuộc "hôn nhân" gượng ép
Hợp đồng tài trợ giữa Ngân hàng Bắc Á và đội bóng SLNA sẽ đáo hạn vào cuối năm nay. Nhưng những động thái phát đi từ xứ Nghệ cho thấy, bà bầu Thái Thị Hương dường như không quá mặn mà với viễn cảnh tiếp tục đầu tư 100% cho đội bóng quê hương.
Chưa mặn đã nhạt
Theo kế hoạch, bắt đầu từ mùa giải tới, SLNA sẽ không còn trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Nghệ An mà chuyển giao thẳng cho Ngân hàng Bắc Á, sau khi đội bóng này cũng đã được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Thể thao được vài năm.
Bóng đá với người dân xứ Nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu và trong nhiều thời điểm, nó còn được xem như một trong những biểu tượng của địa phương.
Nhưng dẫu sao Nghệ An vẫn còn là một tỉnh nghèo và bất cứ ai lăn lộn cùng trái bóng tròn cũng hiểu rằng việc thay đổi mô hình hoạt động từ bóng đá quốc doanh sang bóng đá doanh nghiệp chỉ là vấn đề thời gian.
Mọi thứ có vẻ đã diễn ra rất bài bản và giờ đây sau 3 năm thử thách, xứ Nghệ khấp khởi mừng thầm khi họ đã chọn đúng mặt để gửi vàng, với thành quả là chiếc Cúp Quốc gia 2010 và chức vô địch V.League 2011.
Nhưng sau những hy vọng toàn màu hồng, ở thời điểm này, mỗi ngày trôi qua lại là mỗi lúc sự lo lắng của bóng đá xứ Nghệ càng tăng lên trước sự im lặng của Ngân hàng Bắc Á.
Khó khăn kinh tế chỉ là một phần, quan trọng hơn có vẻ là ngay từ đầu SLNA đã được “gả cưới” cho đối tác không mặn mà lắm với trái bóng tròn, dù cuộc “hôn nhân” ấy tất nhiên không thể thiếu những ưu đãi mà Ngân hàng Bắc Á có được khi tiến hành các hoạt động đầu tư tại Nghệ An.
Gượng ép lấy đâu ra hạnh phúc
Các cầu thủ SLNA kể, tính từ thời điểm ăn lương của ngân hàng Bắc Á, số lần họ được gặp bà bầu Thái Thị Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay vào mỗi dịp Tết.
Bà chủ quyền lực này thậm chí còn hầu như chưa bao giờ xuất hiện trên khán đài giống như những ông chủ làm bóng đá khác. Mọi chuyện ở SLNA thực chất gần như đều do bộ đôi Nguyễn Hồng Thanh – Nguyễn Hữu Thắng quán xuyến.
Thế hệ tài năng mới của những Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Đình Đồng... có lý do để cảm thấy buồn tủi khi mức thưởng 400 triệu/trận thắng của họ giờ thuộc diện “hẻo” nhất V.League.
Ngó sang đội bạn lại thấy ông chủ quan tâm sâu sát, thỉnh thoảng lại thưởng vượt khung hoặc thưởng riêng khi đồng nghiệp của họ thi đấu tốt.
Vào lúc này, ở thời điểm hợp đồng sắp đáo hạn, dù rất muốn ở lại đóng góp cho bóng đá quê hương, họ cũng không cảm nhận được sự thiết tha níu giữ.
SLNA 2 năm liên tiếp đi đá AFC Cup, trong nhiều thời điểm chỉ dám mang hơn chục cầu thủ để cắt giảm chi phí. Thậm chí, đến như sân chơi quốc nội, những cầu thủ trẻ hay chuyên dự bị cũng phải cất ở nhà vì con tính khá hạn hẹp xoay quanh tiền vé máy bay cùng tiền ăn ở mỗi lần đá sân khách.
Đội bóng xứ Nghệ hơn 10 năm trước từng nổi tiếng với giai thoại “sợ” vô địch, 10 năm sau ở “kỷ nguyên” của bóng đá doanh nghiệp, người ta tin rằng, một lý do quan trọng khiến SLNA không dám bung hết sức ở mùa giải vừa rồi cũng chỉ bởi những nỗi ám ảnh được sinh ra sau khi bước đến đỉnh vinh quang.
Một khi “tình ít” đặt trong hoàn cảnh “tiền cũng không nhiều” như hiện nay, không ngạc nhiên khi xuất hiện hàng loạt tin đồn như Ngân hàng Bắc Á sẽ chia tay SLNA, đặc biệt là sau nghi án “phê thuốc” của Huy Hoàng.
Một chiều hướng khác cũng nhiều khả năng sẽ diễn ra là Ngân hàng Bắc Á sẽ chỉ tiếp nhận đội một, còn các tuyến trẻ đẩy về cho Sở để tiếp tục duy trì mô hình “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”.
Còn lại đa phần tin rằng Ngân hàng Bắc Á sẽ không tiếp quản từ A-Z như thỏa thuận ban đầu. Với một trung tâm bóng đá giầu truyền thống như SLNA, ước mơ cất cánh và bay cao của họ có lẽ vẫn còn phải chờ một thời gian nữa, có thể là dài dài.
Theo Minh Hoàng
Bongdaplus