Thể thao Việt Nam sa sút - Nguồn lực xã hội ở đâu?

Thể thao Việt Nam sa sút - Nguồn lực xã hội ở đâu?
Bấy lâu này, nói về quá trình xã hội hóa, tiến lên chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam, người ta hay nhắc đến bóng đá với việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các CLB. Tuy nhiên, thực tế là phải đến khi Công ty VPF thành lập, đó mới là lần đầu tiên, các nguồn lực xã hội thật sự giành quyền chủ động. Trước đó, họ vẫn bị lệ thuộc vào cung cách quản lý cũ của ngành thể thao.

Thể thao Việt Nam sa sút - Nguồn lực xã hội ở đâu?

Bấy lâu này, nói về quá trình xã hội hóa, tiến lên chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam, người ta hay nhắc đến bóng đá với việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các CLB. Tuy nhiên, thực tế là phải đến khi Công ty VPF thành lập, đó mới là lần đầu tiên, các nguồn lực xã hội thật sự giành quyền chủ động. Trước đó, họ vẫn bị lệ thuộc vào cung cách quản lý cũ của ngành thể thao.

Trương Thanh Hằng (bìa trái) dự giải vô địch thế giới điền kinh 2011. Năm 2012, cô chỉ dự thêm 1 giải tại Thái Lan
Trương Thanh Hằng (bìa trái) dự giải vô địch thế giới điền kinh 2011. Năm 2012, cô chỉ dự thêm 1 giải tại Thái Lan. Ảnh: CTV
 

Cứ nói đến chuyện xã hội hóa là y như rằng các bộ môn vận động thành lập các liên đoàn và tìm một người có uy tín (chủ yếu là doanh nhân) để làm chủ tịch. Và chấm hết. Mọi thứ khác đều như cũ, từ hoạt động điều hành tới hình thức quản lý. Đó là lý do dẫn đến những tranh cãi, xung đột giữa những cá nhân ngoài xã hội và bộ máy quản lý của các liên đoàn. Kết quả là chẳng có liên đoàn nào hoạt động hiệu quả, kể cả VFF.

Trong 11 môn dự Olympic vừa qua, chỉ đúng một trường hợp Nguyễn Tiến Minh là có hơi hướng của thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tập luyện và thi đấu của tay vợt này cũng vô số chuyện lùm xùm giữa liên đoàn và bộ môn. Từ đó dẫn đến việc hoàn toàn không có một chiến lược tập trung nào cho Tiến Minh có sự chuẩn bị tốt hơn cho Olympic, nhất là khắc phục điểm yếu tâm lý của anh.

Nói về nguồn lực xã hội, các nhà làm thể thao Việt Nam hình như chỉ nghĩ đến chuyện… tiền. Thế nên mới có chuyện liên đoàn nào cũng cố tìm một doanh nhân nào đó làm chủ tịch để tiện cho việc… xin tài trợ. Vì thế mà có chuyện các vị chủ tịch đó chẳng liên quan gì đến hoạt động của liên đoàn ngoài việc ký duyệt chi tiền. Người muốn làm thật sự như trường hợp doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai (bóng chuyền) thì bị cản trở đến mức ông đã 2 lần xin rút lui trước kỳ hạn. Trong khi đó, nguồn lực xã hội rất cần cho thể thao Việt Nam ở những khâu như tổ chức quản lý, quan hệ và đặc biệt là tầm nhìn chiến lược.

Một trong những nguồn lực xã hội bị lãng quên nhiều nhất chính là thể thao học đường, đặc biệt là các trường đại học tư thục. Thể thao học đường hiện chỉ mới dừng lại ở việc ký kết liên tịch giữa các bộ quản lý với nhau nhằm phát triển thể chất. Trong khi đó, đa số các quốc gia tiên tiến đều chú trọng phát triển thể thao chuyên nghiệp ngay từ học đường. Rất đơn giản: phát triển văn hóa cho một VĐV thể thao bao giờ cũng khó hơn phát triển thể thao đỉnh cao ở môi trường có tư duy cao như học đường.

Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và gần chúng ta nhất là Thái Lan đều rất mạnh thể thao học đường. Những kỳ SEA Games tổ chức ở Thái Lan gần đây, một nữa địa điểm thi đấu nằm trong khuôn viên các trường đại học đã cho thấy thể thao học đường của họ phát triển đến mức nào. Còn ở Hàn Quốc, 60% các cầu thủ chơi bóng ở giải B của K-League (tương tự giải hạng nhất Việt Nam) đến từ các đại học.

Ngược lại hoàn toàn, ở Việt Nam, các trường đại học đều không có thể thao đỉnh cao. Thậm chí, đa số còn chẳng có khu vực tập luyện. Trong các trường đại học tư thục, chỉ có Trường Hồng Bàng là chú trọng mảng này nhưng cũng xuất phát từ việc họ có đào tạo những ngành thể chất chứ không hẳn đã xem thể thao như một phần trong chiến lược phát triển của nhà trường. Điều đáng nói, thi đấu thể thao cũng là một cách để các trường tiếp thị hình ảnh, tăng số lượng tuyển sinh…

Điểm yếu lớn nhất của các VĐV Việt Nam là kinh nghiệm, tâm lý thi đấu. Nó xuất phát từ việc thời gian trong năm chủ yếu là tập luyện nhiều hơn cọ xát. Các VĐV có đẳng cấp châu Á ở môn điền kinh như Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương… chỉ tham gia nhiều lắm là 2 giải quốc tế/năm dù trên thế giới, các giải điền kinh có tiền thưởng là rất nhiều. Hiện thể thao Việt Nam chỉ có Nguyễn Tiến Minh và Lê Quang Liêm (cờ vua) là “sống khỏe” nhờ thi đấu chuyên nghiệp.

Cũng theo thống kê, trung bình mỗi năm thể thao Việt Nam chỉ dự chưa đến 10 giải đấu có tiền thưởng trong hệ thống chuyên nghiệp của thể thao thế giới. Và hiện cũng chỉ có môn bơi là có kế hoạch tập huấn dài hạn tại nước ngoài (bao gồm thi đấu), các môn khác chỉ đi tập huấn khi chuẩn bị dự giải.

Theo Đăng Linh
Sài gòn giải phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG