> Thanh tra kết luận bản quyền truyền hình: VFF đúng luật
Đơn khiếu nại của VPF. |
VPF cho rằng, việc "Thanh tra Bộ VHTT&DL đã kết luận chỉ VFF mới có quyền sở hữu và toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức” là chưa đúng với pháp luật hiện hành.
Viện dẫn rất chi tiết từ Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Luật Thể dục, thể thao; Luật dân sự; Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, VPF tái khẳng định VFF không phải chủ sở hữu duy nhất và không có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như nội dung kết luận của Thanh tra Bộ VHTT&DL.
Đồng thời, VPF khẳng định, việc VFF bán cả thương quyền các đội tuyển quốc gia là trái với pháp luật hiện hành về quản lý tài sản Nhà nước.
“Căn cứ các quy định của pháp luật (khoản 3, 4 điều 35 Luật Thể dục, Thể thao; Điều 1 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước), việc VFF bán toàn bộ thương quyền của các đội tuyển quốc gia không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành về bán tài sản Nhà nước”.
Và cuối cùng, VPF chỉ ra việc bán bản quyền của VFF cho An Viên với thời hạn 20 năm là bất hợp lý, dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho bóng đá Việt Nam.
“Mặc dù theo pháp luật hiện hành chưa có quy định nào hạn chế thời hạn hợp đồng, nhưng việc VFF chỉ thu được 6 tỷ đồng/năm cho tất cả các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các trận đấu của các đội tuyển quốc gia và hàng năm chỉ tăng 10% trong suốt 20 năm. Theo chúng tôi, đây là một sự thiệt hại rất lớn cho bóng đá Việt Nam, vì việc thực hiện bán thương quyền này không được thông báo công khai, minh bạch, rộng rãi cho tất cả các đối tác có nhu cầu”.
Trong một diễn biến khác, sau khi thanh tra Bộ VHTT&DL nêu kết luận, VFF đã gửi liên tiếp hai công văn số 89 và 90 do Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung kí gửi VPF và các đài truyền hình địa phương và trung ương yêu cầu tuân thủ đúng hợp đồng chuyển nhượng thương quyền giữa VFF và An Viên.
Xem chi tiết công văn khiếu nại của VPF tại đây