“Sai lầm” của trọng tài Trần Công Trọng (phải) ở trận V.HP-HP.HN đã góp phần dẫn tới sự khai tử của cả một đội bóng ở V-League. |
Mở đầu bản báo cáo tổng kết dài 8 trang A4 (cỡ chữ 12) với 4.916 từ, BTC các giải VĐQG, hạng Nhất QG và Cúp QG nhận định: “Mùa giải 2011 là dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển của các giải đấu quốc gia, trong đó giải bóng đá VĐQG Eximbank 2011 là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên sau 10 năm thử nghiệm, là năm đầu tiên có đầy đủ 14 CLB bóng đá chuyên nghiệp (doanh nghiệp) tham giải vô địch bóng đá quốc gia. Đối với giải hạng Nhất QG và Cúp QG, năm 2011 cũng được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp theo kế hoạch và định hướng của VFF”.
Trên cơ sở đó, BTC đánh giá: “Kết quả cuối cùng của các giải thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp phản ánh đúng thực lực của các CLB tham dự giải, các CLB có lực lượng cầu thủ chất lượng khá kể cả cầu thủ trong nước và cầu thủ nước ngoài, nội bộ ổn định, đoàn kết, HLV có năng lực chỉ đạo, có động lực, quyết tâm cao đều giành được vị trí xứng đáng trên bảng xếp hạng, ngược lại các CLB có lực lượng cầu thủ không đồng đều, không có sự đầu tư tương xứng hoặc có những vấn đề nội bộ không giành được kết quả như mong muốn.
Mùa giải năm 2011 cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được cơ quan quản lý hoạt động bóng đá giải quyết khắc phục như: sự thi đấu thiếu quyết tâm của một bộ phận cầu thủ, CLB khi đã đảm bảo số điểm cần thiết để trụ hạng hoặc thăng hạng tạo nên những hình ảnh, dư luận xấu trong xã hội, các sai sót của trọng tài trong những thời điểm quyết định của giải ảnh hưởng trực tiếp đến các CLB trong nhóm liên quan, tạo áp lực vô cùng lớn đối với BTC giải cũng như lãnh đạo các CLB”.
Và cuối cùng, BTC giải kết luận: “Có thể nói, mùa giải 2011 là mùa giải hấp dẫn nhất sau 10 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp ở VN… Mùa giải năm 2011 đã kết thúc với nhiều sự kiện đan xen giữa tính tích cực và những tồn tại, cũng đặt VFF trước thực tế phát triển nhanh của bóng đá chuyên nghiệp, đòi hỏi cần phải đổi mới để phù hợp với yêu cầu quản lý và điều hành trong điều kiện mới, cũng như rất cần sự ủng hộ và quan tâm của các cơ quan, ban ngành, các CLB và người hâm mộ trên cả nước.
Mặc dù còn một số khiếm khuyết trên bước đường chuyên nghiệp hoá bóng đá tại VN, nhưng có thể khẳng định rằng: VFF, BTC giải đã cùng với các CLB, BTC trận đấu, các giám sát, trọng tài, các hội CĐV ở các địa phương đã có nhiều nỗ lực để giành được những kết quả đáng ghi nhận tại mùa giải 2011”.
Kết luận này không khiến ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi từ mấy mùa giải năm nay, VFF đã luôn sử dụng những từ ngữ như vậy trong các bản tổng kết giải của mình. Một dẫn chứng tiêu biểu là vụ việc của 2 trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết được BTC giải diễn giải như sau: “Nghiêm trọng nhất là 2 trọng tài chính điều khiển 2 trận đấu V.Hải Phòng-HP.HN và B.BD-V.Hải Phòng, do không chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh không vững vàng dẫn đến nhiều sai sót chuyên môn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đội ngũ trọng tài và của giải đấu”.
Phải chăng những sai lầm của trọng tài Công Trọng và Văn Quyết ở 2 trận đấu đó chỉ là “do không chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh không vững vàng”, và tại sao cả 2 trọng tài này đều dính dáng tới V.Hải Phòng, đội bóng ngay trước khi xảy ra sự cố liên quan tới 2 ông vua sân cỏ nói trên đã tuyên bố sẽ tung ra 10 tỷ để quyết tâm trụ hạng (và cuối cùng họ đã làm được)?!
Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần kết nối 2 vấn đề được BTC nêu ra trong bản tổng kết giải, đấy là cùng lúc với tuyên bố “mùa giải 2011 là mùa giải hấp dẫn nhất sau 10 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp ở VN” thì BTC giải cũng phải thừa nhận: “Lượng khán giả trung bình tới sân giảm: số lượng khán giả trung bình/trận đấu của giải bóng đá VĐQG 2011 là 7.395 người/trận (so với 8.297 người/trận ở giải năm 2010); trung bình ở giải hạng Nhất QG là 2.285 người/trận (so với 2.563 người/trận ở giải năm 2010)”.
Giải hấp dẫn nhất sau 10 năm mà khán giả trực tiếp tới sân lại sụt giảm hơn hẳn so với mùa bóng gần nhất, hẳn là BTC giải cũng như VFF quá hiểu đâu là nguyên nhân thực sự.
Theo Thể Thao Văn Hóa