Thực ra, những tệ nạn trong bóng đá VN, từ chuyện chạy điểm, xin điểm, nhường nhịn... điểm, ân tình... điểm hay “có gì đó” trước với trọng tài đều là phản ánh những tệ nạn y như thế trong xã hội. Có điều, bóng đá phải phơi mặt ra trước hàng ngàn người xem tại chỗ và hàng triệu người xem qua truyền hình, nên khó giấu và dễ thấy hơn thôi. Nếu trong xã hội, rất nhiều tệ nạn kiểu đó đã qua mặt được các cơ quan bảo vệ pháp luật nhờ trăm phương nghìn kế, thì trong bóng đá cũng vậy, có điều nhiều khi diễn ra thô thiển hơn, đóng kịch vụng về hơn mà thôi.
Bây giờ, muốn có một hay nhiều “đột phá” để bóng đá VN thật sự chuyên nghiệp thì cũng khó như mò kim đáy biển, vì cuối cùng rồi mọi thứ lại được đổ dồn cho... cơ chế. Mà đúng là do cơ chế. Nếu VFF được tổ chức theo một cơ chế khác, giống như những liên đoàn bóng đá ở những nước phát triển trên thế giới, thì chắc chắn sự kiểm soát giải đấu sẽ chặt chẽ hơn, giá trị giải đấu sẽ tăng hơn vì mọi đội bóng cũng như VFF đều ràng buộc quyền lợi với giải đấu, mà giải đấu nếu thất bại thì tất cả cũng... đi luôn! Chỉ khi thực sự có quyền lợi, thì mới nói tới những nghĩa vụ thực sự được. Và sự trong sạch cũng chỉ có khi đi kèm với quyền lợi, nghĩa vụ là những chế tài, trong đó kể cả những chế tài của pháp luật.
Theo Thanh Niên