Trong mắt giới truyền thông quốc tế, Lê Quang Liêm là trí tuệ Việt Nam, là vinh quang Việt Nam hay đơn giản là sát thủ cờ vua… Nhưng vẫn còn một Lê Quang Liêm tinh tế, giản dị mà người hâm mộ ít có cơ hội biết đến.
Thần tượng của đại kiện tướng
Mùa Hè năm 2010, Lê Quang Liêm (khi đó là hạng 55 thế giới) lần đầu được dự giải Siêu đại kiện tướng Dortmund nhờ vô địch giải Aeroflot vào tháng 2/2010. Sinh năm 1991, Liêm là kỳ thủ nhỏ tuổi nhất giải này, trong lúc các đấu thủ khác có năm sinh từ 1975-1985. Chính huyền thoại cờ vua, tiến sĩ toán học người Nga Anatoly Karpov ngỡ ngàng: “Đây là kỳ thủ người Việt Nam đầu tiên và là người trẻ tuổi nhất xuất hiện tại giải Dortmund 2010”. Thế mà gương mặt mới Lê Quang Liêm đã giành hạng Nhì chung cuộc
Khi nhận cúp Á quân, người đầu tiên Liêm nghĩ đến chính là mẹ anh. Bà Trần Thị Mỹ Lệ không chỉ bên cạnh Liêm trong những ngày ở Dortmund, mà còn đồng hành với cậu con trai út trong cuộc sống. Nhắc đến hình mẫu phụ nữ lý tưởng và đáng tin cậy nhất, Liêm nói luôn: “Giống như mẹ tôi”! Lối sống, cách ứng xử của mẹ đã cho Liêm khái niệm những đức tính không thể thiếu ở phụ nữ là quan tâm, chăm lo cho gia đình và khéo léo, tế nhị trong cư xử.
Nếu Liêm có những phác thảo về chân dung “người phụ nữ lý tưởng” như trên, thì anh mong muốn trở thành người đàn ông như thế nào? Anh bộc bạch: “Tôi muốn mình là một người thành đạt, làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội”. Ông Lê Quang Quýnh, cha của Liêm, không chỉ luân phiên với vợ mỗi lần con trai đi thi đấu cả trong lẫn ngoài nước, còn đưa đón Liêm đi tập cờ hàng ngày từ lúc anh 7-8 tuổi.
Qua lời ông, tôi mới biết chuyện cậu bé Liêm phải viết thư gửi ba để xin lỗi vì đã mải chơi và trễ giờ đi học cờ. Nhớ lại chuyện ấy, ông Lê Quang Quýnh cho biết thêm: “Lần đó, Liêm phải nghỉ học cờ một vài hôm, nhưng lại thấy nhớ cờ nên viết thư. Chúng tôi nghiêm khắc với con không phải vì muốn ép con theo cờ vua mà muốn con hiểu là mình sinh hoạt trong một tổ chức (ngành TDTT TPHCM) thì nên tuân thủ những quy định chung, ví dụ đi tập đúng giờ”. Chính nếp nhà có khuôn phép, mọi thành viên đều hết lòng vun đắp cho nhau, đã hình thành trong Liêm hình ảnh người đàn ông trưởng thành là “luôn đặt gia đình lên vị trí ưu tiên hàng đầu”.
Và Liêm trong lòng ba mẹ lại là đứa con trai biết chia sẻ một cách tinh tế. Bà Lệ tâm sự: “Liêm không thể hiện ồn ào tình cảm của mình, nhưng luôn quan tâm đến mọi người trong nhà. Chẳng hạn đến giờ cả nhà cùng ăn cơm tối mà chưa thấy ba mẹ về là Liêm điện thoại, khi nào thấy ba mẹ ăn ít Liêm lại hỏi thăm có việc gì khiến ba mẹ bận tâm”.
Kiếm tiền chính đáng
Lê Quang Liêm sớm thu hoạch tiền bạc từ cờ vua. Món tiền khá lớn Liêm có được lần đầu tiên là vào lúc 9 tuổi khi được thưởng 7,5 triệu đồng do đoạt HCB U.10 giải vô địch Đông Nam Á. Sau hơn 10 năm chơi cờ, khoản tiền thưởng lớn nhất Liêm từng có là 21.000 euro (khoảng 550 triệu đồng) của chức vô địch giải Aeroflot mở rộng năm 2010.
Tuy nhiên, đại KTQT này ít khi… tiêu tiền cho những nhu cầu cá nhân: “Trước đây cũng như bây giờ, tôi dùng một phần tiền thưởng của mình để đầu tư lại cho tập luyện, mua sách báo, tài liệu chuyên môn, làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Phần còn lại, tôi gửi ba mẹ, dành dụm cho tương lai”. Một trong những cú đầu tư tốn kém của Liêm là 2 tuần “thọ giáo” một chuyên gia cờ vua nước ngoài trước khi dự giải Siêu đại kiện tướng Dortmund 2010. Lần đó, anh đài thọ mọi chi phí ăn, nghỉ tại một resort ở Phan Thiết cho vị chuyên gia này, chưa kể khoản học phí 50 euro/giờ (trung bình học 4 giờ/ngày).
Trong thế giới cờ vua chuyên nghiệp, tiền bạc góp phần thể hiện đẳng cấp của kỳ thủ. Chẳng hạn, các kỳ thủ được mời khoác áo nhiều CLB và di chuyển thường xuyên giữa các quốc gia để thi đấu bằng chính năng lực của họ. Từ năm 2009, một số CLB Trung Quốc đã mời Liêm thi đấu cho họ. Đến năm 2010 có thêm các CLB ở Đức, Pháp liên hệ với Liêm, dẫn đến việc Liêm thi đấu cho CLB Qing Dao Chess Association (Trung Quốc) từ 10/4 -15/4/2011, rồi khoác áo CLB Evry Grand Roque (Pháp) từ 25/5- 6/6/2011.
Việc thi đấu cho các CLB nước ngoài giúp Liêm cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và hệ số Elo (vì các nước này có môi trường thi đấu chuyên nghiệp cùng sự tham gia của nhiều kỳ thủ quốc tế), đồng thời mang lại thu nhập. Lê Quang Liêm cho biết: “Thu nhập của anh chủ yếu từ lương và thưởng. Nếu thi đấu thường xuyên cho các CLB hay được mời dự nhiều giải siêu hạng cũng sẽ tạo ra nguồn thu nhập tương đối ổn định. Nhưng để được mời tham dự những giải uy tín và danh giá, VĐV cần giữ vững phong độ đỉnh cao trong nhiều giải. Hiện nay, có lẽ chỉ những kỳ thủ Top 20 thế giới mới thường xuyên được mời các giải hạng siêu nên tôi phấn đấu lọt vào và trụ lại tốp này”.
Hãy đợi đấy !
Từ buổi đầu gặp gỡ cờ vua, Liêm đã mơ ước trở thành nhà vô địch thế giới. Nghe vậy, cả nhà đều bật cười. Nhưng càng về sau, chứng kiến sự tiến bộ vững chắc và nhanh chóng của Liêm, bố mẹ anh hiểu rằng việc đoạt ngôi vô địch thế giới là “giấc mơ có thật” của “Út Tin” – tên gia đình thường gọi Quang Liêm.
Hơn 10 năm gắn bó với cờ vua, Quang Liêm luôn có thái độ lao động nghiêm túc tuyệt đối, với những giai đoạn phải nghiên cứu cờ hết 10 giờ/ngày. Nhọc nhằn là vậy, nhưng Quang Liêm vẫn tiếp tục giấc mơ vô địch thế giới với biện pháp: “Điều quan trọng nhất để thành công là làm việc nghiêm túc và tận lực. Trong cờ vua, năng khiếu ban đầu có thể khiến các kỳ thủ hơn nhau một chút ở buổi đầu chơi cờ đỉnh cao, nhưng nếu mình làm việc tốt hơn thì nhanh tiến bộ hơn vì lý thuyết cờ vua cực kỳ đa dạng và biến đổi từng ngày đòi hỏi kỳ thủ cập nhật liên tục. Tôi còn trẻ, nhưng nỗ lực chinh phục đỉnh cao cờ vua là điều cần phải làm ngay, vì thời gian không chờ đợi ai”.
Nếu ai đó nghĩ rằng Việt Nam không thể đoạt một chức VĐTG về cờ vua. Hãy đợi đấy vì Lê Quang Liêm vẫn đang miệt mài khổ luyện để đạt mục tiêu này.
Theo Thể Thao Cuộc Sống