Một ngoại binh khi nhập tịch như Phan Văn Santos sẽ có giá trị chuyển nhượng rất cao. |
Vì VFF không cấm. Vì, không riêng gì đội bóng Hoa Lư, nhiều đội khác đang đang sống bằng năng lực của cầu thủ địa phương khác. Thậm chí, có doanh nghiệp bỏ tiền mua hẳn đội bóng rồi dời đô vào mảnh đất khác (như bầu Thụy với Sài Gòn.Xuân Thành) để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Với bóng đá VN, bệnh thành tích và ăn xổi vẫn rất nặng nề. Do đó, nếu có thể (tiền và cơ hội), họ chẳng dại gì không nhập tịch ngoại binh cật lực để gia tăng số lượng cầu thủ ngoại trên sân. Kể cả những cầu thủ ngoại tuổi tác và phong độ đã bên kia đỉnh dốc, cũng đang bị săn lùng. “Yếu trâu hơn khỏe bò”, đấy là nếp nghĩ có tính phổ quát, không riêng địa hạt bóng đá.
Trước thềm Tiger Cup 2004, cầu thủ Việt kiều Pháp Ludovic Casset về Việt Nam và dễ dàng có vài buổi tập với ĐTVN, rồi bị HLV Tavares lắc đầu từ chối vì chuyên môn kém. Sau đó, anh này được Đà Nẵng hô biến thành Mã Trí, được phép thi đấu từ giai đoạn 2 mùa giải 2005. Nếu không bị áp lực từ lãnh đạo, HLV Lê Thụy Hải không bao giờ để Trí ra sân. Nhưng, chính sự kém cỏi của anh, cộng thêm phản ứng của khán giả Đà Nẵng, đã khiến những người làm bóng đá địa phương này phải nghĩ lại. Họ đã chia tay tiền vệ này. Đến thời điểm hiện tại, SHB.ĐN chỉ nhập tịch cầu thủ duy nhất, Nguyễn Rogerio, dù họ thừa có khả năng kiếm thêm cầu thủ nhập tịch khác, và hiệu quả của Nguyễn Rogerio thế nào cả nước đều biết.
Việc một cầu thủ năng lực lơ mơ nhưng dễ dàng được tập cùng ĐTVN và nhập tịch như Ludovic Casset cũng là một biểu hiện của sự dễ dãi ở mọi cấp độ, tạo nên tiền lệ rất xấu cho sau này. Dù thế, về bản chất, việc Đà Nẵng “hô biến” Casset từ Việt kiều Pháp thành cầu thủ Việt vẫn có động cơ “trong sáng”, bởi chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ cho một bộ phận khán giả, hơn là tạo sự khác biệt hay lợi thế trong chuyên môn.
Sẽ dễ dàng nhận ra phi vụ Casset rất khác trường hợp Fabio Dos Santos được nhập quốc tịch VN ngày 25/12/2007, với cái tên Phan Văn Santos. “Động cơ” của ĐTLA rất rõ ràng: muốn hơn các đội 1 ngoại binh. Thời điểm đó, sự háo hức chờ đợi dấu ấn của Santos trong màu áo ĐTVN (chuẩn bị chiến dịch AFF Suzuki Cup 2008) của một bộ phận dư luận là rất lớn. Đến mức, nhiều người quên mất rằng lúc đó Phan Văn Santos đã 31 tuổi. Thời điểm trở lại VN khoác áo ĐTVN, anh nặng 120kg, sau 8 ngày tập giảm được 4kg. Điều đó chẳng khó để lý giải vì sao Phan Văn Santos đã mắc hai sai lầm thô thiển ở trận đấu với Turkmenistan, khiến cho ĐTVN thua 1-3 tại Cúp TP.HCM 2008. Suy ra cho cùng, như thế cũng là điều may mắn, nếu Santos không chơi dở như thế thì Dương Hồng Sơn làm gì có cơ hội thay thế để rồi cùng ĐTVN giành Cúp vàng Đông Nam Á.
Cũng sẽ dễ dàng nhận ra, sau khi có lợi thế được đối xử như một cầu thủ nội, Phan Văn Santos dường như đã trở thành con người khác. Anh dám ngoảnh mặt với ông thầy ruột Calisto khi viện lý do vợ sắp sinh để rời ĐTVN.
Đầu mùa giải 2011, Santos có lúc bắt cá đến …3 tay, khi đang là người của N.SG nhưng đòi gia nhập V.NB, B.BD. Một ngoại binh khi nhập tịch như Phan Văn Santos thừa hiểu rằng giá trị chuyển nhượng sẽ rất cao, nên việc đứng núi này, trông núi nọ, gây khó dễ với CLB chủ quản là điều khó tránh khỏi. Với ngoại binh sắp đủ điều kiện nhập quốc tịch VN, rất khó để CLB giữ trọn đôi chân và cái đầu của họ. K.KH từng rối ren khi bị Jonathan và Issifu quậy tới bến. Trường hợp hàng sao cỡ như Lee Nguyễn hay Huỳnh Kesley càng phức tạp hơn.
Chỉ sau một mùa giải 2008, sự kiện Santos đã khiến phong trào nhập tịch cho ngoại binh như nấm mọc sau mưa, con số tính đến đầu mùa giải năm nay đã là 14, và chưa chắc chưa dừng lại, khi VFF mới “xiết” lại quota ngoại binh, chỉ cho phép các CLB đăng ký 4 cầu thủ và ra sân 3. VFF từng tính đến việc chỉ cho phép mỗi đội sử dụng một cầu thủ nhập tịch, nhưng như thế không ổn, bởi như thế sẽ dễ bị kiện như vi phạm quyền công dân và luật lao động.
Việc nhập tịch ngoại binh đã được xiết lại chặt hơn, nhưng những hệ lụy của việc thiếu kiểm soát trào lưu này sau trường hợp Santos đã khiến BĐVN còn chưa hết “đứt tay”, ở góc độ thị trường chuyển nhượng, sự bình ổn về mặt tổ chức các CLB cùng sự thiếu công bằng của cuộc chơi.
Theo Thể thao văn hóa