> Danh Ngọc bị treo giò 18 tháng, phạt 2,4 tỷ đồng
Hoàng Danh Ngọc (phải) bị cấm thi đấu 18 tháng. |
1. Thông tin mới đây, tiền đạo Samson sau khi không thể đáp ứng được yêu cầu nộp 500.000 USD tiền đền bù hợp đồng, đã “xuống nước” xin CLB CS.ĐT cho ở lại. Trước đó, Samson đã tự ý bỏ đội, nằng nặc đòi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với CS.ĐT để chuyển đến một CLB khác (Hà Nội T&T, như tất cả đều hiểu), bất chấp sự thuyết phục của người Đồng Tháp.
Lãnh đạo Hà Nội T&T, từ “bầu” hay HLV trưởng Phan Thanh Hùng, đều không giấu diếm ý định giành được chữ ký của Samson. Dĩ nhiên, “sau khi Samson giải quyết xong chuyện hợp đồng với CS.ĐT”-như những phát ngôn đậm tính ngoại giao của Hà Nội T&T. Đã chắc rằng việc Samson bất ngờ xin ở lại sân Cao Lãnh sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới của Hà Nội T&T, cụ thể là trong việc ổn định nhân sự hàng công.
HLV Phan Thanh Hùng cho biết vẫn đang cần thêm một tiền đạo ngoại. Cho đến chiều qua, chủ tịch CLB Hà Nội T&T Đỗ Quốc Hội đã phải thừa nhận, không thể nắm được tình hình của Samson như thế nào nữa.
2. Lại thấy cần phải nhắc tới trường hợp của tiền vệ Hoàng Danh Ngọc. Do đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB bóng đá Nam Định, Hoàng Danh Ngọc đã bị Ban kỷ luật LĐBĐVN phạt 2,4 tỷ đồng (trả cho CLB bóng đá thành Nam), kèm theo cấm thi đấu 18 tháng. Đây là mức án kỷ lục đối với một cầu thủ, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh Danh Ngọc từng có nhiều cống hiến cho các ĐTQG ở các cấp tuổi khác nhau.
Cần nói thêm là trong khung hình phạt Ban kỷ luật VFF áp dụng để “xử” Danh Ngọc, mức thời hạn cấm thi đấu tối thiểu chỉ là 4 tháng (nhưng không có tối đa(!?)). Án phạt Ban kỷ luật VFF đưa ra, những người dù đã lường trước chuyện Danh Ngọc khó thoát chuyện bị cấm thi đấu, vẫn thấy bất ngờ. Và choáng váng, như Danh Ngọc trần tình sau đó.
3. Trở lại với Samson, có đến 99% khả năng tiền đạo gốc Nigeria sẽ không phải nhận bất kỳ án phạt nào từ phía VFF. Hoặc vì CS.ĐT không kiện (như Nam Định), hoặc vì VFF thấy không cần thiết, không biết, hay vì cả 2 lý do trên. Tuy nhiên, đã có không ít người tin rằng, cái bóng của Hà Nội T&T trong thương vụ trên cũng là một nguyên nhân khiến VFF kém sốt sắng đến vậy, chứ không như với trường hợp của Danh Ngọc.
“Đen” cho Danh Ngọc là Nam Định lại vác đơn đi kiện chứ không ngồi im. Cũng khó trách dư luận có những nghi ngờ, khi với 2 vụ việc có cùng bản chất (tự ý phá hợp đồng), nhưng VFF lại có những phản ứng rất trái ngược. Thật khó tin Samson tự ý đòi bỏ CS.ĐT khi chưa nhận được bất kỳ sự đảm bảo của bên thứ 3 nào, như Hà Nội T&T.
4. Cái “lý” để Ban kỷ luật VFF đưa ra án phạt nặng với Danh Ngọc (án điểm-như giải thích của Trưởng tiểu ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường) là để bảo vệ các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Một “đòn” cảnh tình đối với nạn “đi đêm” đang diễn ra ở BĐVN. Chưa bàn đến chuyện lấy một câu chuyện này áp vào làm lý do để mạnh tay (và sai về bản chất vấn đề) đối với một trường hợp khác, liệu rằng VFF có dám khẳng định đây là một biện pháp hữu hiệu, và trúng, để bảo vệ cũng như phát triển các trung tâm bóng đá trẻ của VN?
Có một thực tế, là không phải đến khi có chuyện của Danh Ngọc, các “lò” đào tạo trẻ như Nam Định hay SLNA mới có dấu hiệu đi xuống. Một cầu thủ trẻ như Danh Ngọc đòi ra đi cũng chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp các cầu thủ đòi chấm dứt sớm hợp đồng để chuyển đến một CLB khác. Ở đây, thậm chí chưa bàn đến chuyện, mạnh tay với cầu thủ, nhưng Ban kỷ luật VFF lại không hề ra “đòn” với những CLB đứng sau. Vì sao thì chắc chỉ VFF mới giải thích được.
Quy chế không chặt, CLB nghèo dễ “chết” HLV Trần Văn Phúc: Trường hợp Danh Ngọc, có lẽ cũng phải chia sẻ với Nam Định. Năm ngoái họ đã mất 8 cầu thủ rồi, năm nay lại thêm 2,3 người nữa, sống thế nào được. Giá Danh Ngọc ở thêm 1 năm để hưởng đầy đủ chế độ rồi sang Ninh Bình thì tốt quá. Nhưng phải nói thật bóng đá giờ là của người giàu. Không có tiền đừng mong có đội bóng mạnh. Chuyện CLB này dùng tiền chèo kéo cầu thủ CLB khác là rất khó tránh, không chỉ ở VN mà theo tôi nghĩ thế giới cũng vậy thôi. Quan trọng là VFF cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để làm cơ sở xử lý. Quy chế không chặt, các CLB nghèo càng dễ “chết”. Hợp đồng giữa CLB với cầu thủ cũng phải cụ thể, minh bạch, đúng năm đúng tháng. Lấy ví dụ như trường hợp của Thanh Hóa với Mai Tiến Thành trước kia, hợp đồng cho phép được ra đi bất kỳ lúc nào, nên dù chưa đủ 23 tuổi, Thanh Hóa vẫn phải để Mai Tiến Thành sang Ninh Bình. Phạt, nhưng phải tạo điều kiện để cầu thủ phát triển Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh: VFF không nên nói cảm tính là phạt nặng vậy để bảo vệ CLB nghèo khỏi cảnh “rút ruột” hay đào tạo trẻ. Vì như vậy là gắn chuyện nọ sang chuyện kia. Cần phải tách bạch vấn đề một cách rõ ràng và đặt trong bối cảnh bóng đá ta còn chưa thật sự chuyên nghiệp một cách toàn diện để xử lý. Tại sao Samson cũng đòi phá hợp đồng mà VFF không xử? Hơn nữa, có “đánh” cũng cần tạo điều kiện để cầu thủ phát triển, chứ khiến cầu thủ bị thui chột thì không ai có lợi. Danh Ngọc vô kỷ luật, bị phạt là đúng, phải trả Nam Định tiền cũng đúng, tôi chắc không ai phản đối. Nhưng cấm thi đấu tới 18 tháng thì tôi nghĩ nên cân nhắc lại. Ở đây còn một vấn đề khác, là cầu thủ mình kiến thức pháp luật kém, nên nhiều khi bị thua thiệt. Tôi biết có cầu thủ, bảo ký là ký, chỉ hỏi lương bao nhiêu chứ không biết để ý điều khoản chi tiết hợp đồng như thế nào. Đây cũng là vấn đề VFF cần quan tâm. |