Cứu sống trẻ có nhiều nội tạng chui lên lồng ngực

Cứu sống trẻ có nhiều nội tạng chui lên lồng ngực
TP - Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa cứu sống một trẻ sơ sinh bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh khiến nội tạng tiêu hóa chui lên lồng ngực.

> Cứu sống trẻ sơ sinh bị hội chứng hít phân su
> Cứu sống trẻ sơ sinh bị mù do bệnh lậu

Bé Hoàng Chi M. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chào đời đã phải đối mặt với dị tật thoát vị hoành bẩm sinh rất nặng.

Phần bụng của bé M. xẹp lép, còn toàn bộ vùng lồng ngực căng phồng. Bệnh nhi rơi vào trạng thái khó thở, tím tái do suy hô hấp.

BV Phụ sản Hà Nội đã liên hệ với BV Nhi T.Ư để cử bác sĩ sang tận phòng đẻ đánh giá về chức năng sống, đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển cấp cứu sang BV Nhi T.Ư. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải thở máy, tăng áp lực động mạch phổi nặng nếu không cấp cứu kịp sẽ tử vong, hình ảnh thoát vị hoành trái hiện rõ trên phim chụp Xquang.

TS.Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết khối thoát vị gồm lá lách, toàn bộ ruột, dạ dày, đại tràng chui lên ngực qua lỗ thoát vị, chèn ép phổi và tim khiến phổi chỉ còn 1/3 nang phổi so với bình thường, tim lệch sang bên phải.

Trước tình trạng quá nặng của bệnh nhi, các bác sĩ đã cho thở khí NO để giảm áp lực động mạch phổi, ổn định tình trạng chung của cơ thể để phẫu thuật.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh vịên Nhi T.Ư là người trực tiếp thực hiện ca mổ nội soi ngay tại giường hồi sức dưới sự hỗ trợ thở của máy thở cao tần (HFO).

Sau 50 phút phẫu thuật bác sĩ đã đưa toàn bộ nội tạng tiêu hóa trở lại ổ bụng bệnh nhi, đưa tim về vị trí bình thường, đồng thời khâu phục hồi cơ hoành. Dự kiến bệnh nhi sẽ xuất viện sau 2 tuần nữa.

Phát hiện được qua siêu âm thai

Trước đó trong quá trình mang thai, mẹ bé M. đã được các bác sĩ siêu âm và chẩn đoán có khối thoát vị cơ hoành nên theo dõi sát sao sự phát triển của bào thai.

Thống kê cho thấy, mỗi năm BV Nhi T.Ư phẫu thuật cho khoảng 40 trẻ bị thoát vị cơ hoành. Số lượng trẻ mắc dị tật này có dấu hiệu tăng lên trong thời gian qua. Đến nay chưa xác định được nguyên nhân gây dị tật.

TS.Trần Minh Điển cho biết thoát vị cơ hoành xuất hiện ở giai đoạn phôi thai 8 tuần tuổi. Dị tật bẩm sinh này tác động đến sự phát triển bình thường của tim và phổi. Thời điểm thoát vị và kích thước dị tật ảnh hưởng đến thời điểm phổi ngừng phát triển.

Hầu hết các thoát vị xảy ra trước tuần 12 của thai kỳ, số lượng phế quản ở cả 2 lá phổi giảm đáng kể, nhất là phía bên cơ hoành bị tổn thương, và phổi bên đối diện cũng bị ảnh hưởng.

Thông thường phổi bên bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ dừng phát triển ở tuần 10-12, phổi đối diện sẽ dừng ở tuần 12-14.

Dị tật này có thể phát hiện ở tuần thứ 14 của thai kỳ. Trên thế giới bác sĩ có thể can thiệp để chỉnh sửa khuyết tật thoát vị cơ hoành ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa được triển khai tại Việt Nam, nên hầu hết bệnh nhi được xử lý dị tật khi vừa chào đời.

Bác sĩ Điển cho biết thêm khi thấy trẻ có biểu hiện tím không giải thích được, suy hô hấp, bụng phẳng dẹt cần nghĩ tới trẻ bị thoát vị cơ hoành để có hướng điều trị sớm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.