Nhiễu thông tin về amip ăn não người

Nhiễu thông tin về amip ăn não người
TP - Trong khi đại diện Trung tâm Giám định pháp y TPHCM cho rằng bệnh nhi Lý Tài T. 6 tuổi tử vong do amip ăn não có nguồn lây do amip sống trong đất, không khí thì các chuyên gia y tế dự phòng lại bác bỏ nguồn lây này.

> Nghi bé trai 6 tuổi tử vong do amip ăn não người

Nhiều nghiên cứu cho thấy amip ăn não không chỉ sống ở nước ngọt mà có thể tồn tại trong đất. Ảnh minh họa: L.N
Nhiều nghiên cứu cho thấy amip ăn não không chỉ sống ở nước ngọt mà có thể tồn tại trong đất. Ảnh minh họa: L.N.

Theo điều tra dịch tễ từ khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh nhi T. không sống với cha mẹ từ tháng 3-2011 mà được một phụ nữ ở địa chỉ 357/22/49 Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân nhận chăm sóc thuê hơn một năm nay.

Bé T. sinh non, bị xuất huyết não sau sinh. Tháng 3-2011, em được đưa đến BV Nhi đồng 1 TPHCM thăm khám, kết quả cho thấy T. chậm phát triển tâm thần vận động và di chứng xuất huyết não sau sinh.

Một tuần trước lúc nhập viện điều trị, T. thường đập đầu xuống nền gạch nhưng không ói. Ngày 10-8, bé sốt nên được người chăm sóc cho uống thuốc hạ sốt. Hai ngày sau, bà trông trẻ thấy T.tím tái nên đưa đến BV quận 6 cấp cứu. Tuy nhiên, T. đã ngưng tim ngưng thở trước khi đến viện.

Do nghi ngờ về trường hợp tử vong của T. nên Trung tâm Giám định pháp y TPHCM giải phẫu tử thi lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và xác định T. tử vong, apxe não do Naegleria fowleri , loại amip ăn não người.

Các ghi nhận từ dịch tễ cho thấy, T. không tiếp xúc với nguồn nước ở hồ ao… Bé được cho uống nước đun sôi để nguội và nước dùng sinh hoạt hằng ngày từ nguồn nước máy.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TPHCM, amip gây nên cái chết của T. có từ trong đất, khác với nhận định của các chuyên gia rằng loại amip này chỉ sống trong môi trường nước ngọt, ao hồ.

Bác sĩ Hiếu khẳng định, y văn thế giới ghi nhận amip có trong đất nên trong không khí cũng có loại amip này. “Đây là nguyên nhân lây bệnh cho cháu T. dù cháu không tiếp xúc với sông hồ”- bác sĩ Hiếu nói.

Trong khi đó, trả lời báo chí, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, amip ăn não người sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên (ao, hồ) và khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người làm nghề lặn, nghề liên quan đến bơi lội cần sử dụng loại nẹp mũi, trang bị ống thở để tránh sặc vào đường mũi làm amip đi vào đường niêm mạc mũi, vào mạch máu và lên não.

Các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng cũng nói, bệnh viêm não - màng não do đơn bào Naegleria fowleri rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Từ năm 1962 - 2011, Mỹ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 - 8 trường hợp/năm. Đại diện cục này khẳng định, đơn bào Naegleria fowleri tự dưỡng trong môi trường nước ngọt như hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...và ở khu vực khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Một bác sĩ còn nói, nếu lên cạn, loại amip này sẽ chết ngay.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, PGS-TS Triệu Nguyên Trung- Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng- côn trùng Quy Nhơn cho rằng, amip ăn não người sống tự do trong các vật thể ẩm và nước ngọt và khẳng định loại amip này còn được tìm thấy trong các vùng đất ẩm gần nơi thải nước của các nhà máy, hồ bơi chưa khử khuẩn.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, trường hợp tử vong của bé T. không liên quan nhiều đến các yếu tố dịch tễ và nguồn lây bệnh không rõ ràng. Vì vậy cơ quan này vẫn cho rằng cần phải thành lập hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân chính xác, tránh gây hoang mang đối với người dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.