Các nhà khoa học thuộc Trường đại học California, Davis đã nghiên cứu sự tác động của việc hấp thu fructose hoặc glucose ở 32 nam giới và nữ giới cao tuổi, thừa cân hoặc béo phì. Những người tham gia được dùng đồ uống chứa chất làm ngọt glucose hoặc fructose, cung cấp 25% nhu cầu năng lượng trong 10 tuần.
Hấp thu fructose, nhưng không hấp thu glucose, đã tác động đến các thông số khác nhau liên quan đến hội chứng chuyển hóa, bao gồm tăng nồng độ a-xít uric (được biết là cao hơn ở người bị hội chứng chuyển hóa). Ngoài ra, hấp thu fructose làm tăng hoạt động của GGT (một chỉ báo của rối loạn chức năng gan) và sản sinh protein RBP-4 – liên quan với tăng kháng insulin.
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu sự tác động của hấp thu glucose hoặc fructose lên nồng độ RBP-4.
Thiết kế nghiên cứu này gồm 3 giai đoạn, giai đoạn lúc bắt đầu bệnh nhân nội trú 2 tuần, giai đoạn can thiệp bệnh nhân ngoại trú 8 tuần và giai đoạn can thiệp nội trú 2 tuần. Thu thập máu lúc đói và 24 giờ được thực hiện lúc bắt đầu nghiên cứu và sau 10 tuần can thiệp để đánh giá nồng độ a-xít uric huyết thanh và các hoạt động của men gan.
Kết quả đầu tiên của nghiên cứu cho thấy thể tích mỡ tạng (mỡ trong khoang bụng) đã tăng rõ rệt chỉ ở những người hấp thu fructose, cùng với tăng một số lipid và giảm độ nhạy của insulin, mặc dù cả hai nhóm đều có biểu hiện tăng cân như nhau.
Glucose và fructose đều là đường đơn. Glucose và fructose nguyên chất được dùng để làm ngọt đồ uống trong nghiên cứu này và không thấy trong tự nhiên. Phần lớn trái cây và mật ong chứa lượng glucose, fructose và sucrose tương đương.
Các ngũ cốc như lúa mì, yến mạch, bắp ngô, lúa mạch chứa một lượng lớn glucose (và một chút fructose). Nước ép trái cây có nồng độ các dạng đường này cao hơn, nhưng trái cây và rau lại chứa chất xơ và các thành phần có lợi khác.
T. Mai
Theo Futurity