Tại Khoa Hô hấp, hầu hết giường bệnh bệnh nhi nằm ghép do trẻ mắc viêm đường hô hấp tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Khoa khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, tại phòng khám chuyên về hen này, số trẻ đến khám tăng cao hơn ngày thường. Nguyên nhân là do khi thời tiết nồm ẩm khiến nhà cửa ẩm ướt, đồ đạc, chân tường bị mốc do trẻ bị dị nguyên nấm mốc, virus trong môi trường gây nên.
TS Đào Minh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết hen phế quản là quá trình viêm mạn tính ở đường hô hấp với các đợt bệnh nặng gây nên cơn hen cấp tính. Ở nhiều trẻ, các cơn bệnh này hay xảy ra vào ban đêm mỗi khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, mỗi khi có gió mùa đông bắc tràn về các tỉnh phía bắc.
Bệnh hen ở trẻ em có những đặc điểm riêng rất khác với bệnh hen ở người lớn. Đặc biệt, bệnh hen trên trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, dị vật đường thở do cùng có chung đặc điểm như tiếng thở rít, khó thở, bệnh tái phát nhiều lần... Thông thường hen phế quản xuất hiện ở trẻ bị nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp, với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho…
Theo BS Lộc, hen là bệnh mãn tính, đã mắc rồi thì chỉ có thể dùng thuốc kiểm soát chứ không chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì thế, quan trọng nhất là phòng ngừa. Để phòng hen và các bệnh đường hô hấp nặng do thời tiết nồm ẩm, phụ huynh nên chú ý phòng lạnh, cho trẻ, uống nhiều nước hoa quả, sữa tăng cường dinh dưỡng khi trẻ ốm để tăng sức đề kháng. Không nên dùng kháng sinh khi trẻ lên cơn hen thông thường mà chỉ dùng trong trường hợp có ổ nhiễm trùng kèm theo, như hen kèm với viêm tiết niệu, viêm amidan... vì thuốc kháng sinh cũng có thể khiến trẻ dị ứng.
Các chuyên gia hô hấp khuyến cáo những ngày nồm ẩm, buổi sáng trời thường lạnh, trưa nắng ấm và chiều chuyển lạnh nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Nếu để trẻ mặc quá ấm sẽ khiến mồ hôi toát ra nhiều, dễ bị nhiễm lạnh. Do đó cha mẹ cần chú ý đến quần áo mặc cho con khi đi học.
Bác sĩ Lộc cho hay, có số bệnh nhân tăng cao phải kể đến viêm tiểu phế quản. Đây là bệnh do virus gây ra khiến trẻ ho từng cơn dữ dội, rất mệt. Bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi.
Trời nồm là điều kiện thuận lợi để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Do đó với những đồ dùng mà trẻ thường sử dụng, cần làm vệ sinh thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Ban đêm độ ẩm tăng cao, trong phòng ngủ của trẻ nên có máy hút ẩm để thuận lợi cho hô hấp của trẻ. Trước khi mặc quần áo cho trẻ nên là hoặc sấy nhiệt để loại bỏ những dị nguyên gây dị ứng.
Ngoài ra, nồm ẩm còn dễ khiến cơ thể mắc các bệnh sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Lộc cho biết các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh. Do đó, khi thấy trẻ ho, sốt... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh. Nếu trẻ ốm nên cho trẻ nghỉ học, vừa để chăm sóc vừa để tránh lây lan trong nhà trẻ, trường học.
Bệnh viêm tiểu phế quản lây truyền từ người sang người. Vì thế tốt nhất để phòng ngừa là rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chạm vào trẻ nếu cha mẹ bị cảm cúm. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, giữ trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây truyền cho người khác. Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa viêm tiểu phế quản. Để phòng bệnh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị cảm hoặc cúm; Dùng khăn giấy 1 lần và vứt khăn giấy đã dùng đúng chỗ; Không dùng chung đồ đựng thức ăn nước uống.