Tẩy trắng siêu tốc thành... siêu hại
Ở nông thôn miền Tây đang bùng phát hiện tượng “tẩy trắng da siêu tốc”. Nhiều bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ngành y tế đã cảnh báo thế nhưng tình trạng mua bán sử dụng những “mỹ phẩm” kiểu này vẫn đang lan rộng.
Bệnh nhân bị nổi mụn ở da mặt do sử dụng kem trộn tẩy trắng da siêu tốc. Ảnh: Q.Vinh. |
Các bác sĩ ở phòng khám Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cho biết tình trạng chị em vùng nông thôn bị dị ứng da do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc vẫn gia tăng. Mỗi ngày trong số 20 trường hợp đến khám mụn trứng cá ở phòng khám Bệnh viện Da liễu Cần Thơ thì có đến 3-4 trường hợp như thế.
Biết ra thì đã muộn
Thạc sĩ Huỳnh Văn Bá (bộ môn da liễu Trường ĐH Y dược Cần Thơ) cho biết khi người sử dụng kem có corticoid sẽ làm trỗi dậy một lượng lớn các vi nấm thường trú trên da (nhất là da mặt có bã nhờn) và chúng trở thành tác nhân gây bệnh. Lúc này da mặt bệnh nhân sẽ bị đỏ, ngứa thường xuyên. |
Bác sĩ Huỳnh Văn Bá, ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết nhiều bệnh nhân kể lại phải vào viện là do nghe theo bạn bè hay người làm dịch vụ sử dụng kem trộn thuốc tẩy. Khi sử dụng chị em lại mù mờ về các loại thuốc được xem là “thần dược” này.
Chị Hồng Nhung bị dị ứng da, toàn thân mụn nổi đầy người, tự trách: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ dùng thử để tẩy trắng, người ta xài được thì mình cũng chẳng sao. Dè đâu... tiền mất tật mang!”.
Chị Hoàng làm nội trợ (ở Ngã Bảy, Hậu Giang) phải đến bệnh viện để cầu cứu bác sĩ vì gần đến ngày cưới, chị nghe lời bạn bè vội vàng mua kem trộn về lột tẩy cho trắng da để mặc áo cưới, nhưng vừa bôi lên một ngày thì thấy da bị đỏ ửng, ngứa rát, phồng nước, tróc vảy...
Một nữ bệnh nhân ở Châu Thành (Hậu Giang), 35 tuổi, sống bằng nghề thương hồ, đang trị bệnh ngoài da do sử dụng kem tẩy trắng toàn thân, cho biết hiện nay từ chợ nổi Cái Răng về Cà Mau, có nhiều người bán kem mỹ phẩm dạo.
“Họ chèo ghe đi làm móng, và dụ bán mỹ phẩm, kem tẩy trắng da, rồi hướng dẫn làm đẹp tại chỗ luôn. Họ nói nên xài đúng cữ, không được ngưng sử dụng đột ngột rất dễ bị nám da. Bây giờ thì đã quá sợ kem trộn rồi!”.
Kem trộn, thuốc gói đang theo chân người bán len lỏi vào các khu công nghiệp và vùng tập trung phụ nữ sản xuất nông nghiệp.
Chiều 28-4-2011, tại Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ, bệnh nhân X., 25 tuổi, mặt nổi đầy mụn đỏ, buồn bã kể lại: “Do làm việc trong môi trường lạnh, có hóa chất hôi khó chịu, sợ bị khô da nên nhiều chị em rủ nhau sử dụng kem trộn loại dưỡng da. Tôi xài vài lần thì lãnh đủ hậu quả. Kem trộn được chào bán ngay khu vực có hàng ngàn công nhân sinh sống. Biết được tác hại thì đã muộn!”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều loại kem được người bán quảng cáo là “hàng VN chất lượng cao”. Địa chỉ sản xuất các loại này rất đa dạng ở quận Bình Thủy (Cần Thơ), tỉnh Vĩnh Long, TP Long Xuyên (An Giang). Các loại kem này đều ghi “tẩy trắng” hoặc “siêu trắng” sau 3-7 ngày sử dụng. Cách đây không lâu Công an TP Cần Thơ đã cất mẻ lưới làm mỹ phẩm giả tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Phải trị tận gốc
Theo bác sĩ Từ Tuyết Tâm (Bệnh viện Da liễu Cần Thơ), thành phần của kem trộn thường gồm: Cortibion, Becozym, Aspirin pH8, vitamin E... được trộn với nhiều loại kem không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan không nhãn mác trên thị trường. Nguy hiểm là đa số loại kem này đều có chứa corticoid là chất chủ yếu gây các tác hại trên.
Thời gian đầu sử dụng corticoid có tác dụng làm da trắng rất nhanh, mụn lặn hết, nhưng khi dùng lâu dài sẽ gây nên tác dụng phụ như: giãn mạch, teo da, phát ban trứng cá, trứng cá mụn mủ, rối loạn sắc tố da làm da trắng không tự nhiên, sạm da...
Tình trạng biến chứng do lạm dụng corticoid trong các loại kem tẩy trắng đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng theo thạc sĩ Huỳnh Văn Bá, những cảnh báo này chỉ là phần ngọn. Điều quan trọng là phải giải quyết phần gốc như khảo sát thực trạng ở các tiệm thẩm mỹ, uốn tóc, tiệm mua bán mỹ phẩm xem họ mua bán, sử dụng cho khách hàng ra sao. Từ đó cần có kế hoạch tập huấn, cung cấp kiến thức về các bệnh lý ở da, sử dụng mỹ phẩm an toàn...
Lâu dài cần tiến tới quy định chủ tiệm mua bán sản phẩm chăm sóc da, thợ uốn tóc phải có bằng cấp hay chứng chỉ cơ bản về chăm sóc da mới được hành nghề. Hi vọng lúc đó tình trạng mới được cải thiện.
Theo Thái Lũy-Quang Vinh
Tuổi Trẻ