Thuốc cai rượu cũng gây ngộ độc
Nhiều người đã vô tình gây họa khi lén bỏ thuốc vào đồ ăn, thức uống để ép người nhà bỏ rượu. BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết gần đây bệnh viện đã cấp cứu không ít trường hợp do thuốc Esperal gây ra.
Ảnh minh họa - Internet. |
Suýt chết
Cách đây hơn một tuần, ông TNM (46 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng hơi thở hổn hển, tim đập không đều, mồ hôi như tắm… Người nhà cho biết ông M. nghiện rượu khá lâu, mỗi ngày phải lai rai gần 1 lít. Chẳng biết nghe ai mách, vợ ông M. tìm mua thuốc Esperal rồi nghiền nhỏ, pha vào đồ ăn sáng cho ông M. dùng. Buổi trưa, như thường lệ, ông M. đem rượu ra uống. Uống vài ly ông M. bắt đầu nôn hết thức ăn, mặt đỏ rần, mệt mỏi. Tưởng bị bệnh nên ông M. ngưng uống, nằm nghỉ.
Thấy thuốc có… hiệu nghiệm, sáng hôm sau, vợ ông M. tiếp tục trộn thuốc vào tô phở ăn sáng của ông M. Đến trưa, uống đến ly rượu thứ ba thì ông M. vật vã, mệt, nhức đầu, thở dốc… nên được đưa đến bệnh viện.
Trước đó không lâu, BV Nhân dân 115 cũng tiếp nhận ông NMH (52 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) trong tình trạng mất tự chủ, tay chân quờ quạng, tim đập nhanh… Qua tìm hiểu, bệnh viện ghi nhận con ông H. đã vài lần nghiền và trộn thuốc Esperal vào cà phê và bữa ăn sáng của ông H. Ông H. ra viện sau khi điều trị ba ngày kèm chứng bệnh đau dạ dày mới phát.
Hàng hút, giá tăng
Mỗi viên Esperal màu trắng loại 500 mg do Pháp sản xuất có giá khoảng 4.000-5.000 đồng. Gần đây, nhiều người trên địa bàn TP.HCM kháo nhau thuốc Esperal có khả năng cai rượu khiến loại thuốc này trở nên khan hiếm.
Ngày 26-4, phóng viên đến nhà thuốc Minh Đào (phường An Khánh, quận 2) hỏi mua thuốc Esperal, người bán cho biết đã hết hàng cách đây hai ngày và hẹn hôm sau đến mua. Về cách dùng, người bán bảo nên nghiền nhỏ thuốc Esperal rồi pha chung với cà phê cho người nghiện rượu uống. “Do thuốc không màu, không mùi nên không thể phát hiện. Nhớ mỗi ngày cho uống một viên thôi!” - người bán dặn dò.
Phóng viên ghé vào nhà thuốc Giáng Sinh 1 (phường Tân Hưng Thuận, quận 12) và được người bán cho biết thuốc Esperal chỉ còn vài viên, giá mỗi viên là… 9.000 đồng. Giải thích về giá bán quá cao, người bán cho biết thuốc Esperal đang là mặt hàng “hiếm”.
Người bán hướng dẫn: “Đưa thuốc Esperal bảo uống thì người nghiện rượu chắc chắn không uống. Nên nghiền nhỏ và trộn vào cơm hoặc thức ăn cho người nghiện rượu dùng. Sau khi thuốc đã vào cơ thể, nếu uống rượu thì người nghiện sẽ đổ mồ hôi, ói mửa, mất tự chủ, tim đập nhanh… Bị “dập” vài lần, người nghiện sẽ sợ và không dám uống rượu”.
Để hiểu rõ thực hư tác dụng của thuốc Esperal, phóng viên cũng thử uống một viên. Nửa tiếng sau, phóng viên uống vài ly rượu đế và phản ứng xảy ra lập tức: mồ hôi ra như tắm, mệt mỏi, tim đập loạn xạ…
Cần có chỉ định của bác sĩ
Ở nước ngoài, người nghiện rượu được chữa trị trong bệnh viện và được bác sĩ giám sát chặt việc sử dụng thuốc Esperal để tránh hậu quả xấu. Gần đây, nước ngoài còn nghiên cứu sử dụng một số thuốc chữa nghiện rượu như Naltrexone (được dùng chữa ngộ độc ma túy), Tiapride (thuốc an thần kinh) hoặc Campral. Các thuốc nói trên mặc dù có tác dụng làm giảm sự thèm rượu nhưng đều gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. |
Dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115, cho biết mặc dù thuốc cai rượu Esperal được Bộ Y tế cho phép lưu hành nhưng khi sử dụng phải được chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
PGS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết khi rượu vào cơ thể, gan phải hoạt động cật lực để chuyển hóa nhằm loại trừ độc tố. Tuy nhiên, thuốc Esperal lại ngăn chặn sự chuyển hóa khiến độc tố trong rượu gây ra chóng mặt, nhức đầu dữ dội, hạ huyết áp, mặt đỏ bừng, ói mửa, đổ mồ hôi, tim đập nhanh…
“Sẽ hết sức nguy hiểm khi người nghiện rượu vô tình uống phải thuốc Esperal do người thân lén bỏ vào thực phẩm, sau đó tiếp tục uống rượu. Do thuốc Esperal và rượu hiện diện cùng lúc nên cơ thể bị ngộ độc nặng, phải cấp cứu, thậm chí có thể tử vong” - ông Đức lưu ý.
Theo PGS Bùi Tùng Hiệp, Trưởng khoa Dược BV Cấp cứu Trưng Vương, người tiểu đường, tim mạch hoặc nhạy cảm với thuốc tuyệt đối không nên sử dụng thuốc Esperal. Người có tiền sử tim mạch nếu đã dùng Esperal mà lại uống nhiều rượu có khả năng bị ngộ độc nặng, có thể tử vong. Do vậy, thuốc Esperal là thuốc không nên dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ. Người nhà cũng không nên ép cai rượu bằng cách lén cho người nghiện rượu dùng Esperal. Để trị dứt chứng nghiện rượu, điều quan trọng là người nghiện phải có quyết tâm từ bỏ rượu.
Theo Pháp luật TPHCM