Nhậu khi trời rét dễ tai biến, tử vong
Cuối năm, nhu cầu ăn nhậu tất niên nhiều trong khi thời tiết đang vào những ngày lạnh giá. Theo các bác sĩ, chuyện nhậu trong thời tiết này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Nhậu trời lạnh dễ gặp nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh: minh họa - Internet |
Đông đúc quán nhậu
Dịp cuối năm, chẳng cứ đàn ông, mà phụ nữ cũng hẹn hò nhau để chia tay năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, nói gọn lại là ăn tất niên. Dạo quanh một vòng, ven hồ Ba Mẫu, hồ Tây, vỉa hè đường mới Kim Liên, Đại Cồ Việt, ven hồ Trúc Bạch, vỉa hè Cát Linh, Ngọc Khánh, Phùng Hưng... không chỗ nào là không có hàng ăn uống, lẩu, nướng và đều đông nghịt khách mặc cho thời tiết lạnh giá.
9h tối ngày 20-1, tại quán hải sản số 339 đường Trần Khát Chân, Hà Nội, một nhóm bạn bước từ trong ra chia tay nhau về, mặt đỏ phừng phừng, trời lạnh nên không ít người so người lại vì rét. Chỉ một thoáng, rồi sau đó ai lên xe người nấy phóng ra đường hòa vào nhịp người hối hả.
Tại một quán nhậu ven hồ Ba Mẫu, một nhóm thực khách cứ thích ra vỉa hè ngồi, uống bia kèm rượu mạnh, mồi nhậu thì thập cẩm, vừa hải sản vừa vịt nướng, lai rai gần 11h đêm vẫn chưa chịu giải tán. Chị Nguyễn Hoàng Linh (ở phố Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) thực khách trong nhóm nói với giọng mũi ngào ngạt: "Gió hồ, sương khuya, lạnh đến rùng mình nhưng mà vui nên chưa ai chịu về".
Có thể tử vong sau khi ra đường
GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người uống rượu mặt đỏ gay, đó là do mạch máu giãn ra. Khi ra lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng vọt gây tai biến. Nhiều trường hợp tử vong sau khi uống rượu mà ra đường là vậy.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, trưởng khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia cho hay, khi uống rượu bia nếu đột ngột ra đường trong thời tiết lạnh sẽ gây cảm, viêm phổi, huyết áp tăng cao gây tai biến. Uống rượu gây cảm giác nóng người lên, trong khi uống bia gây cảm giác lạnh. Tuy nhiên, dù uống rượu hay bia thì hậu quả và sự tác động vào cơ thể cũng như nhau. Người biết giữ sức khoẻ sẽ chỉ uống chừng mực, mặc quần áo đủ giữ ấm cơ thể; Khi cảm thấy người chếnh choáng, nếu đang đi xe máy, có thể bắt taxi về để đảm bảo an toàn.
Theo BS Lê Quang Hồng, Trung tâm tư vấn 1088, nếu nhậu ở nhà sau đó đi nằm luôn thì không sao, vì rượu sẽ ngấm vào từ từ, ngấm nhẹ.
Nhậu ngoài đường, sau khi ăn xong vận động trong trời lạnh khiến các màng mỡ bao phủ niêm mạc ruột có thể vỡ ra, rượu có thể ồ ạt thấm qua niêm mạc vào máu gây ngộ độc. Kể cả với người bình thường, khoẻ mạnh, không có bệnh nan y, việc nhậu khi trời rét rồi đột ngột ra đường hoặc nhậu ngoài trời lạnh cũng đã nguy hiểm. Người tuổi cao (trên 50 tuổi) có bệnh mạn tính thì sự nguy hiểm càng tăng cao.
Cách tốt nhất để hạn chế nguy hiểm là uống có mức độ, hạn chế ăn nhậu ngoài đường, uống xong - khi người vẫn đang ngà ngà, lâng lâng - không nên ra đường ngay.
"Lý thuyết" là vậy, nhưng theo BS Lê Quang Hồng, việc kiểm soát để biết thế nào là "mức độ" rất khó, bởi khi đã vào cuộc nhậu, người ta hay đua nhau uống, uống tàn cuộc rồi đi... bất kể trời lạnh hay có mưa phùn. Và sự nguy hiểm thì luôn rình rập...
"Trong thời tiết này, khi nhiệt độ ngoài trời buổi tối ở miền Bắc thường dưới 100C, trong các nhà hàng chỉ nên để nhiệt độ khoảng 15 - 160C, không nên để ấm 25 - 260C, vì khi có chút men, ra đường đột ngột trong khi nhiệt độ chênh lệch lớn, rất dễ bị cảm. Không ít trường hợp đã bị trụy tim cấp, viêm phổi cấp sau khi ở phòng ấm ra ngoài".
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - (Trưởng khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia)
Bee.net.vn