Ông Vladimir Putin sẽ trở lại điện Kremlin cho một nhiệm kỳ sáu năm (Putin–II). Dòng lệ xúc động trong ngày chiến thắng cho thấy ông Putin vừa trải qua một trường quyết đấu để đưa mức tín nhiệm vốn xuống rất thấp với 40% sự ủng hộ của cử tri qua thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử Đuma Nga, lên gần 64% số phiếu vào ngày bầu cử.
Xã hội dân sự Nga đã có bước trưởng thành. Nước Nga đang đòi hỏi thay đổi. Liệu ông Putin có thể thay đổi kịp với nước Nga, cùng với nước Nga, và quan trọng hơn, là để lãnh đạo nước Nga hiện thực hoá lời kêu gọi “Nước Nga, tiến lên”?
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Putin đã tung ra tất cả các chủ bài, trong đó hứa hẹn đưa thu nhập bình quân của GDP từ 1.000 USD/người lên 3.500 USD/người trong tám năm tới.
Ông vừa tái khẳng định thực hiện toàn bộ chương trình tranh cử tham vọng gồm bốn lĩnh vực: cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia; thực hiện chính sách đối ngoại độc lập.
Ổn định mà không phát triển sẽ là một “quả bom nổ chậm”. Bên cạnh việc cách mạng bộ máy quyền lực cùng các tập đoàn lợi ích, triệt để chống tham nhũng thông qua thực thi nhà nước pháp quyền mạnh và một xã hội dân sự đích thực, chính quyền Putin–II phải điều chỉnh chính sách đối ngoại một cách mạnh mẽ.
Chính sách hướng Đông
Con đại bàng hai đầu nước Nga 12 năm qua chưa sải cánh đúng sức mạnh của nó. Thời điểm chuyển giao quyền lực này là cơ hội để đổi mới các quan hệ đối ngoại.
Nga vẫn luôn coi mình là một thành viên của châu Âu. Phương Tây cung cấp đầu vào về vốn đầu tư, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Nhưng các chính sách cải cách kinh tế những năm qua chưa tạo ổn định niềm tin.
Cần biện pháp để ngăn chặn “chảy máu nguồn vốn đầu tư” khỏi nước Nga (khoảng 11 – 17 tỉ USD) như trong tháng 1.2012, cũng như nạn chảy máu chất xám trí thức Nga.
Trong cuộc tranh cử, ông Putin nhấn mạnh chính sách “hướng Đông”, nơi đang trở thành trung tâm quyền lực kinh tế hàng đầu thế giới, có thể mang lại cứu cánh để phục hồi nền kinh tế Nga.
Từ lâu nước Nga nói nhiều đến “hướng Đông”, nhưng các phác thảo vẫn nằm trên bàn giới hoạch định chính sách. Liệu nhiệm kỳ sáu năm tới của ông Putin có thể tạo ra đột phá cho quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương?
Chính quyền mới sẽ tận dụng hội nghị APEC 2012 tại thành phố Vladivostok như một biểu tượng nổi bật cho sự hội nhập toàn diện vào khu vực rộng lớn này.
Hợp tác kinh tế thương mại được xác định là trọng tâm; Nga muốn tăng thị phần ở châu Á trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, đầu tư, khoa học công nghệ, ngân hàng và du lịch.
Nền kinh tế Nga cần thoát khỏi quán tính lệ thuộc vào năng lượng và nguyên liệu (chiếm 2/3 nguồn thu). Xuất khẩu của Nga cần được đa dạng hoá tối đa bằng các sản phẩm sản xuất tại Nga như vật liệu tái tạo, nông lâm sản, chế biến đồ gỗ nội thất…
Với thế mạnh của mình, Nga có thể phát huy vai trò đặc biệt với tư cách là nước lớn ở Âu – Á, cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, đường biển và đường không cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu. Trong lĩnh vực không gian vũ trụ, có thể cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh.
Chìa khoá Nhật Bản
Nga và Trung Quốc có nhiều mối liên hệ lợi ích chung và Nga đặt trọng tâm vào làm sâu sắc quan hệ với Trung Quốc. Nga hy vọng sẽ thu hút được đầu tư của Trung Quốc và tăng cường hợp tác tại các khu vực cận kề với Trung Quốc như Siberia và Viễn Đông.
Cho tới nay, cả thương mại và đầu tư Trung – Nga vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, trong bài viết trên báo Tin Mạc Tư Khoa đầu tháng 3 vừa rồi, ông Putin cũng thừa nhận giữa Nga và Trung Quốc “vẫn còn một số lý do gây căng thẳng.
Lợi ích kinh tế của Nga và Trung Quốc ở các nước thứ ba nhiều khi không đồng nhất. Chúng tôi cũng phải theo dõi chặt chẽ làn sóng nhập cư từ Trung Quốc (vào miền Viễn Đông)”.
Bàn cờ quyền lực châu Á đang trong cơn biến động phức tạp do sự cọ xát của hai cường lực: Trung Quốc và Mỹ. Mỹ vẫn là một đối tượng chung của ngoại giao Trung Quốc và Nga. Quan hệ Nga – Mỹ có những biến số lớn nhất đối với Nga – Trung.
Nga vẫn muốn giữ không nghiêng về một bên nào. Thuyết về “mối đe doạ từ Trung Quốc” buộc Nga phải cân nhắc triển vọng hợp tác Nga – Trung, nhưng vẫn dùng mối quan hệ này làm đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ.
Ông Putin nhận xét trên báo Tin Mạc Tư Khoa: “Nga luôn có lợi thế khi thực hiện một chính sách ngoại giao độc lập, và Nga sẽ tiếp tục con đường này”. Ông Putin đã tuyên bố nhấn mạnh việc tái khởi động quan hệ với Mỹ.
Tổng thư ký NATO vừa khẳng định sẽ đối thoại và hợp tác với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.
Những phương diện khác, Nga thực hiện một chính sách nhiều mặt: chuyển giao công nghệ sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm cho Ấn Độ, đồng thời bán chiến đấu cơ tiên tiến và hệ thống tên lửa mới nhất S-400 cho Trung Quốc; xem Ấn Độ là đối tác chiến lược hàng đầu của Nga ở châu Á, nhưng thúc đẩy quan hệ với Pakistan.
Đông Nam Á là một thị trường tiềm năng cho việc kinh doanh vũ khí của nước Nga. Điều này hẳn không làm Bắc Kinh hài lòng. Ngoài ra, sự hiện diện của Nga vẫn khá nhỏ lẻ.
Mới đây, khi chiến hạm Nga thăm Philippines, Nga tuyên bố “trung lập” trong cuộc tranh chấp biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc.
Trước thềm bầu cử, ông Putin tuyên bố mong muốn “giải quyết dứt điểm vấn đề Nam Kuril với Nhật Bản”. Có Nhật Bản tham gia, Nga mới có thêm đối tác chủ lực để đa dạng hoá quá trình phát triển kinh tế ở Viễn Đông và Siberia.
Với nhiệm kỳ sáu năm, ông Putin sẽ ở thế mạnh để giải quyết vấn đề Kuril. Làm được điều này có thể tạo ra một điểm đột phá cho quan hệ của Nga với Đông Á. Bằng không chính sách “hướng Đông” căn bản vẫn là chính sách Trung Quốc.
Theo sgtt.vn