> ‘Ngày tĩnh lặng’ ở Nga trước bầu cử
Diễu hành ủng hộ Putin. |
Kỷ lục số lượng quan sát viên chính thức
Một trong những biện pháp đó là một số lượng quan sát viên kỷ lục được huy động để theo dõi cuộc bầu cử nói chung và các điểm bỏ phiếu nói riêng. Con số quan sát viên lên tới khoảng 200.000 người.
Nếu tính riêng từng ứng viên, ứng viên Putin (đảng Nước Nga thống nhất) huy động một số lượng quan sát viên đông nhất - hơn 65.000 người. Tiếp đó là ứng viên Zhirinovski (đảng Tự do Dân chủ Nga) - gần 30.000 người, ứng viên Ziuganov (Đảng Cộng sản Nga) và ứng viên Prokhorov (tự ứng cử) - mỗi ứng viên 20.000 người, ứng viên Mironov (đảng Nước Nga công bằng) - gần 20.000 người.
Ngoài ra, phe đối lập cũng huy động một số lượng lớn quan sát viên. Chẳng hạn, đảng “Yabloko” dự định huy động 20.000 người, phong trào “Vì cuộc bầu cử trung thực” huy động vài nghìn người …
300.000 quan sát viên qua mạng
Ngoài những quan sát viên chính thức nói trên, bất kỳ ai mong muốn đều có thể theo dõi cuộc bầu cử ngay trên máy tính tại nhà. Để làm việc này, chỉ cần đăng ký trên site “Vybory - 2012” (“Bầu cử 2012”).
Theo số liệu của báo chí Nga, đã có khoảng 300.000 người đăng ký theo dõi cuộc bầu cử qua mạng Internet. Địa điểm được số “quan sát viên tình nguyện” này quan tâm hơn hết là Matxcơva. Hơn 40% đăng ký theo dõi các địa điểm bỏ phiếu trên lãnh thổ thủ đô.
Một số lượng “quan sát viên tình nguyện” đông không kém đăng ký theo dõi các điểm bỏ phiếu tại các địa phương xa xôi, chẳng hạn khu vực Bắc Kavkaz.
Cuộc bầu cử qua kính lúp
Cuộc bầu cử tại Nga sẽ bị soi kỹ như soi kính lúp. Để bảo đảm tính trung thực của cuộc bầu cử và cũng là để thuận tiện cho việc theo dõi, một biện pháp chưa từng có nữa cũng được áp dụng. Đó là sử dụng các hòm phiếu trong suốt và quay caméra ghi hình quá trình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu tại tất cả các điểm bỏ phiếu.
Dĩ nhiên, bản thân biện pháp kỹ thuật này tuy rất tốn kém (tổng chi phí là 13 tỷ rúp) nhưng vẫn không thể bảo đảm tính trung thực hoàn toàn của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật của các ban bầu cử. Chính phủ Nga hy vọng những biện pháp nói trên kết hợp lại sẽ bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra trung thực tới mức tối đa.
Tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy ứng viên Putin sẽ chiến thắng ngay trong vòng một. Bản thân ông Putin thận trọng hơn. Đã có lần ông đề cập đến khả năng diễn ra vòng hai bởi vì theo lời ông, trong chính trị không được phép loại trừ bất kỳ khả năng nào. Nhưng dù có diễn ra vòng hai, ông Putin vẫn sẽ là người chiến thắng.
Các ứng viên Tổng thống Nga (từ trái sang: Ziuganov, Zhirinovski, Putin, Prokhorov, Mironov). |
Sẽ có mít tinh ban đêm ngay sau bầu cử
Một điều chắc chắn nữa là cuộc bầu cử hôm nay sẽ không chấm dứt làn sóng mít tinh và tuần hành tại Nga. Những lực lượng ủng hộ ông Putin mà trước hết là “Mặt trận nhân dân toàn Nga” và các tổ chức thanh niên như “Nashi” (“Người của chúng ta”), “Molodaya gvardia” (“Cận vệ trẻ”)… dự định ngay sau khi kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được công bố sẽ tổ chức ngay trong đêm 4 - 3 và trong 2 ngày 5 và 6-3 những cuộc mít tinh lớn tại các đường phố trung tâm Matxcơva mà theo dự đoán là để chúc mừng thắng lợi của ông Putin.
Để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử, Bộ Nội vụ Nga đã huy động 380.000 cảnh sát và 60. 000 dân quân cùng một số hãng bảo vệ tư nhân. Hàng loạt biện pháp đã được áp dụng để bảo đảm tính trung thực của cuộc bầu cử. |
Phe đối lập cũng không chịu ngồi yên. Họ dự định tổ chức những cuộc mít tinh lớn vào những ngày 5, 6- 3 cũng tại trung tâm Moskva mà theo dự đoán là để phản đối kết quả cuộc bầu cử. Một số thủ lĩnh phe đối lập thậm chí còn đe doạ nếu có gian lận trong bầu cử thì sẽ tổ chức mít tinh phản đối hằng ngày.
Theo thống kê của báo chí Nga, chỉ riêng trong 2 ngày 4 và 5- 3 sẽ có hơn 20 cuộc mít tinh của các lực lượng chính trị đủ màu sắc trên các đường phố và quảng trường ở trung tâm Matxcơva.
Ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống, trung tâm Matxcơva sẽ lại trở thành “chiến trường” tranh chấp nơi tổ chức mít tinh giữa phe ủng hộ ông Putin và phe đối lập. Vào ngày Toà Thị chính Matxcơva tổ chức đăng ký mít tinh, những lực lượng ủng hộ ông Putin như tổ chức thanh niên “Nashi” (“Người của chúng ta”) và “Molodaya gvardia” (“Cận vệ trẻ”) có lẽ vì trẻ nên họ nhanh chân hơn. Họ đến “xí chỗ” trước cổng Toà Thị chính ngay từ 8 giờ tối hôm trước và nhờ thế, vào đăng ký đầu tiên và giành được quyền tổ chức mít tinh tại những địa điểm ngay cạnh Điện Kremli như Quảng trường Manezhnaya và Quảng trường Lubyanskaya.
Họ dự định huy động người của họ đến nhưng nơi này ngay từ 15 giờ 30 ngày 4- 3. Đó là lúc cuộc bầu cử đang diễn ra sôi nổi nhưng họ cam kết không vi phạm luật bầu cử, tức là không cổ động cho một ứng viên nào đó mà chỉ “thu hút sự chú ý đối với tình hình chính trị trong nước”.
Họ không giấu giếm mục đích chính của họ không những là để thể hiện niềm hân hoan trước chiến thắng mà họ xiết bao chờ đợi của ông Putin mà còn để ngăn cản phe đối lập “chiếm lĩnh” những nơi đó.
Họ cho biết trong những ngày gần đây, cứ 2 tin trên các blog của phe đối lập thì có một tin gần như là lời kêu gọi tiến hành đảo chính. Nhưng họ quyết không cho phép chuyện đó xẩy ra.
Phe đối lập chậm chân hơn, khi họ đến xếp hàng thì đã thấy đại diện các tổ chức thanh niên có mặt rồi. Giữa hai bên thậm chí xẩy ra xô xát và phe đối lập cáo buộc phe ủng hộ ông Putin có “tay trong” ở Toà Thị chính nên được ưu tiên. Nhưng cuối cùng, họ đành chấp nhận tổ chức mít tinh tại Quảng trường Pushkin xa trung tâm hơn một chút.
Theo thông báo của Toà Thị chính Matxcơva, có tới hơn 20 đơn xin tổ chức mít tinh vào các ngày 4 và 5- 3. Và vì các cuộc mít tinh ngày 4- 3 chỉ được phép bắt đắu từ 19 giờ nên vào ngày hôm đó sẽ diễn ra một hoạt động độc đáo có quy mô chưa từng có ở nước Nga từ những năm 90 thế kỷ trước – đó là những cuộc “mít tinh ban đêm”.
Hòm phiếu trong suốt trong cuộc bầu cử tổng thống Nga. |
Tung đồng xu để quyết định bầu ai
Trong những cuộc mít tinh rầm rộ chống ông Putin với hàng chục nghìn người tham gia ở Matxcơva, phần đông là những người thuộc tầng lớp trung lưu mới xuất hiện trong 10 năm gần đây, thực tế là dưới thời lãnh đạo của ông Putin. Họ có trình độ học vấn cao, có cuộc sống khá giả (chẳng hạn chuyên đi xe Mercedes), là chủ một công ty tư nhân hoặc đứng đầu một bộ phận trong các công ty tư nhân lớn.
Theo cách nói hình ảnh của báo chí Nga, cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần này được soi qua kính lúp. |
Và quan điểm của họ thay đổi. Chịu ảnh hưởng của phương Tây, họ đòi nhiều tự do dân chủ hơn, đòi ông Putin phải ra đi (vì theo họ, ông đã nắm quyền quá lâu) và thậm chí đòi hoãn cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng lực lượng của họ mỏng và “năm bè bẩy mối”, họ không có cương lĩnh hành động chung, không có thủ lĩnh thống nhất và vì vậy, không có đại diện ra ứng cử Tổng thống.
Họ không những chĩa mũi nhọn đả kích vào ông Putin mà còn có ác cảm với tất cả các ứng viên khác mà họ cho là bị Điện Kremlin giật giây. Và giờ đây, họ bối rối không biết phải bỏ phiếu cho ai.
Họ không bỏ phiếu cho ứng viên Putin là đương nhiên. Nhưng họ cũng không biết chọn ai trong số 4 ứng viên còn lại. Một số cho biết, sẽ bầu cho Ziuganov, ứng viên duy nhất có thể đối chọi với Putin. Nhưng một số khác lại e ngại bởi vì Ziuganov là đại diện của Đảng Cộng sản.
Một số tuyên bố bầu cho ứng viên nào cũng được, ngoại trừ Putin. Thậm chí có người bối rối tới mức cho biết sẽ tung đồng xu để quyết định bỏ phiếu cho ai. Một người nói: “Tôi sẽ tung đồng xu. Nếu rơi xuống mặt phải thì tôi bỏ phiếu cho Ziuganov, nếu rơi xuống mặt trái thì tôi bỏ phiếu cho Mironov, nếu đồng xu quay mãi trên không thì tôi sẽ bỏ phiếu cho Zhirinovski, còn nếu rơi xuống cạnh thì tôi sẽ bỏ phiếu cho Prokhorov”.
Không ít người cho biết sẽ không đi bầu hoặc có đi bầu nhưng làm hỏng lá phiếu. Nếu vậy, người có lợi sẽ là ứng viên Putin hoặc ứng viên Ziuganov.
Vũ Việt
Tổng hợp từ Kp.ru, Lenta.ru, Vesti.ru, Newsru.com