> “Công nghệ” tranh cử Tổng thống Mỹ: Chậm là...chết (kì 1)
Có một điều không thể phủ nhận: Một trong những “phương tiện” đưa các nhà chính khách tên tuổi đến với vị trí cao nhất trên chính trường là tài năng diễn thuyết trước công chúng của họ.
Lịch sử cổ đại đã từng ghi nhận về các siêu diễn giả của cái thời chưa có thiết bị điện tử, tăng âm, phóng thanh, truyền thanh, mà chỉ bằng khẩu hình, âm vực và âm lượng, đã nổi danh về tài diễn thuyết.
Lịch sử hiện đại đã nhắc đến những Adolf Hitler, Marin Luther King, Abraham Lincoln hay gần đây là Bill Clinton, Jimmy Carter, 2 cha con George Bush, Hugo Chavez, và đặc biệt là Fidel Castro nay đã sang tuổi 86 vẫn có thể diễn thuyết 9 giờ đồng hồ; không thể không cúi đầu trước họ về khả năng thuyết phục người nghe bằng ngôn từ.
Abraham Lincoln, người đã đi vào lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với tài năng diễn thuyết tuyệt vời, được vinh danh là “người giải phóng vĩ đại” của nước Mỹ là một minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng này ở một nhà chính trị.
Là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Lincoln đã thành công trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, đạo đức cũng như duy trì chính quyền liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, hiện đại hóa nền kinh tế – tài chính của đất nước.
Điều quan trọng là, Lincoln bày tỏ lập trường chống đối chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ qua những bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của ông: “Tôi không phải là nô lệ, nên tôi không thể là chủ nô. Đó là quan điểm của tôi về dân chủ.
Bất cứ cái gì khác với điều này, đều không phải là dân chủ”… Chính nhờ những ngôn từ mang âm hưởng của tự do ấy mà Lincoln đã mang đến giá trị nhân văn đẹp đẽ, cao cả nhất – giá trị bình đẳng, cho những công dân của nước Mỹ: …“Một nhà tự chia rẽ thì nhà ấy không thể đứng vững được. Tôi tin rằng chính quyền này không thể trường tồn trong tình trạng một nửa nước nô lệ, một nửa nước tự do. Tôi không mong chờ chính quyền liên bang bị giải thể – tôi không mong đợi ngôi nhà bị sụp đổ – nhưng tôi thực sự trông mong đất nước này sẽ không còn bị chia cắt. Đất nước chúng ta sẽ trở thành một thực thể như thế này hoặc là hoàn toàn khác…” (Trích diễn văn “Một nhà tự chia rẽ” của Abraham Lincoln).
Ngoài ra, những bài diễn văn như “Cooper Union” hay Gettysburg đã gieo vào lòng người Mỹ những ấn tượng sâu sắc về vị Tổng thống đáng kính của họ, người đại diện cho những chính khách Hoa Kỳ quên mình vì đất nước giống như George Washington.
Diễn văn Gettysburg là một trong những bài diễn thuyết nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây cũng là bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất từ trước đến nay.
Adolf Hitler. |
Adolf Hitler, trùm phát xít khét tiếng, dù muốn hay không người ta vẫn phải cúi đầu trước sức mạnh tựa bão táp trong lời nói của ông.
Bởi những lời nói ấy không chỉ khuất phục quân đội Đức quốc xã, người dân Đức vào thời khắc ông ta sống, nó còn đưa tên tuổi của Hitler lên một tầm cao mới trong nghệ thuật diễn thuyết chính trị, trên các phương tiện truyền thông trong nước và nước ngoài.
Báo giới quốc tế đã từng có những bài viết kể lại rằng, người Đức say sưa nghe Hitler hùng biện, từ khi mặt trời mọc cho tới lúc mặt trời lặn, âu cũng là điều dễ hiểu khi chính con người đó tin vào sức mạnh của ngôn từ, tin vào “uy lực thần kỳ của lời nói” – như chính ông từng viết: “Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói, và chỉ do lời nói mà thôi…. Chỉ có thể khích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người…”
Fidel Castro. |
Fidel Alejandro Castro Ruz, nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân dân Cuba, người được xem là vị anh hùng đấu tranh vì nền độc lập của đất nước. Ở Cuba, có thể nghe thấy dân chúng gọi ông là “Fidel vô cùng yêu mến” cũng như tôn vinh “tinh thần chiến đấu không mệt mỏi vì lý tưởng” của ông.
Nếu như người Đức có Adolf Hitler, người Mỹ tự hào có Abraham Lincoln và những chính khách hàng đầu khác có khả năng diễn thuyết thu hút công chúng, thì Cuba hãnh diện với diễn giả 86 tuổi của họ: Fidel Castro.
Năm 1986, Fidel ghi danh vào kỷ lục thế giới khi diễn thuyết tới 7 giờ 10 phút tại Quảng trường La Habana. Cựu Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva đã nghiêng mình trước sự kiện này, và tôn vinh Fidel là “huyền thoại đang sống trong lịch sử nhân loại”.
Trước đó, tháng 9-1960, Chủ tịch Fidel Castro đã lập kỷ lục Guinness khi diễn thuyết 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Khi bị chính quyền của Tổng thống Fulgencio Batista bắt và phải ra tòa năm 1953, Chủ tịch Fidel Castro đã có bài tự bào chữa nổi tiếng với mang tên: “Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi”…
Mới đây nhất, hãng thông tấn Prensalatina (Cuba) đưa tin: Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã có một cuộc gặp mặt kéo dài 9 giờ đồng hồ với nhiều nhà trí thức nước ngoài tại Havana.
Một lần nữa, nhà cách mạng lão thành đáng kính của nhân dân Cuba đã tự phá vỡ kỷ lục của mình trước đó về độ dài của các bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của ông.
Cuộc thảo luận của Fidel với các nhà văn, các nhà trí thức đến từ 22 quốc gia này kéo dài từ 13h20 phút chiều cho tới 22h20 phút tối. Chủ đề xuyên suốt của cuộc hội đàm này là vai trò của các nhà tri thức trong quá trình đấu tranh chống lại các hiểm họa của nhân loại.
Với tài hùng biện tuyệt vời, những sóng gió và hiểm nguy mà Fidel đã đương đầu cũng như tất cả những gì mà ông đã cống hiến cho Tổ quốc yêu dấu của mình, con người ấy xứng đáng là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất nhất của nửa sau thế kỷ XX, là biểu tượng đầy tự hào và niềm kiêu hãnh của nhân dân Cuba và là người “Chiến binh của thời đại” đúng như tên tập hồi ký mới ra mắt hôm 4-2 của ông.
Hương Mai
theo Petrotimes.vn