Dân phản đối chính sách khắc khổ, Athens tan hoang

Nhiều tòa nhà ở Athens
Nhiều tòa nhà ở Athens
TP - Ít nhất 45 tòa nhà ở trung tâm thủ đô Athens của Hy Lạp bị những người dân tức giận đốt cháy và đập phá chỉ sau một đêm, trước khi Quốc hội thông qua hôm 13-2 một nghị quyết thắt lưng buộc bụng dưới sức ép của các chủ nợ nước ngoài.

> Điều kiện cứu trợ Hy Lạp khó hơn

Thủ tướng Hy Lạp Luca Papademos gọi đây là kết quả của một cuộc bạo lực tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Ngổn ngang trên các đường phố ở trung tâm thủ đô là những mảnh kính, chai lọ vỡ và cả vỏ đạn hơi cay mà cảnh sát sử dụng để trấn áp người biểu tình phản đối việc Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ tài chính từ các định chế tài chính đa phương.

Kênh truyền hình Bầu Trời Hy Lạp đưa tin hàng trăm người biểu tình và sĩ quan cảnh sát bị thương trong cuộc bạo lực giữa một bên là khoảng 80.000 người dân và một bên là cảnh sát đông bằng khoảng 1/5 lực lượng biểu tình.

Ít nhất có hai lần cảnh sát bắn hết cơ số đạn cay mà lực lượng này mang theo, nên phải tạm ngừng trấn áp người biểu tình để chờ tiếp viện.

Cùng lúc đó, biểu tình phản đối việc Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết khắc khổ nổ ra tại nhiều thành phố lớn khắp Hy Lạp. Tại Thessalonik, thành phố lớn thứ hai nước này, số người tham gia biểu tình ước khoảng 20.000. Các phần tử quá khích đã đập phá nhiều nhà hàng, cửa hiệu…

Bất chấp sự phản đối của dân chúng, Quốc hội Hy Lạp vẫn thông qua dự thảo nghị quyết thắt lưng buộc bụng theo đòi hỏi của các định chế tài chính châu Âu và Quĩ Tiền tệ Quốc tế để được nhận một gói cứu trợ trị giá 4,3 tỷ USD.

Theo đó, các điều kiện khắc khổ bao gồm cắt giảm lương tối thiểu từ 1.000 USD trước đây xuống còn 795 USD đối với người có công việc ổn định. Ngoài ra, giới chủ còn được phép trả lương thấp hơn 10% cho người mới được tuyển dụng. Lương hưu, phúc lợi xã hội đều giảm đáng kể nhằm bớt gánh nặng chi tiêu công cho chính phủ.

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho rằng việc phải bỏ phiếu thông qua nghị quyết là điều cay đắng. Tuy nhiên, trong tình thế buộc phải lựa chọn giữa một giải pháp xấu và một giải pháp khác xấu hơn thì nên chọn giải pháp xấu.

Bằng việc thông qua nghị quyết, các nhà lãnh đạo Hy Lạp nói với những thành viên còn lại của khối đồng tiền chung euro do Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu rằng Athens xứng đáng được cứu trợ nếu không tình hình tồi tệ sẽ lan sang phần còn lại của Liên minh châu Âu.

EU hôm 13-2 bày tỏ hoan nghênh việc Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua nghị quyết về áp dụng các biện pháp khắc khổ.

Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp được các chuyên gia kinh tế theo dõi sát sao. Ireland, Bồ Đào Nha, Ý cũng trong tình trạng khủng hoảng nợ công như Hy Lạp.

Hy Lạp và Ý giống nhau ở chỗ hiện đều được điều hành bởi một chính phủ tạm quyền. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đều bị buộc phải từ chức cuối năm ngoái vì điều hành đất nước yếu kém.

Đ.P Theo The Daily Beast

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG