Tác dụng phụ

Một bức tranh tường về vụ 11-9 ở thành phố New York. Ảnh: Reuters
Một bức tranh tường về vụ 11-9 ở thành phố New York. Ảnh: Reuters
TP - Sau vụ khủng bố 10 năm trước (11-9-2011), đơn thuốc chính trị được thay đổi nhằm ngăn những dịch bệnh chết người tương tự trên đất Mỹ. Tuy nhiên, đi kèm đơn thuốc kháng sinh thế hệ mới là 3 tác dụng phụ đáng kể.

> Nước Mỹ 10 năm sau khủng bố 11-9

Một bức tranh tường về vụ 11-9 ở thành phố New York. Ảnh: Reuters
Một bức tranh tường về vụ 11-9 ở thành phố New York. Ảnh: Reuters.
 

Chấp nhận ngụy biện

Có lẽ thay đổi chính trị có tính hủy hoại lớn nhất sau sự kiện 11-9 là chính quyền Tổng thống George W. Bush chấp thuận quan điểm “mục đích biện minh cho phương tiện” mà cụ thể là những chứng cứ lấp liếm, những thông tin đầy chất dối trá, ngụy biện.

Điều đó dẫn tới cuộc chiến tại Iraq, mà ngay chính nhiều người Mỹ gọi là cuộc xâm lăng. Người ta sử dụng những thông tin nửa vời, chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt của Cục Tình báo Trung ương Mỹ để ủng hộ quyết định đổ quân vào thành Baghdad mà Nhà Trắng đã quyết từ trước.

Không làm rõ được nghi vấn dẫn tới những vụ tra tấn, ngược đãi nghi can. Cơ quan chức năng Mỹ dành nhiều thời gian cố gắng thiết lập mối liên quan giữa mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Iraq. Tuy nhiên, việc liên tục áp dụng các biện pháp tra tấn gây tranh cãi, đặc biệt là trấn nước, cũng không đem lại thông tin mà chính quyền Bush cần như ruộng hạn cần mưa để thanh minh cho cuộc chiến ở Iraq sau vụ 11-9.

Công luận lớn tiếng chỉ trích việc Mỹ đổ quân vào Iraq. Thế nhưng, những gì xảy ra hôm 11-9-2001 dẫn tới sự phân cực của các phe phái và cử tri. Trong khi nhiều đảng viên đảng Cộng hòa từ chối đổ lỗi cuộc chiến ở Iraq cho chính quyền Bush, các đảng viên đảng Dân chủ rất thận trọng trong việc không đổ lỗi sự tham gia quân sự của Mỹ ở Libya cho chính quyền Obama.

Quy chụp Hồi giáo

Vì 19 tên không tặc liều chết được coi là những kẻ cuồng tín theo đạo Hồi nên tôn giáo này bị đưa lên giàn thiêu chính trị. Không ít quan chức cấp cao của Mỹ có những tuyên bố nhuốm màu khói súng khi nói về đạo Hồi hay tín đồ Hồi giáo.

Ứng cử viên tổng thống Herman Cain từng coi việc xây nhà thờ Hồi giáo là “sự xâm phạm và lạm dụng quyền tự do tôn giáo”. Sau này, ông Cain rút lại tuyên bố này, nhưng “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”; tiếng nói đã phát như tên bắn xuyên tai, rút ra không chết cũng thành tật.

Sau sự kiện 11-9, tội ác liên quan hận thù, kỳ thị tín đồ Hồi giáo tăng mạnh. Một số năm sau đó, con số vụ án thuộc loại này cao và ổn định ở mức đáng ngạc nhiên. Không khí chính trị Mỹ ít nhiều phải chịu trách nhiệm cho sự thay đổi không mong muốn này.

Đánh mất lòng tin

Sau vụ 11-9, Washington không bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên của hành động khủng bố và sâu xa hơn là bản chất của chủ nghĩa khủng bố. Thay vào đó, giới chóp bu nhảy dựng lên, đóng đinh chủ nghĩa khủng bố trong các cuộc tranh luận chính trị, tăng gấp đôi ngân sách cho Lầu Năm Góc, lập vô số cơ quan và hàng rào an ninh, tiêu tốn nhiều tiền đóng thuế của dân, gây phiền nhiễu cho người dân cũng như du khách nước ngoài…

Dần dần, tinh thần lạc quan cố hữu cũng như lòng tin vào chính quyền của người Mỹ suy giảm trầm trọng. Người dân thường xuyên nhìn thấy rào chắn, biển cấm… nơi công cộng; họ thường xuyên phải qua máy kiểm tra kim loại, camera giám sát… Trong khi đó, họ liên tục được thông tin về những bê bối nghe lén điện thoại, tra tấn tù nhân ở Guantanamo, che giấu thông tin chiến trường Iraq, Afghanistan…

Ở nước ngoài, nhất là những nơi bất ổn có sự hiện diện của quân đội Mỹ như Iraq, Afghanistan, nhiều quan chức và dân thường cho rằng, Washington “miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm”, ra rả rao giảng về tự do, dân chủ, nhưng bàn tay luôn vấy máu. Người đứng đầu Nhà Trắng trở thành nhà độc tài dân cử, có thể quyết các tình huống chiến tranh ở nước ngoài, gây bao đau thương, mất mát cho cả hai phía. Mà oan oan tương báo, bao giờ mới dứt? Oán ai, ai oán, bây giờ oán ai?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG