11-9 và những điều kỳ lạ của văn hóa Mỹ

Thảm họa 11-9-2001 trong ống kính của nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Nacthtway
Thảm họa 11-9-2001 trong ống kính của nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Nacthtway
TP - Từ bản tin trên Thời báo New York đưa về cuộc tấn công vào tòa tháp đôi ngày 11-9, người ta khó hình dung nổi nước Mỹ đã bước vào một thời đại “văn hóa 11-9” như bây giờ.

> Mỹ xác nhận thực sự có đe dọa khủng bố dịp 11-9

Thảm họa 11-9-2001 trong ống kính của nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Nacthtway
Thảm họa 11-9-2001 trong ống kính của nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Nacthtway.
 

Bản tin ấy mô tả một sự thật trần trụi khủng khiếp, đó là các nhân chứng nhìn thấy hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi, và trước khi chúng đổ sập, nhiều nạn nhân nhảy ra khỏi nó, như nỗ lực cuối cùng để tìm sự sống.

“Văn hóa 11-9” là khái niệm dần trở nên quen thuộc, nhằm chỉ những tác phẩm điện ảnh, hip- hop, các chương trình truyền hình, sự kiện văn hóa… liên quan tới thảm họa 11-9.

Thật khó nơi nào như nước Mỹ, khi người ta có thể làm mọi thứ nghệ thuật gắn liền với một sự kiện thời sự. Những chương trình truyền hình hàng chục triệu lượt người xem, những bộ phim thu hút khách, các tiểu thuyết gây tranh cãi…

Là kinh đô của văn hóa đại chúng, những sự kiện thời sự lập tức trở thành “hot”. Các nghệ sĩ cũng thấy mình có trách nhiệm làm ra tác phẩm về sự kiện rúng động, dư luận thì đòi hỏi tác phẩm xứng tầm với sự kiện đau thương của họ.

Một số phim đề tài này được chiếu ở Việt Nam như United 93, World Trade Center. Đặc điểm của các bộ phim là xen giữa hư cấu và tài liệu, cố gắng tái hiện trung thực những khoảnh khắc con người phải trải qua trong thảm họa. Các tiểu thuyết cũng vậy, cố gắng giảm bớt những cái tôi tháp ngà của tác giả mà “mở tung” cuốn sách với những số liệu, nghiên cứu, phân tích mang tính logic.

Giới báo chí đương nhiên muốn có tác phẩm để đời. Nhà báo Thomas L. Friedman được trao giải Pulitzer lần thứ ba, cho ra đời cuốn Một album bằng lời - sự kiện 11 – 9. Tác giả đã qua châu Âu, châu Á, đến với thế giới Ả Rập để viết về thế giới hậu 11 – 9. Ông hi vọng nó giúp mọi người nhìn nhận và cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Tốc độ tái thiết sau thảm họa không nói lên hết được nỗ lực của họ bằng những sản phẩm văn hóa. Báo chí đón đợi cái nhìn sâu hơn, bạn đọc cần những tác phẩm bền vững hơn với thời gian. Điều đó thúc giục các tiểu thuyết gia tiếp tục hoàn thiện tác phẩm.

Kết quả là Netherland của Joseph O’Neill (2009) đoạt giải thưởng William Faulkner, khi trần thuật cuộc tấn công từ một nhân chứng sống tại Manhattan.

Mặt trái của “văn hóa 11-9” cũng được đề cập. Liệu có nên xới tung những nỗi đau và sự sợ hãi của con người giống như khi thu dọn hai tòa tháp? Lợi ích cuối cùng của những cú sốc văn hóa ấy thuộc về ai? Những nhà sản xuất, nghệ sĩ, hay người xem sẽ được gì.

Đôi khi người ta bị chìm đắm trong hai thái cực, một đằng là sự sợ hãi tột độ, một đằng khủng hoảng thừa hình ảnh người hùng. Những người cha anh hùng trở thành nhân vật tràn ngập màn ảnh và các câu chuyện.

Trong thập kỷ qua, không ít sự kiện chấn động đời sống con người. Như vụ động đất ở Tứ Xuyên, động đất và sóng thần ở Nhật Bản, hay thảm họa sóng thần tại các nước Đông Nam Á. Nhưng vì nhiều lý do, tự chúng không làm nên một dòng chảy văn hóa, thu hút sự quan tâm lâu dài.

Thảm họa khủng bố nhằm vào nước Mỹ 11-9-2001 cướp đi hơn 3.000 người- xét về con số tổn thất thì không thể bằng nhiều thảm họa đã đề cập. Nhưng nó luôn được giới làm văn hóa Mỹ nhắc nhở, mổ xẻ, từ đó làm nên một dòng chảy văn hóa trong lòng nước Mỹ.

“Văn hóa 11-9” cho thấy nước Mỹ có một nền văn hóa mở, đại chúng, đầy sức sống và sinh động hiếm thấy. Lại được hỗ trợ lớn từ khoa học kỹ thuật, hệ thống báo chí phong phú, mạng lưới internet, thông tin cộng đồng… lan tỏa khắp nơi. Nó cho thấy rõ diện mạo của một xã hội hậu hiện đại rất đặc trưng của Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG