Ấy thế nên việc tờ New York Times ngày 18-8 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra S&P’s và những hoạt động của cơ quan này liên quan đến chứng khoán cầm cố trong thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 có thể khiến người ta hiểu rằng đây là một sự trả đũa của Mỹ đối với S&P. Tờ báo cho rằng, nếu có bằng chứng rõ ràng, vụ việc này có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào danh tiếng về sự độc lập của các nhà phân tích S&P’s và có thể dẫn đến những khiếu kiện dân sự đòi bồi thường.
Trên thực tế, lâu nay các nhà đầu tư vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ba cơ quan xếp hạng tín dụng chính là S&P’s, Fitch và Moody’s trong việc mua bán nợ nước ngoài và nợ công ty cũng như các sản phẩm tài chính phức tạp khác. Chính vì thế, các công ty và một số nước, mặc dầu trong số đó không có Mỹ, phải trả tiền cho các hãng xếp hạng tín dụng này để nhận được thứ hạng tín nhiệm của mình. Hàng thập kỷ nay, Chính phủ Mỹ ban hành các quy định rằng ngân hàng, các quỹ tài chính đa phương và các quỹ khác có thể dựa vào con tem “AAA” để thông qua các quyết định đầu tư và điều này vô hình chung củng cố thêm quyền lực của các cơ quan xếp hạng tín dụng. Tuy nhiên, hành động điều tra của Bộ Tư pháp có thể nói lên một điều rằng “tôi tạo nên quyền lực cho anh thì tôi cũng có thể tước nó đi được nếu như anh mâu thuẫn lợi ích của tôi”.
Phản ứng trước thông tin về cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, phát ngôn viên của S&P khẳng định các nguyên tắc cốt lõi của họ bao gồm “sự độc lập và khách quan trong phân tích” và kể từ năm 2008 họ đã thực hiện thêm nhiều bước để củng cố các chính sách này. Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ Mỹ lại cho rằng họ hy vọng cuộc điều tra sẽ tập trung làm rõ được liệu một cơ quan xếp hạng tín dụng sẽ khách quan và độc lập đến đâu nếu như nó “sống” bằng chính tiền của các đơn vị mà nó thẩm định mức độ tín nhiệm.