Một cảnh trong Transfomers 3 có thương hiệu Trung Quốc (Lenovo). |
Nhân vật chính Sam Witwicky (do diễn viên Shia LaBoeuf vào vai) nhiều lần xuất hiện trong chiếc áo phông của Meters/bonwe - thương hiệu trang phục dành cho tầng lớp thanh niên trung lưu ở Trung Quốc. Meters/bonwe chính là công ty mở đầu cuộc tấn công của doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường điện ảnh Mỹ. Trên phim Hollywood, sản phẩm của Meters/bonwe xuất hiện lần đầu tiên trong Transfomers 2.
Sản phẩm của vài công ty Trung Quốc khác, như Lenovo, cũng nhiều lần xuất hiện trong Transfomers 3. Trong phim, bộ não, mái tóc và mắt của các robot được biến đổi từ máy tính xách tay ThinkPad Edge của Lenovo. Như vậy, các robot trong phim dường như hàm ý “Made in China”.
Máy tính có chữ Lenovo trên bàn làm việc cũng hiện rõ trong một số cảnh phim. Trong phim đôi lúc còn thấp thoáng sản phẩm của một công ty Trung Quốc chuyên sản xuất máy thu hình.
Hãng sữa Yili của Trung Quốc muốn xuất hiện trong Transfomers 3 nhưng bị từ chối. Công ty này đề nghị cho nhân vật chính Sam Witwicky uống sữa Yili để tăng thêm sức lực.
Theo các chuyên gia, việc thương hiệu xuất hiện trên phim ảnh Mỹ có thể giúp tăng doanh số nhiều lần. Cách làm này lần đầu tiên được thực hiện năm 1929 trong phim hoạt hình về chàng thủy thủ ngộ nghĩnh Popeye.
Trong phim xuất hiện thương hiệu Spinach Can - một công ty chuyên sản xuất rau bina ở Mỹ. Cứ mỗi lần cần tăng thêm sức lực là Popeye lại ăn rau bina. Thủ thuật quảng cáo đó đã khiến lượng tiêu thụ rau bina đóng hộp ở Mỹ tăng thêm 30%.
Vũ Việt
Theo Vz.ru