Nguy cơ sa lầy của liên quân tại Libya

Lực lượng nổi dậy chuẩn bị súng máy bắn máy bay tại TP Ajdabiya hôm 23-3 Ảnh: Getty Images
Lực lượng nổi dậy chuẩn bị súng máy bắn máy bay tại TP Ajdabiya hôm 23-3 Ảnh: Getty Images
TP - Hôm qua, chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya bước sang ngày thứ 6, tập trung dội bom, tên lửa vào các lực lượng của Đại tá Moammar Gadhafi trên mặt đất. Xung đột kéo dài khiến những nước liên quan đau đầu tìm cách đối phó.

>> Libya: Quân nổi dậy lập chính phủ lâm thời

Lực lượng nổi dậy chuẩn bị súng máy bắn máy bay tại TP Ajdabiya hôm 23-3 Ảnh: Getty Images
Lực lượng nổi dậy chuẩn bị súng máy bắn máy bay tại TP Ajdabiya hôm 23-3. Ảnh: Getty Images.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đã có tổng cộng 336 lượt máy bay liên quân xuất kích và 108 trận không kích kể từ đầu chiến dịch Rạng đông Odyssey nhằm thiết lập vùng cấm bay ở Libya.

Đêm qua, 3 đợt dội bom của liên quân nhằm vào một số mục tiêu ở huyện Tajoura của thủ đô Tripoli. Ở dưới đất nghe thấy tiếng máy bay phản lực của liên quân và nhìn rõ đạn phòng không của Libya bay đỏ lừ trên bầu trời. Tiếng pháo phòng không kéo dài khoảng 5 phút, phóng viên Tân Hoa Xã ở Tripoli tường thuật.

Một tiếng nổ lớn phát ra từ một căn cứ quân sự cách Tripoli khoảng 30km, trong khi một học viện kỹ thuật quân sự dính bom và bốc cháy. Một số ô tô đang đậu và đi ngang qua bị tác động; những người trong xe bị thương, người dân địa phương nói với Tân Hoa Xã.

Báo chí Libya đưa tin nhiều dân thường ở phía đông Tripoli thiệt mạng trong các đợt không kích. Phát ngôn viên của chính phủ Libya phủ nhận tin Khamis, con trai của ông Gadhafi bị giết trong đợt không kích đầu tiên hôm thứ 7 tuần trước.

Ngày 24-3, Bộ Quốc phòng Anh thông báo tàu ngầm lớp Trafalgar của hải quân hoàng gia Anh tiếp tục phóng tên lửa Tomahawk vào hệ thống phòng không của Libya. Cùng ngày, các máy bay chiến đấu Rafale và Mirage 2000-D của Pháp không kích một căn cứ không quân của Libya.

Một số báo Anh đưa tin máy bay phản lực của Pháp đã bắn rơi một chiến đấu cơ của Libya vi phạm vùng cấm bay. Chính quyền Gadhafi cho trưng bày những xác chết cháy đen mà họ nói là dân thường thiệt mạng vì bom hoặc tên lửa của liên quân. Hôm qua, các quan chức Libya đưa một số phóng viên quốc tế tới một bệnh viện ở Tripoli, cho họ thấy 18 xác chết dân thường và quân nhân Libya.

Ngày 24-3, đô đốc Gary Roughead, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nói rằng, chiến dịch quân sự ở Libya không quá tốn kém vì nhiều lực lượng đã được triển khai ở Địa Trung Hải trước khi tình hình ở nước này thực sự nghiêm trọng. Trước đó cùng ngày, hải quân Mỹ gửi thêm 3 tàu chiến tới Địa Trung Hải, mang theo hàng trăm lính thủy đánh bộ, một đội bác sĩ phẫu thuật và một phi đội trực thăng chiến đấu trên biển.

Chính quyền Gadhafi nói rằng, 18 dân thường và binh lính Libya chết trong các đợt không kích của liên quân Ảnh: Reuters
Chính quyền Gadhafi nói rằng, 18 dân thường và binh lính Libya chết
trong các đợt không kích của liên quân. Ảnh: Reuters.

Có thể dội lửa vài tuần

Chiến dịch của liên quân sẽ tiếp tục nhưng không kéo dài; “giai đoạn cần thiết” có thể là vài ngày hoặc vài tuần, không thể là vài tháng, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Pháp ngày 24-3.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, vai trò của Mỹ ở Libya rất rõ ràng, can thiệp trong một vài ngày, không phải một vài tuần, với mục tiêu bảo vệ công dân Libya. Tuy nhiên, sứ mệnh chưa hoàn thành, không rõ ai chịu trách nhiệm chính đối với chiến dịch và ai đang làm gì, trong khi thương vong dân thường vẫn diễn ra.

Ngày 24-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng “hiệu quả của chiến dịch quân sự vẫn đáng lo” và kêu gọi tăng cường cấm vận đối với Libya để cắt đứt nguồn tài chính của ông Gadhafi.

“Tôi hy vọng chúng ta cuối cùng đạt được thỏa thuận chung về lệnh cấm vận thương mại quy mô lớn và cấm vận dầu lửa hoàn toàn”. 

Lầu Năm Góc nói rằng đã thành công trong việc thiết lập vùng cấm bay và vô hiệu hóa không lực già cỗi của Tổng thống Libya. Nhưng xe tăng và bộ binh của ông Gadhafi vẫn nổ súng vào lực lượng nổi dậy cũng như dân thường.

“Hiện nay, dường như cục diện bế tắc mà phía ông Gadhafi không bị thiệt hại nặng lắm... Để có kết quả như ý một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ phải tăng liều sức mạnh quân sự”, Aaron David Miller, nguyên chuyên gia đàm phán Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert nói rằng ông không thể dự đoán khi nào việc thực thi lệnh cấm bay ở Libya chấm dứt, nhưng Mỹ có thể chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch quân sự vào thứ bảy tới. Không ai nghĩ đợt tấn công chỉ kéo dài 2 hoặc 3 tuần, ông nói.

Mỹ muốn NATO nắm quyền chỉ huy chiến dịch và giám sát lực lượng liên quân. “Đối với tính hiệu quả của sự nghiệp của liên quân, không gì nguy hiểm hơn là không thống nhất được tại sao chúng ta có mặt ở đó (Libya) và cái chúng ta định làm là gì”, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns nhận định.

Những ngày qua, một số ý kiến cho rằng, để sớm kết thúc chiến dịch, liên quân có thể triển khai bộ binh ở Libya. Ngày 24-3, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Univision (phát tiếng Tây Ban Nha), ông Obama nói Mỹ sẽ không đổ quân lên đất Libya.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, thành công lớn nhất của chiến dịch là “thảm họa nhân đạo đã không xảy ra (ở thành phố Benghazi của Libya)”, nhưng bà cũng thừa nhận “thách thức còn đó chừng nào ông Gadhafi tiếp tục chỉ đạo lực lượng của mình tấn công người dân của mình”.

Tham vọng của Pháp bị nghi ngờ

Ủy ban chỉ đạo về tình hình ở Libya do Pháp đề xuất đã quyết định nhóm họp phiên đầu tiên vào thứ 3 tuần sau ở Anh, với sự tham dự của ngoại trưởng Mỹ, Pháp, Anh và những nước liên quan.

Dự kiến, phiên họp thảo luận biện pháp triệt tiêu sức mạnh bộ binh của ông Gadhafi. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất đăng trên nhật báo France-Soir (Pháp) ngày 23-3 cho thấy, 66% người được hỏi ủng hộ can thiệp quân sự ở Libya, trong khi 34% phản đối. Theo kết quả cuộc thăm dò đầu tháng 3, có tới 63% người Pháp phản đối.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Paris bị nhiều người Pháp nghi ngờ. “Chiến dịch này nhằm thiết lập vùng cấm bay nhưng nhanh chóng biến thành cuộc chiến và không bảo vệ dân thường, bà Marine le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, trả lời phỏng vấn báo chí. “Pháp đã đặt ngón tay của mình vào các bánh răng và phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại (của chiến dịch)”, nghị sĩ Pháp Roland Muzeau nói.

Minh Long (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.