Khóc cười phận đẻ thuê

Khóc cười phận đẻ thuê
Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn nằm yên bình bên vành đảo nhỏ cách bờ khoảng 500m, thuộc quận Pakkred, tỉnh Nonthaburi (Thái Lan).

Khóc cười phận đẻ thuê

> Sớm đưa các cô gái Việt trong vụ đẻ thuê về nước

Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn nằm yên bình bên vành đảo nhỏ cách bờ khoảng 500m, thuộc quận Pakkred, tỉnh Nonthaburi (Thái Lan).

Khi chiếc ghe nhỏ cập bến, hiện lên một khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây và chạy dài những dãy nhà gạch, mái ngói. Nơi đó, 14 cô gái Việt Nam tội nghiệp đẻ thuê đang tạm trú.

Bên trong Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn. Ảnh: V.Hoàn
Bên trong Trung tâm bảo vệ và dạy nghề Kredtrakarn. Ảnh: V.Hoàn.

Khi các mẹ cho ra gặp chúng tôi, các cô mừng mừng tủi tủi. Sau những lời kể lể, những giọt nước mắt ngắn dài là những yêu cầu chất phác nghe đến chua xót.

“Tụi em nhịn ăn một hai bữa rồi đó. Thức ăn ở đây ngọt ngay à, nếu không thì cay lắm. Anh nói các mẹ cho tụi em xin tự nấu được không? Nếu không, tụi em chỉ xin cơm trắng, nước mắm mặn, rau luộc với trứng thôi. Có đứa chỉ ăn cơm với muối nữa đó” - K.K., cô gái trẻ 23 tuổi với cái thai sinh đôi, khẩn khoản, tay mân mê trái quýt tôi cầm đến.

Các cô khác một hai đòi xin lại quần áo, tư trang tại nhà cũ. P.N., 30 tuổi, mang thai bảy tháng, nước mắt ngắn dài nói: “Khi qua đây tay trắng, có vài bộ đồ mới cha mẹ giúi cho trước khi đi. Có mấy bộ em không dám mặc, để dành, vì đậu thai sớm. Bây giờ về, không có tiền đã đành, con sinh ra không biết làm sao. Thậm chí quần áo không có để mặc thì làm sao dám nhìn mặt cha mẹ hả anh”.

“Cái điện thoại con mới dành tiền tiêu vặt mua, chưa kịp xài cũng bị giữ lại rồi chú - T.P. thì thầm - Một ít tiền lẻ con giấu kỹ trong bọc quần áo không biết có mất không?”.

Khi được giải thích là các vật dụng ấy sẽ được cảnh sát trả lại sau khi điều tra xong thì các cô mới yên tâm.

“Trước khi em đến đây, bà chủ báo con em lên được 4,5kg sau một tháng rồi. Trắng trẻo, đẹp trai lắm. Nhưng không biết khi nào em mới được lãnh 5.000 đô? Em cần tiền về nuôi con”. S.T nói tiếp: “Hai chị này đậu thai đôi. Theo hợp đồng, họ chỉ thưởng thêm 2.000 đô thành 7.000 đô thôi. Riêng chủ thì được khách trả đến 100.000 đô”.

“Em có qua thăm hai vợ chồng khách. Họ mừng lắm, còn dẫn em đi khám bác sĩ nữa. Họ còn nói sau khi nhận con sẽ qua Việt Nam thăm em, chăm sóc lẫn nhau. Họ cũng tội lắm anh ơi, anh kêu mấy chú cảnh sát Thái Lan đừng bắt mẹ con em và họ được không?” - H.N., cô gái 20 tuổi, thủ thỉ.

Các cô cứ thay nhau kể cho tôi nghe những câu chuyện mà nghe xong không biết nên cười hay khóc cho phải. Qua đây khá lâu, từ sáu tháng đến gần một năm nhưng các cô chỉ được tham quan Bangkok một lần hồi tết do chủ bao xe đi. Còn lại, khoảng trời tự do của họ chỉ là ngôi nhà đó, là cái hẻm nhỏ với cái bụng bầu lủi thủi tập thể dục, là tiệm tạp hóa đầu đường, là cái máy tính để nhìn qua khung hình. Có cô phải tự ép mình uống sữa để bồi bổ dù bản thân không thích. Có cô nhịn tiền tiêu vặt rẻ mạt mỗi tháng để phòng thân chờ ngày về.

Có ai biết trong số tiền mà những cô gái này kiếm ra cho gia đình, ngoài cái mệt, cái đau, mồ hôi, nước mắt còn cả máu hòa lẫn những lời thì thầm cầu chúc cho một sinh linh ra đời bụ bẫm, đủ ký. 5.000 đô cho một năm mang nặng đẻ đau, bơ vơ nơi xứ người có thể là nhỏ với ai đó, nhưng lại là một gia tài với những phận người bé nhỏ mà chúng tôi đang trò chuyện ở đây.

Rời trung tâm, tôi thầm mong sao khi các cô được về với gia đình sẽ không phải chịu điều tiếng của xã hội, hàng xóm láng giềng để các cô gái có thể ngẩng đầu làm lại, để đôi vai bé nhỏ bớt run rẩy trên bước đường mưu sinh. Bởi lẽ tội lắm phận đẻ thuê!

Trước đó, bác sĩ Worapapha tỏ ra do dự khi trả lời câu hỏi của tôi rằng những đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch gì, Thái Lan hay Việt Nam. Vì vụ án không nằm rõ ràng trong pháp luật của cả hai nước nên các bên có liên quan đều tỏ ra khá lúng túng khi tìm biện pháp xử lý. Pongsak Chuchunklin, chuyên viên Sở Chống buôn người, cho biết nếu bên điều tra khép vụ án này vào loại tội phạm buôn người, các cô gái có thể sẽ bị giữ lại lâu. Còn nếu đánh giá theo hướng là nạn nhân thì sẽ được về sớm.

Hôm nay 28-2, một cuộc họp sẽ diễn ra tại Bộ Y tế Thái Lan để tìm hướng ra cho trường hợp đặc biệt này.

Theo Vy Hoàn
Tuổi Trẻ

Tương lai bấp bênh cho những đứa trẻ

Số phận của khoảng chín trẻ chưa sinh trong đường dây đẻ thuê đang bấp bênh do có nguy cơ sẽ không được công nhận là công dân của bất cứ quốc gia nào, giới chuyên gia nhận định.

”Có nguy cơ những đứa trẻ này sẽ trở thành những đứa trẻ không có quốc tịch, chúng sẽ không có quyền công dân ở bất kỳ đâu” - ông Benedic Phillips, giám đốc chiến lược của quỹ Save The Children châu Á, lo ngại. Ông cho biết Thái Lan đang thực hiện các bước để bảo vệ những đứa trẻ là con của những phụ nữ này, nhưng những đứa trẻ này không được công nhận quốc tịch Thái và hưởng những lợi ích từ hệ thống chăm sóc y tế của nước này.

Thái Lan đang muốn đưa những phụ nữ này về Việt Nam cùng với con của họ, đại tá Chalermpol Jintarat thuộc Cơ quan nhập cư Thái Lan cho biết. “Để xác minh đứa trẻ không có liên hệ với người mẹ, chúng tôi phải làm xét nghiệm ADN và điều này cần bàn bạc trước tiên với Đại sứ quán Việt Nam” - ông Chalermpol nhấn mạnh.

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG