Phút kinh hoàng trên cây cầu 'định mệnh'

Phút kinh hoàng trên cây cầu 'định mệnh'

>> Gần 400 người bị giẫm đạp tới chết
>> 10 thảm họa khủng khiếp nhất vì xô đẩy

Với giọng nói đầy mỏi mệt, Buot Phanha cho biết chính anh cũng phải vật lộn để thoát chết. Buot Panha là một trong số hàng ngàn người có mặt trên cây cầu “định mệnh” dẫn đến đảo Kim Cương tối 22-11.

Theo Buot Phanha, vào thời điểm trước khi thảm họa xảy ra, mọi người trông thấy những đám mây đen trên bầu trời và lo ngại sẽ có mưa. Thế là vào cùng một thời điểm, cả ngàn người vội vã chen lấn nhau qua cầu.

Ly Vuthy, một nhân chứng bán hàng rong, cho biết đám đông mỗi lúc trở nên hỗn loạn vì không thể nhúc nhích trên chiếc cầu hẹp. Nhiều người đã ngất xỉu, một số thì nhảy từ trên thành cầu xuống dưới. Những người không bơi được thì đánh đu vào các cột đèn mắc trên cầu, khiến đèn chập điện khắp mọi nơi.

 
Phút kinh hoàng trên cây cầu 'định mệnh' ảnh 1

Buot Phanha cho rằng chính chiều cao đã cứu sống anh ta. “ Tôi đứng ở giữa cầu nhưng bởi cao hơn nhiều người nên tôi có thể vươn đầu lên để thở. Tôi không thể tin điều kinh hoàng như thế này lại xảy ra”- Buot nói. Theo lời khuyên của một nhân chứng khác, Buot Phanha cùng một thanh niên đã nhảy từ cầu xuống. Họ may mắn thoát nạn.

Chea Srey Lak, 27 tuổi, cho biết những người khỏe mạnh chạy thoát, còn vô số phụ nữ, người già và trẻ em bị giẫm đạp. Đó cũng là lý do khiến 2/3 số người thiệt mạng là phụ nữ. “ Người kêu cứu khắp nơi nhưng ai cũng lo chạy”- Chea kể.

Vann Thon, 25 tuổi, buồn rầu nói “ Đêm hội đã biến thành đêm đi nhặt xác người thân. Ai nấy đều sợ hãi và bật khóc”.

Việc xác định danh tính các nạn nhân đang được tiến hành tại 4 bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh trong khi quân đội chuẩn bị chuyển thi thể những người thiệt mạng về quê.

Chính quyền Campuchia chưa kết luận nguyên nhân chính xác của thảm họa. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cam kết đền bù khoảng 1.250 USD cho gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng. Campuchia quyết định ngày 25-11 sẽ là ngày quốc tang.

Hôm nay, thay mặt chính quyền Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gửi những lời chia sẻ và cảm thông sâu sắc tới nhân dân Campuchia về những mất mát mà họ đã phải trải qua trong thảm họa tồi tệ cướp đi sinh mạng của gần 400 người. “Thay mặt Tổng thống Barack Obama và nhân dân Mỹ, tôi xin gửi những lời cảm thông, chia buồn sâu sắc tới người dân Campuchia về những tổn thất trong thảm họa ở thủ đô Phnom Penh trong khi đang diễn ra Lễ hội nước truyền thống hàng năm” – Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói.

Võ Giang
Tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG