Sự kiện Trân Châu Cảng: Trở lại chiến trường sau 68 năm

Sự kiện Trân Châu Cảng: Trở lại chiến trường sau 68 năm
TP - Ngày 7-12, nhân kỷ niệm sự kiện Trân Châu Cảng, lần đầu tiên sau 68 năm diễn ra trận đánh  giữa không quân Nhật Bản và hải quân Mỹ, ông Ed Johann 86 tuổi mới trở lại thăm chiến trường xưa.
Sự kiện Trân Châu Cảng: Trở lại chiến trường sau 68 năm ảnh 1
Ông Ed Johann-người sống sót trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: AP 

Khi trận chiến Trân Châu Cảng giữa Nhật Bản và Mỹ xảy ra ngày 7-12-1941, người lính cứu hỏa nay đã về hưu Ed Johann khi đó chưa đầy 20 tuổi, mới là một thủy thủ đang học việc. Từ tàu của mình, Ed Johann thấy nhiều máy bay chiến đấu Nhật Bản bay trên bầu trời Trân Châu Cảng.

Lúc đầu Ed Johann nghĩ rằng đó là máy bay hải quân Mỹ đang tập trận. Chỉ đến khi những chiếc máy bay đó bổ nhào ném bom đánh phá nhấn chìm các tàu chiến Mỹ, mùi dầu và mùi xác người cháy khét lẹt bao trùm không gian cảng,  Ed Johann mới tin rằng chiến tranh nổ ra.

Lập tức Ed Johann và hai đồng đội được huy động vào việc vận chuyển thương binh từ tàu hải quân Mỹ USS Solace tới một con tàu bệnh viện neo đậu trong Trân Châu Cảng. Con tàu nhỏ của Ed Johann ngày đó bị trúng nhiều mảnh bom. Nhiều máy bay Nhật Bản còn thả những quả thủy lôi nhằm tiêu diệt các tàu ngầm Mỹ.

Sáng hôm sau, Ed Johann và đồng đội của ông lo sợ máy bay Nhật Bản quay lại nên đã đưa các thương binh Mỹ từ tàu bệnh viện vào bờ. Ông chứng kiến hơn 2.200 thủy thủ, thủy binh, và binh lính thuộc các quân chủng khác thiệt mạng. Trong trận chiến này, phía Mỹ có ba tàu khu trục, bốn tàu chiến hạng nhẹ, ba tàu tuần dương bị đánh chìm, 188 máy bay bị phá hủy.

Sau cuộc chiến ác liệt, Ed Johann tiếp tục làm việc trên tàu chiến USS Wright. Năm 1945, khi chiến tranh Thế giới II kết thúc, ông trở về quê mẹ ở bang Oregon làm lính cứu hỏa. Ed Johann  cho biết ông sống sót là do may mắn. Sau 68 năm, trong ông, những ký ức về trận Trân Châu Cảng ác liệt vẫn còn nguyên vẹn.

Đ.P
Theo AP

MỚI - NÓNG