Hôm qua người Thụy Sĩ bỏ phiếu chấp thuận trong cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Thỏa thuận Schengen mở cửa biên giới với châu Âu - Ảnh: EPA |
Tại một cuộc gặp mặt tổ chức vội vàng ở Berlin tối thứ bảy (4/6), Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac thúc giục các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tiến trình thông qua bản hiến pháp mặc cho tiếng nói “không” áp đảo ở Pháp và Hà Lan.
Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Bela Anda, lời kêu gọi của hai ông Schroeder và Chirac là nhằm “giúp cho quan điểm mỗi nước được tôn trọng”.
Nhưng giới quan sát lại nhìn theo một cách khác. Cuộc họp khẩn giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhằm mục đích thông qua quan điểm chung, làm đối trọng với kế hoạch do Anh khởi xướng: đóng băng tiến trình thông qua hiến pháp EU. Hai ông đặc biệt lo ngại về khả năng Anh sẽ tuyên bố “cái chết” của bản hiến pháp trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels giữa tháng này.
Dự kiến hôm nay Ngoại trưởng Anh Jack Straw sẽ thông báo với các nghị sĩ tại London rằng chính phủ của ông Tony Blair muốn cất kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp vào ngăn kéo. Có tin nói rằng Thủ tướng Tony Blair đã bắt đầu cuộc vận động hành lang để thuyết phục các nước khác đình chỉ cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp EU. Bồ Đào Nha và Đan Mạch ngụ ý sẽ ngưng kế hoạch này nếu Anh cũng làm như vậy.
Tờ Le Figaro của Pháp cảnh báo rằng nếu London chiến thắng trong cuộc giằng co này, đó sẽ là thắng lợi cho một châu Âu tự do kiểu anglo-saxon: nền kinh tế mở rộng càng nhiều càng tốt với một thị trường khổng lồ và sự điều chỉnh từ Brussels được giữ ở một mức tối thiểu.
Trong khi ông Chirac bay đến Berlin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói EU không thể lâm vào tình trạng bại liệt vì những thất bại, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo “chuyển biến khủng hoảng thành cơ hội”. Ông cảnh báo châu Âu không được rơi vào “sự rạn nứt ý thức hệ” giữa một bên là những người cổ xúy cho thị trường tự do và một bên là những người tin vào sự can thiệp của chính quyền.
Theo ông Barroso, điều cần thiết chính là “sự tổng hợp khôn ngoan” giữa thị trường và nhà nước để giúp châu Âu giành thắng lợi chứ không phải thua cuộc trong thời toàn cầu hóa. Ông cho rằng việc có được sự thống nhất về vấn đề tài chính chung cho EU sẽ là phép thử để biết liệu châu Âu có thể thoát khỏi khủng hoảng hay không.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính EU sẽ gặp tại Brussels ngày mai để tìm cách dập tắt nghi ngờ rằng đồng tiền chung euro đang bên bờ vực tan vỡ. Song giới phân tích cho rằng giới chức tài chính EU khó mà ngăn chặn xu hướng suy yếu thêm của đồng euro.
Đồng tiền này đã chịu một cú đấm nặng nề - xuống giá mạnh so với đồng USD và các ngoại tệ khác - sau khi Bộ trưởng Phúc lợi Ý Roberto Maroni nói nước này có thể cân nhắc khả năng quay lại dùng đồng lia như trước đây.