Cú hích Quảng Ninh?

Núi Bài thơ nhìn từ Vịnh HL. Ảnh: Xuân Ba
Núi Bài thơ nhìn từ Vịnh HL. Ảnh: Xuân Ba
TP - Quảng Ninh vừa mở hội xúc tiến đầu tư. Nghe các dự án, xem thái độ, cung cách làm việc mới của các vị quan trấn nhiệm ở đây nghe ra như Quảng Ninh có một động lực mới, mạnh mẽ.

> Quảng Ninh cần tập trung tạo đột phá kinh tế

I.

Không rõ lắm những bí thư tỉnh ủy từng trị nhậm đất Quảng Ninh ra sao (xứ Quảng Ninh có câu hơi bị lạ là dân mượn quan thuê để chỉ hiện tượng dân bản địa không có bao nhiêu mà dân số của tỉnh hầu hết là người Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng... ra đây làm ăn và quan đầu tỉnh lâu nay vẫn được Trung ương điều nơi khác về). Hai vị bí thư tỉnh ủy khóa gần đây là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Minh Chính.

Không dám và chả nên làm cái sự sánh so này khác nhưng trộm nghĩ dứt khoát trên phải điều những người tài về trị nhậm vùng phên dậu quốc gia này. Phải là thế nào ông Đam tuổi Mão (sinh năm 1963) vừa mãn nhiệm ở Quảng Ninh thì sung ngay vào ngôi Đổng lý văn phòng Thủ tướng như vậy? Phải thế nào thì ông trung tướng, PGS TS Phạm Minh Chính tuổi Tuất (sinh năm 1958) đương coi sóc một mảng trọng yếu của ngành an ninh được tin cẩn điều ngay việc trị nhậm Quảng Ninh?

Ông Đam thì tôi chưa tường lắm nhưng ông tướng họ Phạm đương nhiệm này cánh báo chí thường bắt gặp ở cái sự quyết liệt? Đã đành hành xử ngôi tướng, mà cả ở cái vị thế đầu một tỉnh. Quyết liệt không phải ở động thái ngay lập tức thay ghế này chức nọ trong địa hạt của mình (ông Chính nhậm chức bí thư mới từ tháng 8 năm 2011 mà hình như cũng chưa thay tháo gì nhiều?), tân quan tân chính sách ấy là việc ông quyết liệt cùng cán bộ mình vào cuộc.

Nhớ một buổi khuya ngồi với cánh báo chí, thi thoảng chút phát lộ rất kín đáo thôi của vị bí thư tỉnh ủy ấy là sự sốt ruột. Sốt ruột không phải nhiệm kỳ của một bí thư tỉnh ủy là chóng vánh lắm (?) mà cứ nhắc mãi một QN tiềm năng than tiềm năng du lịch. Một Quảng Ninh trời cho Di sản Vịnh Hạ Long. Nhưng than thì có hạn. Hạ Long thì có gì như đơn điệu? Chỉ bầy mãi trên mâm trời ấy một thứ đặc sản chủ công?

Hôm sau trên truyền hình tỉnh đã thấy ông ngồi với tay Trưởng đại diện Tập đoàn McKinsey. Một ông thạo tin nói rằng Tập đoàn McKinsey là tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới được thành lập năm 1923, là tập đoàn quốc tế dạng này đầu tiên và duy nhất hiện có văn phòng đại diện tại Việt Nam. McKinsey tập hợp những chuyên gia rất thạo về các vấn đề quản lý và đầu tư trong các ngành kinh tế thế giới và ngay tại Việt Nam. Qua hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Tập đoàn đã triển khai tư vấn hiệu quả cho trên 50 dự án.

Lần gặp lại trên Hà Nội, ông Chính không giấu tham vọng của mình là sẽ xắn tay để gây dựng một cơ cấu kinh tế đẳng cấp quốc tế ngay tại Quảng Ninh! Nhân nhắc đến McKinsey, ông chỉ vắn tắt đó là thỏi nam châm để “hút” các nhà đầu tư.

“McKinsey sẽ giúp chúng tôi lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030. Hơn nữa, qua quá trình hợp tác và cùng làm việc, McKinsey đã cam kết giúp chúng tôi đào tạo ra đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên nghiệp, mang đẳng cấp quốc tế về xúc tiến đầu tư ngay trên mảnh đất Quảng Ninh này”, ông nói.

II.

Cái tên Vân Đồn của đất Quảng Ninh lần đầu tiên được ghi lại trong lịch sử Việt Nam từ thời Lý, vào năm 1149. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đại Định năm thứ 10 (1149, đời Lý Anh Tông), mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn các nước Qua Oa (Gia Va), Xiêm La (Thái Lan) vào Hải Đông (Quảng Ninh) xin cư trú để buôn bán, bèn lập trang ở các nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, buôn bán các hàng hoá quý giá, dâng phương vật lên Vua”.

Nhưng trước đó, từ sau chiến thắng của Ngô Quyền, năm 975 tại Vân Đồn “mùa xuân, thuyền buôn các nước hải ngoại đã đến dâng phương vật”. Bấy giờ là dưới thời Đinh, sang thời Lý, sử chép năm 1066 “Con buôn Qua Oa (Gia Va) dâng ngọc dạ quang, (được) trả giá một vạn quan tiền”.

Như vậy, ngay từ thế kỷ XII, nhận thấy vị trí quan trọng của Vân Đồn cả về mậu dịch đối ngoại lẫn về mặt quan sự nên triều đình nhà Lý đã lập thành trấn và sai quan coi giữ. Sang thời Trần, Vân Đồn vẫn là một thương cảng quan trọng.

Năm 1349, đặt Trấn quan, lộ quan, Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển) ở trấn Vân Đồn, lại đặt một đội quân trấn giữ ở đây, gọi là Bình Hải Quân. Sở dĩ có sự kiểm soát chặt chẽ ở Vân Đồn như vậy một phần là do chính sách “trọng nông ức thương” của các triều đại phong kiến, nhưng đặc biệt là vì lý do chính trị.

Ngồi với Bí thư Huyện ủy Đoàn Văn Chỉnh có một lúc mà đã bộn bề những ngạc nhiên. Hóa ra các dự án thu hút FDI trên địa bàn khu kinh tế Vân Đồn không chỉ chú trọng cảng như tôi tưởng. Cảng chỉ là phụ mặc dầu mai kia dự án cảng Bắc Cái Bầu ở Vân Đồn có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.

Ngạc nhiên bởi chưa tường cơn cớ nào khiến một ông Bí thư huyện ủy những tưởng chỉ rành về chính trị tư tưởng, người trị nhậm một huyện GDP mới tròm trèm gần ngàn tỷ VND/năm mà dám tự tin mà quyết liệt với những dự án cả tỷ USD này?

Có lẽ phải nhiều trang báo thì mới vỡ vạc những thông tin về dự án gần 5 tỷ USD tại Vân Đồn. Tên dự án nghe có vẻ lành lành là Khu vui chơi tổng hợp có thưởng tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Nhưng đây là thứ... “dữ” bởi gọi tên bằng sự vật của nó là casino!

Casino? Thứ vui chơi giải trí ấy tận đẩu đâu... Là ở Macau là Hồng Kong, là Las Vegas và đâu đây gần hơn như Đồ Sơn với quy mô be bé... Quy mô tầm cỡ như casino Vân Đồn dưới gầm giời Nam chưa hề. Dự án này nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn theo quyết định của Chính phủ. Kèm theo đó là một dự án sân bay.

Dự án khu vui chơi đó đã được quan thuộc dân nhắc ở một địa bàn huyện đang có 6% hộ nghèo.

Tổng vốn dự kiến 4-5 tỷ USD (trong đó 3,4 tỷ USD cho chi phí XD thiết bị; 15,7 triệu USD cho chi phí quản lý DA; 585 triệu USD vv...). Từ năm 2012, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Từ 2013- 2015, đầu tư xây dựng giai đoạn I dự án và triển khai hoạt động kinh doanh giai đoạn I dự án. Từ 2016-2019, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục. Từ năm 2020, đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.

Bí thư huyện ủy Vân Đồn Đoàn Văn Chỉnh và vị trí dự án Casino
Bí thư huyện ủy Vân Đồn Đoàn Văn Chỉnh và vị trí dự án Casino.

Dự án được xác định là một trong những dự án trọng điểm về du lịch mang tính chiến lược đột phá để phát triển KKT Vân Đồn và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong tương lai gần, dự án tại khu vực xã Vạn Yên sẽ hấp dẫn và thu hút rất lớn khách du lịch. Hiện nay trên toàn quốc, loại hình như dự án này không phổ biến. Cả KKT Vân Đồn được Nhà nước quy hoạch và cho chủ trương đầu tư một khu vui chơi có thưởng duy nhất, vv...

Đó là những thông tin từ ông Bí thư huyện ủy mà tôi ghi được. Tất nhiên cũng biết thêm điều này, khi dự án đi vào vận hành, có thể ông và nhiều quan chức của huyện nhà đã nghỉ hưu! Nhưng có lẽ chả ai được phép hồ nghi rằng, những danh mục dự án ấy chỉ vẽ ra cho... vui, cho một nhiệm kỳ đỡ đơn điệu! Cứ ngó kỹ những thông số dằng dặc trong mấy chục mục của dự án vui chơi và dự án sân bay đủ biết sự công phu, tính khoa học, sự tin cậy cũng như sự quyết liệt từ tầm tỉnh đến huyện như thế nào.

Tất nhiên những mốc tiến độ của các dự án như ông Bí thư Vân Đồn nói chưa hẳn đã là y sì. Ngay chuyện triển khai Dự án khu vui chơi phải có sự quyết định của cấp cao nhất (thậm chí nghe nói phải là một Nghị quyết của Bộ Chính trị?). Một ông bí thư tỉnh uỷ, một tập thể lãnh đạo tầm tỉnh huyện quyết liệt chưa đủ. Nhưng đã là xu thế. Đã là tất yếu thì dứt khoát sự hợp lý lẫn lòng tốt phải có sức lan tỏa.

Mấy ngày qua, Quảng Ninh mở hội xúc tiến đầu tư (XTĐT) trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu đầu tư công và ít nhiều sự đìu hiu của giao thương làm ăn buôn bán, có lẽ là một thứ lãng mạn kiêm thách thức? Nhưng như ông Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định, Hội nghị XTĐT không hẳn là để tổng kết một quá trình mà như một sự khởi đầu, là nút khởi động cho cả một quá trình đầu tư mới, nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp hóa trong công tác XTĐT, tạo sự thay đổi căn bản về môi trường đầu tư của Quảng Ninh.

Nhà đầu tư sẽ cảm nhận được sự mới mẻ và khác biệt ngay từ khâu lên ý tưởng tổ chức, công tác chuẩn bị và đặc biệt là trong chính nội dung chương trình hội nghị. Ông cũng bộc bạch luôn, tại Quảng Ninh đã thành lập IPA (Ban XTĐT). Thay vì phải chờ qua tay một loạt các chuyên viên từ thấp lên cao như quy trình đã làm trước đây thì hiện nay, với IPA, hồ sơ của NĐT sẽ tới tay ông Chủ tịch UBND tỉnh ngay sau khi các NĐT hoàn thiện và nộp.

Chủ tịch sẽ xét duyệt, quyết định và chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm định theo quyết tâm và ý chí của ông. Lấy ví dụ, nếu ông chủ tịch thấy cần làm ngay, ông sẽ cho thẩm định hồ sơ trong một tuần, một ngày, thậm chí trong một vài giờ đồng hồ... “Chúng tôi hiểu: thời gian đối với các nhà đầu tư chính là thước đo giá trị của chúng tôi!” – Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính nói.

Có cảm giác hai trang A4 bài phát biểu của ông Bí thư Tỉnh ủy trong Hội nghị XTĐT Quảng Ninh năm 2012 như một thứ... hịch, một dạng tâm thư? Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để tạo dựng một nơi bình yên ấm áp tình người. Chúng tôi nâng niu và đón nhận các bạn đến làm việc giải trí sinh sống và cùng với các bạn tìm ra những giá trị mới khác biệt về lợi ích tinh thần vật chất từ những con người vùng đất nơi đây và chính từ giá trị mà các bạn đang có...

Cú hích nào cho một Quảng Ninh đổi mới làm giàu, từ diện đến điểm, rộng sang sâu? Từ tăng trưởng nóng sang xanh bền vững? Khâu cán bộ hay tiềm năng? Mà cụ thể là sự quyết liệt của cán bộ trong việc đánh thức tiềm năng lẫn đối tác?

Làm kinh tế thời nay có lẽ cũng nhọc nhằn gian nan như việc quân việc trận mạc vậy. Chợt nhớ câu trong lời đề tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí... của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, ông tướng văn võ (và rất giỏi cả việc kinh doanh) đời Trần từng gắn liền với vùng đất này: Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Ninh diễn ra trong ngày 24-2 có sự hiện diện của Thủ tướng và hầu hết các thành viên Chính phủ và đông đảo các NĐT trong và ngoài nước. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của Quảng Ninh là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển hệ thống kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trong đó ưu tiên cho các công trình chiến lược như tuyến đường bộ Nội Bài – Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ven biển Thanh Hóa - Quảng Ninh, cảng Cái Lân, Hải Hà, sân bay Vân Đồn.

Riêng sân bay Vân Đồn, theo đánh giá của của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng như Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN Alexander Feldman là một dự án rất tiềm năng. Với vị trí đắc địa, SBVĐ có thể giúp kết nối khu kinh tế mới tại Vân Đồn với Đông Nam Á cũng như thị trường Trung Quốc rộng lớn.

SBVĐ là sân bay cấp 4E có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn như Airbus A320, Boeing 777… Từ cảng hàng không này, các chuyến bay có thể tới nhiều thành phố lớn tại khu vực Đông Á trong khoảng thời gian chưa đầy 2 giờ đồng hồ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Quảng Ninh cần có chính sách phù hợp, tạo đột phá để đến năm 2015 cơ bản thành một tỉnh công nghiệp, phát triển thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn của cả nước. Trong đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh ưu tiên phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái, biển đảo chất lượng cao và khu vui chơi giải trí có thưởng với diện tích 2.000 ha tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Điểm nhấn của khu du lịch này chính là khu casino có đẳng cấp quốc tế.

Cùng với 2 dự án trọng điểm nói trên, tại hội nghị lần này, Quảng Ninh cũng đang kêu gọi đầu tư cho 16 dự án khác. Ngoài các ưu đãi thông thường, tỉnh sẵn sàng ứng 100% vốn giải phóng mặt bằng cho 12 dự án cơ sở hạ tầng phát triển cơ sở hạ tầng. Với các dự án còn lại, tỉnh sẽ ứng 30% đồng thời đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đến “chân hàng rào dự án”.

Hạ Long 2-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG