> Ngư dân và ám ảnh ngư trường
"Đại huynh" ĐNa 90567 TS ở Âu thuyền Thọ Quang ngày chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Nam Cường. |
"Đại huynh" ra khơi
Ngày 20 tháng giêng năm Nhâm Thìn (tức ngày 11-2-2012), tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), ngư dân miền Trung chứng kiến lễ ra khơi của con tàu lớn nhất từ trước đến nay: Con tàu ĐNa 90567 TS, được mệnh danh là anh cả, là "đại huynh" của hàng ngàn tàu cá miền Trung.
Tàu có công suất 948 mã lực, được Sở NN&PTNT Đà Nẵng xác nhận là tàu gỗ ngư dân lớn nhất trong lịch sử đánh bắt xa bờ. Mấy vị quan chức của Sở không xác nhận, bắt buộc sau đó tôi phải dò hỏi từng người, từ Sở NN&PTNT Quảng Nam rồi đến ông Phan Huy Hoàng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi rồi tới Bình Định, Phú Yên, tất thảy đều bất ngờ và thừa nhận: Tàu gỗ công suất 948CV là tàu lớn nhất của một ngư dân hiện nay ở miền Trung.
Quả thật, tỉ mẩn hỏi từng địa phương không hề thừa, bởi sau khi anh Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà - Đà Nẵng) quyết định đóng con tàu khủng thì hai người bạn của anh ở Quảng Nam cũng học tập, đóng tàu tương tự nhưng công suất nhỏ hơn chút xíu.
Như vậy, tháng giêng này, có 3 con tàu lớn rẽ sóng ra biển lớn, mang theo khát vọng chinh phục đại dương của ngư dân Việt. Chủ tàu là anh Trần Văn Mười, nhưng linh hồn thực sự của "đại huynh" ĐNa 90567 TS lại là ông Trần Ban - bố anh Mười.
20 năm lênh đênh ngư trường, từng là Phó chủ tịch phường và giờ đây là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Mân Thái, ông Ban vẫn không thôi từ bỏ giấc mơ chinh phục đại dương. Ngồi nghe ông kể chuyện đóng tàu, hạ thủy, chuẩn bị cho "đại huynh" ra khơi, ai yếu vía e toát mồ hôi hột.
Tàu bắt đầu được đóng từ tháng 10-2011, đến ngày hạ thủy là 27 tháng Chạp năm 2011, tròn 3 tháng. Tuy nhiên, tất cả gỗ, đinh ốc, bù loong...? đều phải chuẩn bị từ trước. Ông Ban tính lại: "Riêng gỗ hết 146 khối, giá 1,6 tỷ; đinh ốc, bù loong hơn 7 tấn chở bằng xe tải từ Sài Gòn ra.
Tàu rộng 7,20m, dài 23,5m cao ngang thân 3,5m, cao đầu mũi 4,2m. Lắp cả giàn câu mực, trông nó lừng lững như tàu chiến”. Đến ngày hạ thủy, chưa lắp hệ thống điện, ICOM, định vị, giàn đèn...? đã hết 3,1 tỷ đồng. Sau Tết Nguyên đán, ông Ban cùng gia đình đầu tư 1,2 tỷ nữa mới hoàn thiện, nổ máy cho tàu xuất bến.
Ông Ban ghi trong sổ xuất hành: tàu mang theo 38 lao động, 1 thuyền trưởng là Trương Công Chinh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình - Quảng Nam) và 1 máy trưởng Nguyễn Văn Sơn - con trai ông Ban. Hành trình của tàu dự định 3 tháng, với hải trình đến tận đảo Luzon (Philippines) và có thể ngược về Hoàng Sa.
Ông Trần Ban là người cầm bánh lái đầu tiên của tàu khủng. |
Chuyến hải trình dài dằng dặc cả đi lẫn về, "đại huynh" ngốn tới 20 tấn dầu (90 phi), 60.000 lít nước ngọt. Khoản lương thực, thực phẩm thuộc dạng vô địch: 2 tấn gạo, 2 tấn gas; 4 tấn thực phẩm gồm thịt, mỳ tôm, nước ngọt, bò húc...; 300 lít dầu ăn, 90 lít xì dầu, gần 400 lít rượu gạo, 6 thùng cà phê...
Tổng cộng, chi phí cho chuyến ra khơi đầu tiên của ĐNa 90567 gần 700 triệu đồng. Tàu còn cõng theo dàn câu mực cùng 35 thúng câu, mỗi chiếc 150kg, 2 tivi, ICOM, giàn đèn, đầu đĩa...?"Tôi đã kiểm tra, giống như một nhà hàng thu nhỏ, không thiếu thứ gì" - ông Ban xoa tay hài lòng.
Làm chủ Hoàng Sa
Để có tiền đóng tàu khủng, gia đình ông Ban đã bán chiếc tàu câu mực ĐNa 90136 công suất 450CV, cũng là một trong những tàu lớn nhất Đà Nẵng với giá 750 triệu.
Tôi mong có một đầu ra thông thoáng cho nghề câu mực. Ở Đà Nẵng, ai đời gần chục tàu câu mực mà chỉ có một tư thương thu mua, các Cty chế biến thủy sản không thèm ngó ngàng. Tư thương này xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, nhiều khi họ ép giá từ 150.000đ/kg xuống còn 70.000đ/kg" - Ông Trần Ban. |
Dù phải vay mượn và may mắn trúng lớn từ mùa câu mực năm 2011, ông Ban cùng anh Mười quyết tâm tạo nên cú đột biến lớn trong cung cách làm ăn: đóng tàu lớn, chấp nhận mạo hiểm để thu về những khoản tiền lớn. Riêng với ông Ban, còn là một giấc mơ làm chủ thực sự ngư trường Hoàng Sa. "Phải có tàu lớn thì dấu ấn ngư dân mình ở các ngư trường mới đậm nét" - ông Ban nói.
Về Đà Nẵng tạo dựng sự nghiệp năm 1975, ông Ban là cán bộ phường. Ngày làm công chức, đêm giong thuyền đánh bắt hải sản gần bờ, giấc mơ về một con tàu đánh bắt xa bờ ám ảnh ngay từ hồi đó. Phải đến năm 1999, trong chủ trương chung về phát triển kinh tế biển, ông Ban mới vay mượn đóng tàu.
Trên tàu có 35 thúng câu, mỗi thúng nặng 150kg. |
Con tàu ĐNa 90136 hồi đó chỉ có công suất 165CV, cũng đã thuộc dạng nổi đình nổi đám, đưa ông cùng anh con trai nuôi Nguyễn Văn Sơn đi lưới vây khắp các ngư trường. Đến năm 2004, ông nâng cấp lên 250CV, chuyển sang câu mực rồi bàn giao hẳn quyền chỉ huy cho anh Sơn.
Tàu ĐNa 90136 cũng là một trong hai con tàu (1 chiếc ở Thọ Quang - Sơn Trà) mạo hiểm ngược chiều gió, đi vào tâm bão và thoát chết ngoạn mục trong cơn bão Chan Chu năm 2006.
Nhớ lại, ông Ban nói, chỉ có cảm giác đặc biệt và kinh nghiệm giời ban mới giúp ông chỉ đạo từ xa, đưa tàu 90136 thoát bão. "Ngay tối đó, nhận được thông tin qua ICOM, tôi đã hình dung ra Chan Chu nó dị thường như thế nào, bảo thằng Sơn phải dùng dầu tẩm vào 2 tấm chăn, quấn vào 2 sáo phơi mực, chắn phía trước tàu độ 15m, đảm bảo sóng đánh vào đó bị hòa tan ngay" - Ông Ban kể.
Quả thật, sau khi anh Sơn thực hiện đúng chỉ dẫn của cha, chặt hết giàn câu mực ném xuống biển, quay đầu chạy lướt qua tâm bão, trực chỉ Quy Nhơn (Bình Định) đã thoát nạn. Sau bão Chan Chu, đội câu mực thiện chiến của Đà Nẵng rơi rụng hết, số bán tàu, số chuyển nghề khiến câu mực xà - thương hiệu làm nên ngư dân Đà Nẵng hoành tráng một thời - chìm vào quên lãng.
Hàng chục tàu rơi rụng, người người bỏ biển lên bờ, ĐNa 90136 của ông là tàu duy nhất ở Sơn Trà trụ lại với câu mực, làm ăn cầm chừng từ đó đến tận hôm nay. Và cuối cùng, trời không phụ lòng người, năm 2011 là một năm đại thành công của nghề câu mực xa bờ.
Riêng tàu 90136 với 3 chuyến biển thu về gần 11 tỷ, trừ phí tổn ra khơi, chia bạn thuyền, chủ tàu thu về được gần 3 tỷ. Anh Nguyễn Văn Mười (chủ tàu) hào hứng chia sẻ: Cả 3 chuyến biển năm 2011 đều trúng đậm, giá mực xà lại cao, lên đến 150 ngàn/kg, anh em ai cũng mừng. Rồi cả gia đình quyết định đóng tàu khủng.
Phạm Văn Xinh - chủ tàu ĐNa 90189, thường được gọi là "anh hùng trong bão Chan Chu" nhìn tàu ĐNa 90567 với ánh mắt thán phục: "Nói thật, tàu tui cũng lớn (450CV), nhưng nhìn thấy tàu ông Ban, cứ phải gọi bằng ông nội. Đó cũng là giấc mơ một đời của tui mà đến giờ vẫn chưa thực hiện được".
Tàu anh Xinh cũng khởi hành trong ngày 20 tháng giêng, trực chỉ Hoàng Sa câu mực. Anh nói: "Giá như bà con đừng bỏ nghề câu mực sớm, đừng nản lòng thì đội tàu thiện chiến Thanh Khê giờ đâu đến nỗi. Việc đóng tàu của ông Ban khiến tui suy nghĩ lại, làm ăn không thể mãi phọt phẹt như bây giờ nữa.
Phải có một cuộc cách mạng thôi". Anh Xinh dự tính, sau chuyến đi 3 tháng ở Hoàng Sa này, sẽ tiếp tục làm đơn vay mượn ngân hàng, đổi mới, nâng công suất tàu, tuyển thêm lao động, tạo ấn tượng đậm nét trong cung cách vươn ra khơi xa. "Chí ít cũng phải bằng tàu ông Ban" - Xinh đầu bạc kết luận.
Ý tưởng này ngay lập tức được Hồ Ngọc Thạnh (chủ tàu ĐNa 90049) hưởng ứng: “Thấy tàu ông Ban mà thèm, ổng già mà còn chơi ngon, mình trẻ như vầy, không thể không làm được”.
Còn ông Ban, đã thôi rồi thời ngang dọc ở Hoàng Sa, giờ ông bận rộn với bàn giấy, với niềm vui ở Hội người cao tuổi phường Mân Thái, nhưng khát vọng của ông gửi gắm qua con tàu công suất gần 1 ngàn mã lực vẫn cho thấy ông mãi mãi thủa đôi mươi: “Ở đâu có mực, ở đó sẽ có sự hiện diện của tàu ĐNa 90567, tôi mơ ước một ngày, chúng ta thực sự làm chủ ngư trường Hoàng Sa, đàng hoàng đánh bắt mà không gặp trở ngại gì. Muốn được như vậy, phải có nhiều, rất nhiều con tàu lớn, hiện đại của ngư dân Việt ở đó".