Trở lại nụ cười Ba Sương

Trở lại nụ cười Ba Sương
TP - Nhiều tin vui lại đến với nữ Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương (Ba Sương), nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho bà lại có những nụ cười thanh thản, hồn hậu.

> Khôi phục sinh hoạt Đảng cho bà Trần Ngọc Sương

Tối 9-2, tôi gặp bà sau khi bà nhận quyết định phục hồi sinh hoạt Đảng. Dáng đi cũng lộ niềm vui. Vẫn tất bật, lưng ong, vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, khi bà ngẩng lên, khuôn mặt phúc hậu nhẹ nhõm nở một nụ cười. Thật khác thời gian dài vừa qua, bà trĩu nặng thảng thốt âu lo, như một nhà thơ đã viết ngoài hiên trát gọi, thân còm chị đi.

Hôm 19-1, Viện KSND TP Cần Thơ triển khai quyết định đình chỉ vụ án (ký ngày 17-1), bà đã cười thanh thản, nói “biết tin từ mấy hôm trước, tôi bỗng khỏe ra, không phải uống thuốc trị bệnh nữa”. Tối 9-2, bà thanh thản hơn nhiều. Ánh mắt vui tươi, cái cười khi nói chuyện thỉnh thoảng chúm chím làm cho bà trẻ lại.

Khi nhận quyết định khôi phục sinh hoạt Đảng, bà đã cảm ơn Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ mới. Bà ngừng lại, hỏi “tôi nhấn mạnh nhiệm kỳ mới, biết vì sao không?” Tôi gật đầu là biết.

Vì nhiệm kỳ cũ muốn bỏ tù bà. Đã hai phiên tòa xử bà 8 năm tù giam. Phiên sơ thẩm của TAND huyện Cờ Đỏ, từ ngày 11 đến 15-8-2009, và phiên phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ ngày 19-11-2009. Những ngày dằng dặc ấy, về Cần Thơ, bà hầu như chỉ biết chia sẻ với một ít nhà báo chúng tôi.

Bởi nhiều người khi đó né tránh bà. Với tôi, mỗi lần bà đến, tôi mở toang cửa, khi tiễn cũng ra tận ngoài đường lớn, mong chia sẻ an ủi bà, dẫu biết rằng sức mình quá nhỏ bé, trước nỗi buồn lo quá lớn của bà.

Ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm. Khoảng 13 giờ 20 phút, tòa tạm nghỉ để nghị án và cho biết, 15 giờ sẽ tuyên án. Bà về nhà người em cách tòa án chừng cây số, vẫn không dám nghỉ mà phải suy tính làm sao để không bị bắt.

Từ lúc mở ra vụ án, bà sợ nhất là bị bắt vào tù nên luôn tìm cách né tránh và đã thành công, nhưng án phúc thẩm tuyên là có hiệu lực thi hành ngay, làm sao tránh được bị bắt? Luật sư Nguyễn Trường Thành đề xuất, khi tuyên án, bà giả ngất xỉu. Bà lắc đầu, mình là Anh hùng không gục ngã như thế được.

Bà trùm khăn kín mặt, đeo kính, để một người em chở bà chạy theo Quốc lộ 91 ngược mạn Trà Nóc, xuống phà sang sông Hậu và lên bờ tỉnh Đồng Tháp rồi kiếm xe chạy về thành phố Hồ Chí Minh. Bà không dám qua phà Cần Thơ đông người (lúc đó còn phà, chưa có cầu Cần Thơ) sợ bị phát hiện.

Chao ôi, hồi nào đi đâu bà cũng được long trọng đón tiếp, nhiều hoa và tiếng vỗ tay, nay phải bí mật bỏ chạy trước đồng chí, đồng đội của mình!

Sau này, tôi biết, bà một mình lủi thủi xuống chiếc phà cũ kỹ, người đã nhỏ còn phải cố thu mình để khuất lấp giữa nhiều người, vượt sông Hậu mênh mông. Chiếc phà cũ kỹ đi mãi rồi cũng qua, lên được bờ, bà nhìn quanh rất nhanh và bước đến một ông xe ôm luống tuổi, nhờ chở đến bến xe cách đó mấy chục cây số.

Từ sáng bà chưa ăn gì, chắc lúc ấy đói và sắc mặt nhợt nhạt lắm nên ông xe ôm luống tuổi giật mình, khi được nhờ đã vội mua cho bà ổ bánh mì và chai nước. Vừa ngồi sau xe ôm, bà vừa gặm ổ bánh mì.

Xe đang chạy thì điện thoại di động của bà đổ chuông, người em cho biết, tòa tuyên y án sơ thẩm nhưng không bắt ai, cho tất cả về nhà. Bà hỏi lại, có thật không bắt ai? Người em khẳng định lần nữa. Bà nói nhỏ với người chạy xe ôm, cho bà quay lại.

Lại xin lược vài mốc thời gian để hiểu thêm nỗi đau khổ đôi lúc đến tuyệt vọng của bà. Ngày 27-5-2010, TANDTC xem xét giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại theo thủ tục chung.

Ba Sương, nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành (ngoài cùng bên trái) và luật sư Nguyễn Trường Thành, dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10-2011 Ảnh: Sáu Nghệ
Ba Sương, nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành (ngoài cùng bên trái) và luật sư Nguyễn Trường Thành, dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10-2011. Ảnh: Sáu Nghệ.

Ngày 21-2-2011, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ có “Bản kết luận điều tra vụ án” tiếp tục đề nghị truy tố tội Lập quỹ trái phép với số tiền nhiều hơn. Ngày 12-8-2011, Ủy ban Trung ương MTTQVN có công văn kiến nghị “đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh lập quỹ trái phép” để “xử lý hành chính và dân sự”.

Nhưng vẫn chưa được xem xét, nên ngày 26-8-2011, bà có đơn kính gửi lãnh đạo thành phố Cần Thơ “thà rằng chết trước khi bị đưa ra xét xử”.

Được chính thức đình chỉ vụ án, bà cười kể, Tết nhẹ cả người. Buổi nhận quyết định khôi phục sinh hoạt Đảng, có mặt Bí thư Đảng ủy Nông trường Sông Hậu Diệp Hữu Minh.

Bà hỏi thẳng ông Minh: “Hồi nào ông là Phó chủ tịch Công đoàn của Nông trường, có thấy tôi lập và điều hành quỹ không, hay là do Công đoàn Nông trường?”. Dĩ nhiên, “quỹ đen” tức là quỹ đời sống nên do Công đoàn xây dựng và quản lý.

Lúc đã đình chỉ vụ án, gần Tết có một tổ chức doanh nghiệp ngỏ ý muốn gặp bà, chúc Tết và giúp đỡ bà. Tôi nói với bà, tức khắc Ba Sương phản đối, bảo không tiếp đại diện của tổ chức đó. Bà giải thích, khi gặp hoạn nạn họ không một lời hỏi thăm mà lẽ ra nên có, thì nay không lý do gì để bà gặp họ, càng không muốn để họ giúp đỡ.

Hồn hậu, thẳng thắn, cương trực và chủ động trong mọi hoàn cảnh, nhiều năm qua, cả những khi khó khăn nhất, chưa bao giờ tôi nghe Ba Sương than thân trách phận, nặng lời xúc phạm người khác. Nên phát biểu của bà khi nhận quyết định khôi phục sinh hoạt Đảng là thực lòng “tôi không làm điều gì bất lợi cho Đảng”. Bà kể, những năm qua, có nhiều phóng viên báo đài trong và ngoài nước phỏng vấn nhưng bà hạn chế trả lời, sợ có lời nói sơ sẩy làm ảnh hưởng uy tín chung.

Một thoáng Ba Sương u buồn khi tôi hỏi, tại sao bà đã nghỉ hưu từ ngày 1-7-2008 mà quyết định còn ghi bà trở lại sinh hoạt “tại Đảng bộ Nông trường Sông Hậu”. Bà kể, trước đây bà đăng ký hộ khẩu tại căn nhà là trạm liên lạc của Nông trường Sông Hậu ở TP Hồ Chí Minh, nhưng cuối năm 2009, Giám đốc mới của Nông trường đã đuổi bà đi, từ đó bà ở đậu mỗi nơi một thời gian ngắn, không ai cho bà nhập hộ khẩu. Nên bà chưa có nơi để chuyển sinh hoạt Đảng khi nghỉ hưu. Căn nhà đuổi bà đi thì bỏ hoang đến nay.

Tôi nhớ đến việc chuyển nhà của bà Ba Sương hồi đó, mà một người bạn của tôi có mặt. Anh này ở một tạp chí nghiên cứu lý luận, biết bà khi bà đã lâm nạn, nhưng cũng như rất nhiều người khác dù mới biết vẫn sẵn sàng giúp đỡ bà, anh cùng vợ kiếm nhà trọ và chuyển đồ đạc cho bà. Anh kể, đồ đạc của bà có giá trị nhất là chiếc va li lớn đã cùng Ba Sương đi nhiều nước trên thế giới. Va li trống rỗng, nhận biết được đã qua nhiều nước vì có tem cảng hàng không dán chi chít, và giá trị cũng chỉ ở dấu vết tem dán ấy, dấu vết của một thời vang bóng.

Nhưng thời không vang bóng mấy năm qua, bà lại được nhiều người làm thơ đề tặng, có người chưa từng gặp. Một trong những bài hay, Về một người anh hùng của Đoàn Xuân Hòa ở Bộ NN-PTNT, làm tháng 12-2010 với lời đề “Kính tặng chị Ba Sương”.

Bài thơ có những câu: Hậu Giang gió nổi bời bời/ Người ta một nắng, chị thời … Ba Sương/ Theo cha đi mở nông trường/ Sáu mươi tóc vẫn còn vương mùi phèn/ Giữa bùn lòng mở cánh sen/ Thương bao phận khó mà quên phận mình/ Không gia cư chẳng gia đình.

Cuối năm 2011, bà kể với tôi, một đơn vị mời bà nói chuyện kinh nghiệm thương trường và trả 10 triệu đồng. “Coi bộ nói chuyện cũng sống được”, bà cười nhưng lập tức ngừng lại “nói vậy chứ tôi không sống bằng cách đó đâu, mà đang bận công việc khác”.

Bà tổ chức chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tối 9-2, bà cho biết, việc tổ chức kinh doanh của bà đang khá. “Cũng phải lo chút vốn để dành khi già yếu, không chồng không con buồn tủi lắm”, giọng Ba Sương chùng xuống.

Sáng 10-2, bà điện thoại cho tôi báo tin, vừa mở được một mối kinh doanh lương thực có triển vọng. Tôi chúc bà thành công. Bà cười, muốn lo cho vài chị em khác nữa chứ cho riêng bản thân thì không khó gì. Tiếng cười của bà hồn hậu, lan trong nắng Xuân.

Cần Thơ ngày 10-2-2012.

Hậu Giang gió nổi bời bời/ Người ta một nắng, chị thời … Ba Sương/ Theo cha đi mở nông trường/ Sáu mươi tóc vẫn còn vương mùi phèn/ Giữa bùn lòng mở cánh sen/ Thương bao phận khó mà quên phận mình/ Không gia cư chẳng gia đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG