'Đại đệ tử' của Anh hùng Hồ Giáo

'Đại đệ tử' của Anh hùng Hồ Giáo
TP - Từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng, Hồ Ngọc Tâm học Cao đẳng ngành Thú y, để rồi ngày ngày cắp nón, ôm cỏ theo làm đệ tử cho Anh hùng chăn trâu Hồ Giáo…

Anh hùng Hồ Giáo và những con trâu quà tặng cuối cùng
> Người đang bình minh

Ai cũng bảo khùng. Với riêng anh, đó là lựa chọn của tình yêu và đam mê. “Khi chọn ngành học này tôi đã nghĩ sau này sẽ theo bác Hai (Tâm là cháu ruột Anh hùng Lao động Hồ Giáo-PV) để nuôi trâu”- Tâm nói.

Cầm tấm bằng kỹ thuật Thú y trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam trong tay, Hồ Ngọc Tâm (SN 1979, trú thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) không chọn bất cứ cơ quan nào mà xin vào làm ở trại trâu Khu Dồn (xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nơi Anh hùng Hồ Giáo đang làm việc để xin cùng chăn trâu. “Thật chẳng ai giống thằng này, chọn nghề gì không chọn lại chọn chăn trâu!”- Anh hùng Hồ Giáo cũng phải bật cười khi nói về đứa cháu.

Nói chuyện với... trâu

Trại trâu Khu Dồn, mới 8 giờ sáng mà nắng như đổ lửa. Tuy đã được người chỉ đường dẫn vào tận trại và chắc chắn “cả ngày nó ở trong trại trâu chứ không ra ngoài”, nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Tâm. Sau nhiều lần gọi, cuối cùng cũng nghe tiếng trả lời “ai đó, ra đây !”. Mò ra phía sau trại trâu, từ xa thấy một thanh niên mặc chiếc áo công nhân màu xanh đã cũ đang lom khom cắt cỏ.

Tâm vác cỏ vào trại. Thấy người lạ, anh bắt chuyện bằng một nụ cười: “Nếu muốn tìm hiểu thì ra đây vừa làm vừa nói chuyện, không thì trưa mất”. Tâm tiếp tục vác cỏ. “Mỗi ngày tôi cắt 250kg cỏ, ngày trước có bác Hai cắt cùng, cũng đỡ. Hai năm nay bác nghỉ hưu chỉ còn một mình tôi làm thôi”.

Hết cắt cỏ, anh lại vào cào phân trâu, tắm trâu, cho trâu ăn, dẫy cỏ, thả dê, tháo nước... Đó là chưa kể những lúc trâu bị bệnh, hay sinh nở. Một mình anh quần quật với đàn trâu Mura và đàn dê. Nhiều lúc buồn quá anh chỉ biết nói chuyện cùng trâu. “Thấy thế thôi, chứ mấy con trâu khôn lắm, tiếp xúc lâu ngày hình như chúng hiểu tôi, nói chuyện gì chúng cũng hiểu cả”- Tâm cười giòn tan.

Tâm ở trong trại trâu cứ như người ẩn dật, đó là nhận xét của rất nhiều người dân sống quanh trại. “Nhiều hôm vào trại chơi nghe tiếng nó đang nói chuyện. Nhưng nhìn chẳng thấy ai, tôi hỏi, nó bảo nói chuyện cùng mấy con trâu”- chú Dũng sống gần trại trâu, kể.

Hằng ngày, Tâm thức dậy từ 5h sáng để vượt 30km vào trại trâu, làm việc đến gần 7h tối mới về nhà, có hôm anh ở lại trại trâu đến hôm sau nên rất ít người gặp được anh. Anh chỉ ra ngoài khi người dân cần giúp đỡ, hay đi chợ nấu cơm trưa.

Có một Hồ Giáo mới

Nhìn qua ngó lại, Tâm đã có 7 năm gắn bó với trại trâu. Vui có, buồn có. Chừng ấy năm đủ cho anh một tình yêu sâu nặng với những con trâu Mura mà bác Phạm Văn Đồng tặng cho nhân dân Quảng Ngãi và được Anh hùng lao động Hồ Giáo tận tình chăm sóc, nhân giống từ ngày nào.

Trâu Mura không thích người lạ. Làm quen được chúng như ngày hôm nay là vô cùng khó khăn: “Lúc đầu mới vào làm quen, tắm rửa cho chúng bị chúng đá, húc ngã ngửa là chuyện thường. Tôi phải thận trọng, tùy vào tính cách của từng con mà vận dụng kỹ thuật khác nhau. Như con Cà Đăm không thích tắm trên lưng, còn con Vạn Tường thì lại rất thích được kỳ cọ vào lưng…”.

“Làm cái nghề này cực lắm. Phải có tình yêu mới được. Tâm có một tình yêu thương với những con trâu này, thật giống như những tình cảm của tôi hồi trước đã giúp tôi cả đời gắn bó với chúng”- Anh hùng Hồ Giáo nhận xét về cậu đệ tử của mình. Chính những tố chất này mà bác Giáo đã giao lại trại trâu cho Tâm sau 6 năm làm cùng nhau, cùng những kinh nghiệm có một không hai.

Mỗi ngày Tâm phải vác 250kg cỏ cho trâu Ảnh: Lê Ninh
Mỗi ngày Tâm phải vác 250kg cỏ cho trâu Ảnh: Lê Ninh.

Do đặc thù công việc nên cả thứ bảy, chủ nhật, Tâm đều quần quật trong trại trâu. Nhiều hôm, trâu ốm hay sắp sinh, Tâm phải trực cả đêm. “Trâu đẻ, Tâm lo hơn vợ đẻ. Ngày vợ sinh đứa con thứ hai, tôi nhớ Tâm còn lo cắt cỏ cho trâu ăn. Sau đó mới chạy xuống viện thăm vợ. Nhưng khi trâu đẻ thì anh ở lại trại canh suốt đêm”- chị Nguyệt - kế toán Trung tâm giống cây trồng của tỉnh, tâm sự.

Còn chị Trương Thị Liên, vợ anh đôi khi bực mình vì chồng lo cho trâu hơn cho gia đình: “Ngày Tết nhất gì ảnh cũng không ở nhà vì sợ trâu đói. Nhiều lúc tui tủi thân vì thấy ảnh yêu … trâu quá !”.

Khổ nhất là vào mùa mưa, trời lạnh cỏ voi lên không kịp để cung cấp thức ăn cho trâu. Tâm phải làm việc không kể thời gian, đôi khi công việc quá nhiều, một mình làm không xuể, Tâm phải bỏ tiền túi ra mướn người dân vào cùng làm để có thức ăn cho trâu. “Ngay chỉ việc tắm trâu, dọn chuồng, mùa nắng thì dễ nhưng mùa mưa lúc nào tôi cũng bị chúng “tắm” phân. Mặt mũi chỉ toàn phân trâu”- Tâm cười.

Vì có kiến thức thú y nên từ việc chích ngừa, đỡ đẻ, khám bệnh định kì, chăm trâu ốm... đều do Tâm đảm nhiệm. Mỗi lần trâu ốm là Tâm phải chạy đua với thời gian để cứu. Cách đây 4 năm, con Núi Tròn bị ốm không đứng dậy nổi, anh và bác Hai thay nhau trực, bóp chân, xoa mình cho nó, vừa lo thuốc. Đến ngày thứ năm vẫn không có tiến triển gì, anh nói với bác Hai còn nước còn tát, đợi qua ngày thứ bảy mà không có tiến triển gì mới báo cho cấp trên. Cả ngày thứ sáu vẫn không có tiến triển gì, hai bác cháu buồn thiu thì sáng thứ bảy bất ngờ con Núi Tròn đứng dậy được. Hai bác cháu ôm nhau mừng hết lớn. Con Núi Tròn tỉnh, tới lượt Tâm ốm gần một tuần.

Đã có nhiều người xin vào làm chung với Tâm trong trại trâu nhưng tất cả đều “đầu hàng” vì không kham nổi công việc. Người ở lại trại trâu lâu nhất được 1 tháng, người sớm thì vài ngày. “Ngay cả mình nhiều lúc cũng “bức xô”, thậm chí có khi muốn trình đơn nghỉ việc, nhưng nhìn những con trâu thì không còn muốn nghỉ nữa”- Tâm thành thật.

“Nhiều lúc đau ốm tôi cho nghỉ một tuần nhưng Tâm chỉ nghỉ vài ngày khi thấy hơi khỏe, lại tiếp tục công việc. Mọi công việc giao Tâm đều hoàn thành rất xuất sắc”- Ông Cao Hối - Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Quảng Ngãi nhận xét.

Bạn của nhà nông

Với những người làm nghề chăn nuôi ở xã, Tâm là chỗ dựa quan trọng. Ai có thắc mắc gì đều tìm đến Tâm. “Con bò nhà tôi bị lở móng chân, ai cũng bảo bị lở mồm long móng, tôi tính bán con bò kiếm ít vốn nhưng chẳng ai mua. May nhờ Tâm giúp đỡ xem khám phát hiện cái nhọt ở chân, rồi cho thuốc và hướng dẫn cách điều trị nên mới cứu được con bò”- cô Nên trú thôn Đại An Tây, xã Hành Thuận kể.

Anh còn là cầu nối giữa người dân với Trung tâm giống cây trồng, anh cung cấp giống cỏ, đứng ra chịu trách nhiệm để người dân mượn con giống về nhà nuôi... nhờ thế nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá giả. “Giờ nhà tôi đã có hai con bò cái giống, kinh tế cũng ổn định hơn trước, tất cả là nhờ Tâm giúp đỡ”- anh Trần Dục trú thôn Phú Định, xã Hành Thuận cho biết.

Những thanh niên mới lập gia đình không có vốn. Tâm tìm cách giúp đỡ. Người thì anh giúp con giống, người thì anh hướng dẫn cách chăn nuôi, cung cấp cây trồng khi nào thu hoạch mới trả tiền giống cho trung tâm. “Ai chứ Tâm tôi hỏi cái gì cũng nói. Cũng lạ vì thời buổi này người ta giấu nghề kỹ lắm”- anh Cơ trú thôn Đại An Đông nói.

'Đại đệ tử' của Anh hùng Hồ Giáo ảnh 2
Chăn trâu đến hết đời

“Tôi đã hứa sẽ thay bác Hai chăm sóc đàn trâu cho đến khi nào không làm nổi nữa thì sẽ nghỉ. Có lẽ tôi sinh ra để chăm sóc đàn trâu này” - Hồ Ngọc Tâm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG