Tây 'mắm' hiệp nghĩa

Tây 'mắm' hiệp nghĩa
TP - Không ghiền ăn mắm, không làm mắm, cũng chẳng gầy như mắm... vậy mà cái dị danh Tây “mắm” cứ được gán cho lão. Lão già tên Tây cả đời neo ngụ bên biển Hải Bình, Thuận An (TT- Huế), nổi tiếng về cứu hộ người đuối nước và chăm sóc mộ phần những người không quen biết mà lão đã vớt xác lên.

Cả đời hiệp nghĩa

Đã năm sáu dạo về vùng Hải Bình nhưng tôi chưa khi nào chạm được mặt lão. Lúc thì nghe lão đang giúp cất bốc hài cốt ở tận Khánh Hòa, hôm khác người nhà bảo Tây “mắm” bận đi tìm manh mối gia đình của một nấm cô mộ. Bữa lại nghe lão ở ngoài biển giúp lặn tìm xác chết của ai đó. Ngặt nỗi lão không dùng điện thoại...

Lần này thì tôi chộp được lão khi đang ngồi nhà thái chuối nuôi dê. Lão chả có nét gì đặc biệt, không mập cũng chẳng gầy, vẻ mặt hơi tếu táo và dường như chả biết buồn là gì. Người bình thường vậy thôi, nhưng khi vừa qua cầu Diên Trường trên Quốc lộ 49B cách nhà lão chừng 3-4 cây số, hỏi Tây “xác chết” hay Tây “mắm nêm” ở góc nào thì ai cũng biết. Ngay mấy anh công an cũng rất rõ về lão.

Thấy tôi cứ lăn tăn chuyện dị danh Tây “mắm” dẫu biết lão chả ghiền mắm, nhà không làm mắm, buôn mắm, người chẳng gầy như mắm, lão cười xòa: “Đơn giản lắm, nhưng giải thích với chú em thì hơi lâu lắc, có khi phải lội ngược quá khứ đến mấy chục năm để chắp nối chuyện mắm muối đấy”...

Tây “mắm” tên họ đầy đủ là Lê Hữu Tây tuổi năm nay xấp xỉ 60, hơn 2/3 quãng đời lão luôn gắn với sóng gió biển cả. Nếu chuyện chỉ có thế thì lão Tây cũng thường thôi, như nhiều ngư dân khác từ bao đời nay: mưu sinh, sống chết bên biển. Nhưng lão khác người ta ở chỗ là thường xuyên đụng phải xác chết ở biển, rồi tự tay đưa về chôn cất, thờ cúng như một sự run rủi linh ứng.

Lão gặp xác chết trên biển thì đã nhiều, nhưng cái lần tình cờ đụng phải 3 thi thể tấp vô bãi Thuận An 25 năm trước khiến lão khó quên nhất. Chính tay lão vác cả 3 xác thối vào bờ, tự tay khâm liệm, chôn cất. Rồi cũng một mình lão đào cả 3 xác lên chỉ sau 3 ngày chôn để người nhà từ Hải Phòng vào nhận mặt và chuyển từ nghĩa địa làng sang nghĩa trang xã mai táng. Cái ngày đó trúng vào mùa mưa, biển chuyển gió ầm ĩ.

Đang lỉnh kỉnh chuyển ngư cụ xuống thuyền, lão phát hiện một xác người cao lớn trương phình dạt vào bờ. Thôi thì chuyện cá mú để hôm khác, bỏ việc một lần cũng chả chết ai, lão nghĩ vậy và kéo cái xác lên bờ chôn cất.

Khuya hôm đó, biển nổi sóng dữ dội, may mà lão hoãn chuyến ra khơi để lo chôn người chết xa lạ, nếu không, chưa biết chuyện gì đã xảy ra với lão. Có lẽ nhờ lòng tốt đó mà lão thoát chết. Sáng ra, thêm hai xác chết khác tấp vào bờ biển Thuận An, với đồng phục hệt xác chết đêm trước. Cũng là lão Tây phát hiện và chôn cất họ.

Ba ngày sau, có một nhóm người ăn vận nom như cán bộ tìm đến nhà lão hỏi về 3 xác chết. Lão và vợ lo xanh mặt, chắc phen này gặp phiền phức to, không khéo họ nghi mình liên quan đến cái chết của 3 người đó nên đến điều tra, rõ là làm phúc phải tội. Lão thở phào nhẹ nhõm khi được biết họ là thân nhân và cán bộ thuộc đơn vị của 3 người chết đó, từ Hải Phòng tìm vào Thuận An để nhận xác, vụ chìm tàu chết người do gió bão cũng đã được xác định.

Họ nhờ lão Tây bới mộ 3 người mới chôn lên để nhận mặt và đưa đi mai táng ở khu nghĩa địa khác trong xã, phòng sau này mưa gió thất lạc. Họ đã nhờ nhiều người nhưng không ai chịu giúp vì kinh sợ tử thi mới chôn, và đặc biệt là cái mùi tử khí nồng nặc kia. Lão gật ngay, không cần ra điều kiện. Sau này xong việc người ta trả ơn, lão gạt phắt. Mấy năm sau, những người ở Hải Phòng lại tìm gặp lão Tây nhờ cất bốc hài cốt di ra Bắc cải táng.

Lần khác, đang phờ người nằm nghỉ sau chuyến đi biển, có người đến báo dưới cầu Thuận An xuất hiện một xác chết đàn ông không rõ lai lịch. Chẳng kịp choàng áo, lão phi xe đạp ra phía đầm phá. Lão đưa xác lên bờ, công an làm xong thủ tục khám nghiệm lại nhờ lão chuyển ra nghĩa trang xã mai táng.

Lúc này, lai lịch người đàn ông bị chết được xác định là ở Quảng Trị, vào Huế điều trị bệnh hiểm nghèo nhưng không khỏi nên buồn đời tìm về Thuận An nhảy cầu tự vẫn. Nghe nói đến bệnh tật, truyền nhiễm, đám đông hiếu kỳ đến xem xác chết tản sạch, chỉ còn lão và những người có trách nhiệm đứng ra lo hậu sự.

Hai năm rưỡi sau, cũng nhờ lão động viên giúp đỡ, người nhà của nạn nhân từ Quảng Trị đã tìm vào nhờ lão cất bốc đưa hài cốt về quê. Mùa đông năm ngoái, trong lúc gò lưng băm chuối trái làm thức ăn cho dê, lão nghe báo có một xác người tấp vô gần nhà (nhà lão Tây ở cạnh biển).

Mặc cho đàn dê đói đang náo loạn trước sân, lão Tây chạy phăm ra kiểm tra, rồi mượn máy điện thoại gọi công an. Thủ tục pháp y pháp lý xong đâu vào đấy, lão cùng cơ quan chức năng, bà con lối xóm hảo tâm lo hậu sự.

Mới đây, lão bỏ thêm 3,5 triệu đồng xây một vành mộ bê tông cho nạn nhân xấu số này, lấy rằm tháng 10 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ. Lão làm việc nghĩa xoành xoạch là vậy, nhưng gia cảnh đâu có khá khẩm gì. Vợ không có nghề nghiệp ổn định, chỉ chuyên lo nội trợ. Mọi chi phí sinh hoạt gia đình, con cái học hành, do một mình lão cáng đáng, hết làm cá lại đến chăn dê, phụ hồ, gánh cát thuê...

Anh Phạm Hoàng Gia (người Thuận An) khi cùng tôi về thăm lão Tây sực nhớ: “Lão không chỉ tự bỏ tiền mai táng, lo quan tài, xây mộ, thờ cúng những người xấu số”. Có lần phát hiện mộ một phụ nữ chôn bên biển lâu năm bị sóng lớn đánh chìm ngập, lão gồng mình giữa nước dữ để cứu thi hài khỏi bị cuốn đi mất.

Sau đó, lão dời hài cốt về gần nhà, xây mộ bê tông và thường niên cúng giỗ. Thấy những ngôi mộ nào vô chủ được chôn cất từ trước ngày giải phóng, nay có nguy cơ bị biển xâm thực, lão bèn bàn với chi hội người cao tuổi thôn tìm cách di dời đến nơi an toàn, chu đáo lo chuyện hương khói và liên hệ người thân đến nhận mộ. Lão cũng nhiều lần cứu những người tắm biển bất cẩn hoặc buồn đời gieo mình tìm cái chết.

Nhờ có Tây “mắm” và những tấm lòng tốt ở thôn Hải Bình, nhiều ngôi mộ vẫn vô danh quanh năm ấm áp khói hương Ảnh: Ngọc Văn
Nhờ có Tây “mắm” và những tấm lòng tốt ở thôn Hải Bình, nhiều ngôi mộ vẫn vô danh quanh năm ấm áp khói hương Ảnh: Ngọc Văn.

Bôi mắm... lên mũi

Vợ lão, bà Huỳnh Thị Lái kể: “Có lâu lắc chi mô, vài tháng trước có nhóm sinh viên về Thuận An tắm biển bị đuối nước suýt chết. Ông nhà tui cùng với anh Phương hàng xóm cứu được họ vô bờ, có một cậu uống no nước, bất tỉnh, tưởng đã chết. Ông Tây sơ cứu, hô hấp nhân tạo một lúc thì cậu này tỉnh lại, hỏi ra mới biết là sinh viên người Quảng Trị, đang học tại Huế. Nhóm người này sau khi được cứu không hề quay lại cảm ơn. Mà tính ông nhà tui xưa nay không đặt nặng chuyện đền đáp. Gặp là cứu, xong là ổng quên luôn”.

Cũng có người sau khi được cứu đã xem lão Tây như cha, như trường hợp cô T. nhà ở Dương Nỗ (Phú Vang). “Một lần về Thuận An xem bói toán, nghe thầy phán đường đời đen đủi sao đó, cô gái gieo người xuống nước rồi bị sóng đánh trôi ra biển. Đang bủa câu ngoài xa nghe trong bờ chộn rộn có người tự tử, ông Tây vứt lại ngư lưới, cho thuyền nhắm hướng người đuối nước để cứu nguy. Rứa là cô gái thoát chết, nhưng lần đó ông Tây mất hết mấy cuộn câu bủa vì mải lo cứu người, làm phúc là khổ rứa đó. Nhưng rứa chưa mệt bằng việc bị mang điều tiếng xấu” - bà Lái than thở.

Một dạo có người từ nơi khác đến kiếm mộ kết hợp cảm ơn xóm làng và lão Tây đã bao năm hương khói, gìn giữ mồ mả. Vậy là có người mạo nhận lão Tây đứng ra ẵm tiền cám ơn của gia đình người chết. Lão Tây bị nghi ngờ, vu vạ đổi xương cốt để lấy tiền. Mãi sau này lão mới rửa được tiếng oan...

Ngồi nghe vô số chuyện nghĩa hiệp của lão Tây, tôi chả thấy đề cập chữ “mắm” nên đâm ra sốt ruột. Thấy khách nhấp nhổm, lão nhìn xoáy tôi rồi cười xòa: “Ừ, thì mắm. Chừ thì tui kể cho chú mi nghe đây”. Hóa ra những lần đụng phải xác chết đã trương phình, phân hủy, xóm làng không ai chịu nổi. Ngay cả khi ngành y tế hỗ trợ khẩu trang đặc chủng tẩm nước hoa chống thối, nhưng cứ đến gần tử thi là lão nôn ọe xối xả. Hết cách, lão định bỏ cuộc, nhưng không đành.

Lão bỗng nảy ra một sáng kiến kỳ quặc, réo vợ về nhà lấy chai mắm nêm ăn dở. Lão quệt mắm nêm vào hai lỗ mũi, tẩm đầy khẩu trang, xoa khắp người rồi tiếp cận xác thối như không có chuyện gì xảy ra. Có lần lão vác xác chết thối lên bờ, ba ngày sau mình mẩy vẫn còn bị ám mùi.

Vợ con không chịu thấu phải lánh sang hàng xóm. Lão chợt nhớ công dụng chai mắm nêm. Sau này, người làng cứ hễ thấy lão rời nhà với chai mắm nêm đeo bên người là biết lão sắp có “công vụ”. Dị danh Tây “mắm” cũng ra đời từ đó...

Tháng rồi, đang ở Huế thì bỗng có điện thoại của anh bạn từ Thuận An gọi lên: “Mau về Thuận An mà làm tin, một xác chết tấp vô bờ, đầu và tay chân mất hết. Pháp y đã khám nghiệm xong, chuẩn bị nhờ lão Tây đem đi chôn cất”. Lại là lão Tây “mắm” !

Những lần đụng phải xác chết đã trương phình, phân hủy, xóm làng không ai chịu nổi. Ngay cả khi ngành y tế hỗ trợ khẩu trang đặc chủng tẩm nước hoa chống thối, nhưng cứ đến gần tử thi là lão nôn ọe xối xả. Hết cách, lão định bỏ cuộc, nhưng không đành. Lão bỗng nảy ra một sáng kiến kỳ quặc, réo vợ về nhà lấy chai mắm nêm ăn dở bôi lên mũi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.