Phu đá

Phu đá
TP - Đu mình lên đỉnh núi khoan đá, nổ mìn, cặm cụi gánh đá dưới chân lèn, kiếm dăm bảy chục ngàn đồng mỗi ngày. Tai họa lơ lửng trên đầu phu đá.

>> Sập mỏ đá, hơn 20 người thương vong
>> Hiểm họa lơ lửng tại các mỏ đá

Trở lại lèn Cờ

Tôi trở lại Nam Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) sau hơn một tuần xảy ra vụ tai nạn sập núi lèn Cờ làm 18 công nhân thiệt mạng. Con đường dẫn vào mỏ đá đìu hiu. UBND tỉnh Nghệ An vừa ký quyết định đóng cửa mỏ đá, toàn bộ khu vực lèn Cờ bị “niêm phong”. Cách chân lèn khoảng 50m, huyện Yên Thành cho xe cơ giới đào thành hào sâu đề phòng các “nậu đá” quanh vùng cho quân vào khai thác trộm. Hàng chục máy xay đá, nghiền đá và công nông đầu ngang được lệnh di tản ra khỏi khu vực lèn Cờ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Thấp thoáng vài vành khăn trắng cuối đường quê, trên những chiếc xe đạp cà tàng và bóng người lặng lẽ mất hút sau khóm tre xanh. Chấm dứt cảnh khai thác đá ầm ĩ tại lèn Cờ, xóm Hợp Thành, xóm Đăng Lưu của Nam Thành được trả lại không khí bình yên. “Trước đây, khoảng 9h sáng là giờ cao điểm, xe chở đá vào ra tấp nập, bụi tung mù mịt. Cuộc sống quanh chân lèn hết sức ngột ngạt”, một lão nông cho biết. Nông dân Nam Thành trở về với công việc đã gắn bó với họ: Cái cày. Con trâu. Đồng sâu. Ruộng cạn.

Trong khu vườn với những luống khoai vừa mới vun lên thoảng nhẹ mùi bùn đất, anh Trần Đình Hải (xóm Hợp Thành) cùng vợ Đặng Thị Hường cặm cụi làm việc, cô con gái 4 tuổi lon ton theo mẹ. Anh Hải là công nhân ở lèn Cờ lâu năm, một tay khoan đá cự phách, nhưng đã có lần chết hụt vì trượt chân trên sườn núi. “Tôi đang khoan mũi cuối cùng để nhồi thuốc nổ lấy đá thì vướng phải dây điện, loay hoay trở mình, bị trượt chân và rơi xuống!”, Hải kể. Cú rơi từ độ cao 35m lưng chừng núi, phía dưới lởm chởm đá dăm sẽ khiến anh tan xác nếu hôm đó Hải không có dây bảo hiểm đeo vào thắt lưng.

Thiết bị khai thác, vận chuyển đá tại lèn Cờ biến dạng sau khi bị đá đè
Thiết bị khai thác, vận chuyển đá tại lèn Cờ biến dạng sau khi bị đá đè.

“Nghề khai thác đá nguy hiểm lắm! Chết lúc nào không biết! Tai nạn què tay, gãy chân thường xuyên!”, Hải tiếp chuyện. Buổi sáng thảm khốc dưới chân lèn Cờ, Trần Đình Hải khoan đá cách đó vài chục mét, khu vực anh làm đá không đổ, một lần nữa anh thoát hiểm. Nhiều công nhân suýt bị đá đè đã ôm mặt khóc, quay lại vái lèn Cờ, thề không bao giờ dám động đến sơn thần, thổ địa.

Hải lặng lẽ kéo máy về nhà, tìm mối bán tống bán tháo số máy móc làm đá mà hai vợ chồng dành dụm mãi mới mua được. Tại Nam Thành, hàng chục máy nghiền, máy xay đang chờ thanh lý. Nghe tin, dân làm mỏ tại các huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu kéo đến mua với giá rẻ.

Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong Nam ngoài Bắc hành trình về Nam Thành chia sẻ với gia đình 18 công nhân tử nạn. Chiều 11-4, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Tiến Lợi cho biết Ban Tiếp nhận cứu trợ vụ sập núi đã nhận được trên 2 tỷ đồng. Có hôm, huyện đón tiếp trên 35 đoàn cứu trợ…

Nhọc nhằn Phu đá

Nghề nhặt đá, bốc vác, nghiền đá tại lèn (núi) thu hút hàng nghìn lao động tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương. Nhưng việc khai thác đá bừa bãi, ồ ạt, không tuân thủ qui trình kỹ thuật của một số chủ doanh nghiệp đã để lại những tai nạn đau lòng. Sau bóng núi cao chót vót chập chững bước chân trẻ mồ côi. Phu đá thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người lại quần quật làm lụng dưới chân lèn, giữa tiếng máy nổ inh tai nhức óc và trên đầu, đá núi treo lơ lửng.

Công nhân mỏ đá cheo leo trên đỉnh núi cắt ngọn, hạ độ cao
Công nhân mỏ đá cheo leo trên đỉnh núi cắt ngọn, hạ độ cao .

Chị Trần Thị Hoa (đội 3, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) có chồng đi làm thuê ở xa, chị một mình vừa làm ruộng vừa làm phu đá nuôi ba con nhỏ. “Năm miệng ăn, ba sào ruộng mỗi mùa chỉ gặt được 6 tạ lúa có khi chẳng đủ ăn, không hiểu xóm bình xét kiểu gì mà vợ chồng tôi không có tên trong danh sách hộ nghèo. Mấy lần tôi ra đội xin, không được!”, chị Hoa phàn nàn.

Con trai đầu lòng học lớp 12, cậu thứ thi không đậu vào lớp 10 bèn khăn gói đi làm thuê, chị Hoa đánh vật với từng bữa cơm. Sức yếu, chị vẫn lò dò bước ra mỏ đá đầu làng xin làm bốc vác, làm thợ xay đá. Tháng rồi, trời se lạnh, đường trơn vì mưa, chị trượt chân té ngã. Cú ngã trời giáng dưới chân núi khiến chị bị gãy xương đùi. Đi viện.

Thuốc thang hết mấy triệu đồng nhưng tiền mất tật mang, chị Hoa về nhà. Cô con gái út mới tí tuổi đầu phải quán xuyến việc nặng trong gia đình thay mẹ. Vết thương chưa khỏi, chị nằm liệt một chỗ. Xóm Hồng Kỳ bên cạnh, hầu như nhà nào cũng có người đi làm phu đá! Bà Nguyễn Thị Nhàn (55 tuổi, xóm Hồng Kỳ) chỉ vào cái chân đau: “Bữa trước đi xay đá dưới chân lèn, nhìn lên sườn núi chộ (thấy) đá lăn ầm ầm, tui hốt hoảng bỏ chạy. Mới được dăm bước chân, ngón cái va phải hòn đá to tướng, tui ngã sấp xuống!”. Thoát chết, nhưng bà Nhàn bị bong gân, nằm nhà mất tuần lễ.

“Có những khối đá không đổ xuống lúc mìn nổ, vài ngày sau, lúc hàng trăm công nhân mỏ đá đang mải mê làm việc, chúng mới trút xuống. Tai họa khôn lường”.

Phu đá rời nhà, đến chân lèn lúc trời mờ sương và hầu như chẳng mấy ai có đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động. Hôm nắng nóng, họ đội nón thay mũ bảo hiểm, chỉ một viên đá nhỏ văng trúng đầu cũng có thể tử nạn. Các chủ mỏ sau khi được cấp phép, ký hợp đồng bán lại cho các bến, là các cá nhân khai thác đá vệ tinh. Lèn nhỏ, dăm bảy bến. Lèn to, vài chục bến.

Các chủ bến thuê công nhân khoan đá, nổ mìn, thuê người xay, nghiền đá và bán cho các xe công nông chở đi các xã làm vật liệu xây dựng. Chủ mỏ dựng sào chắn ngang đường dẫn vào lèn đá, thu tiền mỏ phí. Xe công nông loại nhỏ, thu 70.000 đồng. Xe tải chở đá, thu 110.000 đồng.

“Trừ tiền mỏ phí, tiền thuê công nhân, tiền mua thuốc nổ, lời lãi chả bao nhiêu!”, ông Hòa, một chủ bến tại xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) tâm sự. Dưới chân lèn, các bến nằm san sát, hàng chục máy nghiền đá, máy xay đá thi nhau nhả khói. Tiếng nổ ầm ầm vách núi, bụi tung mù mịt. “Làm phu đá, nếu không dính tai nạn đá rơi, lèn sập, về lâu dài cũng sinh bệnh vì bụi đá và khí thải. Có người suốt ngày đứng bên máy xay, lâu dần bị chứng nghễnh ngãng!”, một công nhân Đồng Thành nói. Trời đổ mưa lớn dài ngày, mỏ đá im lìm.

Mỗi xe đá chia ba phần, các bến lấy hai phần, một phần còn lại công nhân tự chia nhau. Cặm cụi từ sáng đến tối mịt, mỗi người kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng. Cảm thấy nghề phu đá không đầy rẫy tai nạn và nhất là từ khi xảy ra vụ sập núi lèn Cờ, khiếp sợ, anh Nguyễn Văn Sam (xóm Hồng Kỳ) tính chuyện “giải nghệ”. Túc tắc vài ba sào ruộng, và đi làm thợ nề. Thợ nề cũng cơ cực nắng mưa, nhưng an toàn hơn nghề bốc vác đá hay nghiền đá dưới chân lèn.

Trước lèn Cờ, ở Yên Thành từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do đá rơi khiến công nhân thương vong. Người dân Đồng Thành cho biết, năm 2010, chị Thú (trú tại xóm 3) lấy chồng ở xã Phúc Thành, chồng bỏ, ôm con về quê làm công nhân mỏ đá. Cách đây ba tháng, một vụ lở núi khiến chị Thú thiệt mạng. Chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1981, quê ở Đồng Thành) bị đá lăn trúng người, trọng thương. Ông Vũ Văn Vân cách nhà chị Thắm không xa, trong một lần đi nhặt đá, gặp núi lở, tảng đá lớn nghiền nát một phần dưới cơ thể khiến ông Vân bại liệt.

Tại một số lèn ở huyện Yên Thành, doanh nghiệp đang cho công nhân cắt ngọn phòng tránh nguy cơ lở núi, đá sập. Sáng 11-4, chúng tôi có mặt tại xã Đồng Thành, chứng kiến cảnh gần chục người thợ đu mình trên dây bảo hiểm, đứng cheo leo trên đỉnh, bám vách đá men theo đường mòn lên cắt ngọn núi, ai nấy sởn da gà. Công việc lưng chừng trời không dành cho những người yếu tim, sợ độ cao. “Công nhân di tản ra khỏi khu vực mỏ đá, thợ mới được phép nổ mìn”, một chủ bến tại Đồng Thành cho biết, “Thế nhưng, có những khối đá không đổ xuống lúc mìn nổ ngày sau, lúc hàng trăm công nhân mỏ đá đang mải mê làm việc chúng mới trút xuống. Tai họa khôn lường”.

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng: “Hôm qua anh là nông dân, bữa nay là giám đốc, là chủ mỏ đá, thiếu trình độ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn. Thảm họa lèn Cờ là ví dụ điển hình!”. Ông Lợi cho biết cấp huyện chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Chấn chỉnh hoạt động khai thác đá, UBND tỉnh ký quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường và Sở Lao động phối hợp với UBND các huyện, xã kiểm tra, rà soát các mỏ đá trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.