Vui làng Việt cổ nơi đất Tổ

Hội đền Hùng
Hội đền Hùng
TP - Không chỉ phô diễn những màn rước kiệu cổ, hát xoan múa ghẹo làm say đắm hàng triệu lượt khách về với Đền Hùng, những làng Việt cổ trải rộng khắp vùng không gian tâm linh nhìn từ núi Nghĩa Lĩnh còn mang đến dịp lễ hội lớn nhất cả nước nhiều sản vật và hoạt động văn hoá gắn nét xa xưa nổi tiếng của vùng Đất Tổ.

> Tổng Bí thư tiếp đoàn đại biểu kiều bào về dự Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Hội đền Hùng
Hội đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh.

Từ rước kiệu Hy Cương, hát xoan Kim Đức…

Đám rước kiệu trang trọng của người dân xã Hy Cương nằm ngay chân núi Hùng theo phong tục “con trưởng tạo lệ” hằng năm có tới hơn 1.000 người tham gia. Từ sớm tinh mơ, xuất phát từ đình thôn Cổ Tích dòng người trong sắc phục truyền thống đi theo hàng nghi lễ nghiêm cẩn với cờ quạt, trống, mõ và 20 thanh niên trẻ khỏe ghé vai vác kiệu lên Đền.

Hoà cùng thời khắc, tại nhiều làng, xã có kiệu cổ như Hùng Lô (cách Đền Hùng 10km), Thuỵ Vân…, những chiếc kiệu sơn son thiếp vàng cùng đoàn người từ các cụ già đến thanh niên trẻ, cũng hành lễ trống kèn rộn rã rước kiệu về Đền Hùng.

Nổi tiếng với làn điệu dân ca xoan mang đậm nét văn hóa vùng đất Tổ, làng Kim Đức - nơi còn bảo lưu nhiều làn điệu xoan cổ, cũng không thể thiếu một sân khấu diễn xướng ngay tại chân cổng Đền và các nghệ nhân của làng trình diễn suốt những ngày lễ hội. Nếu có thời gian, du khách có thể tạt về làng Kim Đức chỉ cách Đền Hùng vài cây số để một lần biết đến đình Hội, đình Thét, miếu Lãi Lèn, nơi gốc tích những làn xoan cổ...

Cách Đền Hùng theo đường bộ khoảng 7km về phía Tây Nam Đền Hùng là xã Thanh Đình, vùng đất nằm trong trung tâm bộ Văn Lang xưa. Thanh Đình xưa có đình Mai Đình và đình Thanh Mai nhưng theo thời gian đã bị mai một, hiện nay đã được xây dựng lại một đình gọi chung là đình Thanh Đình.

Là vùng quê phát hiện được nhiều địa điểm khảo cổ học thời đại Hùng Vương, có những địa điểm nổi bật như Gò De và còn bảo lưu những tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ lúa, thờ phồn thực nông nghiệp và nhân thần có công với nước với các lễ hội như “lễ rước giải”, rước “ông khiu bà khiu”, “lễ tế thánh”, lễ “hú cờ”...

Lễ hội làng He (lễ rước chúa gái về nhà chồng) là lễ hội diễn ra tại làng Vi xưa thuộc xã Chu Hóa và làng Trẹo thuộc xã Hy Cương, nay hai làng này thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao.

Theo lệ xưa, cứ đến 25 tháng chạp hai làng Vi, Trẹo lại cùng nhau họp bàn làm lễ hội “rước chúa gái”. Lễ hội rước chúa gái diễn ra từ 25 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng với nhiều trò diễn của hai làng và nhiều người tham gia với nhiều nghi thức độc đáo.

Một lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp tại xã Hy Cương đó là lễ Hạ Điền. Được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tục lệ của làng vào ngày này, trai làng từ 12 tuổi trở lên đến 49 tuổi đều phải làm cỗ (mặn hoặc ngọt) để dâng cúng Thành Hoàng Làng và vua tổ Thần Nông. Riêng trai làng vừa đủ 12 tuổi phải làm cả lễ mặn và ngọt để trình làng.

…Đến ủ ấm Sơn Vi, hương trầm kẻ Dữu

Gian hàng trưng bày những sản vật truyền thống của những làng Việt vùng Đất Tổ ngay ngày khai mạc sáng qua (7-3 âm lịch) đã thu hút hàng ngàn lượt khách. Tại đây du khách có thể xem, mua ủ ấm Sơn Vi, chè Chùa Ta, nón làng Rền, mây tre đan Thanh Ba, tương Dục Mỹ…

Theo anh Nguyễn Duy Hảo, trưởng làng nghề thủ công mỹ nghệ ủ ấm Sơn Vi, làng anh hiện có hơn 20 gia đình vẫn sống bằng nghề sản cut ủ ấm - cái nghề mà đã có tuổi trên cả trăm năm, với thu lợi trung bình một hộ đạt khoảng 80 triệu đồng/năm.

Nhiều quán hàng xén trên đường vào lễ Giỗ Tổ có bán hương Trầm kẻ Dữu (còn gọi Kẻ Trằm- tên tục cũ của người vùng Dữu Lâu, TP Việt Trì) - vùng đất ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của vùng Đất Tổ, nơi hợp lưu của ba con sông lớn đổ về Việt Trì.

Trong vùng truyền thuyết kinh đô Văn Lang - Việt Trì, vùng đất Hương Trầm được tương truyền là vùng trồng lúa nếp thơm nổi tiếng thời Hùng Vương, cung cấp cho vua, các lạc hầu, lạc tướng, các mệ nàng và nhân dân trong vùng thổi xôi làm bánh chưng, bánh dày, đặc biệt trong các dịp tế lễ thần linh.

Thời xa xưa làng Hương Trầm có rất nhiều lúa nếp cái hoa vàng rất dẻo, thơm chuyên dùng làm bánh dâng vua. Cách đây gần chục năm, với mong muốn khôi phục lại nét truyền thống quý báu của quê hương đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, bà con Hương Trầm quyết tâm khôi phục lại truyền thống gói bánh chưng dâng vua vào ngày Giỗ Tổ.

Cứ đến dịp giỗ Tổ, đội gói, nấu bánh chưng của làng rất háo hức dự, thi tài và nhiều năm liền giành được giải cao. Đặc biệt, năm 2010 vừa qua, đội đã đạt giải Nhất tại hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng…

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Thọ, dự tính trong 10 ngày lễ hội sẽ có khoảng 3-4 triệu lượt khách.

Ngày 11-3 (âm lịch) tại Phú Thọ sẽ có Hội thảo quốc gia về tín ngưỡng văn hoá thờ Hùng Vương với sự tham gia của hàng chục nhà khoa học - một bước đệm quan trọng để Phú Thọ tiếp tục gửi hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận tín ngưỡng này như một di sản văn hoá đặc sắc của Đất Tổ. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG