Thăm lại đền Ngọc Sơn

Giây phút cụ Vũ Đình Hòe suy tư bên đền Ngọc
Giây phút cụ Vũ Đình Hòe suy tư bên đền Ngọc
TP - Lời tòa soạn: Cụ Vũ Đình Hòe là một trí thức lớn của đất nước, từng giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ. Ngày 29-1, cụ từ trần tại bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hưởng thọ 100 tuổi. Tiền Phong xin giới thiệu bài viết gần đây nhất của cụ "Thăm lại đền Ngọc Sơn" (viết cuối Thu 2008).
Giây phút cụ Vũ Đình Hòe suy tư bên đền Ngọc
Giây phút cụ Vũ Đình Hòe suy tư bên đền Ngọc.

Trước hết tôi thành thực cám ơn ông Giám đốc Sở Văn hóa, Tiến sĩ Long và ông Trưởng ban Quản lý di tích, Tiến sĩ Tuân đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được thăm lại, di tích cổ kính này, đang được Sở văn hóa tôn tạo, tô điểm thêm cho kịp lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long. Đã 7 năm nay tôi không có dịp thăm lại nơi đây, thì thấy: Quả thật đền Ngọc có nhiều cái mới!

Thời điểm đến thăm đã muộn, sát bữa cơm trưa mà khách nước ngoài, nam nữ, quần gọn áo chẽn, vai đeo ống ảnh quay phim hiện đại. Không ai mang theo vàng hương, kể cả người mình. Tịnh không có mùi trầm, không có khói đốt đồ giấy, tiền như xưa. Gặp một đoàn những vị sư, áo quần màu vàng rực, có lẽ thuộc một chi hội Phật giáo của một địa phương nào đó, dáng mặt các vị rất vui, tự nhiên như mọi du khách khác…

Vừa qua ngưỡng cửa đền đã thấy hai bên sân hẹp là mấy bàn nhỏ bày bán ảnh chụp và lưu niệm sơ sài. Nổi bật là một gian phòng rộng lộng lẫy, đầy ắp những thứ hàng ấy choáng lộn màu sắc, hình dáng, với những cô bán hàng trẻ trung, lịch sự đeo băng và huy hiệu nhà nước. Gian phòng sáng trưng đèn điện lại sát vách với những gian thờ Phật Thánh.

Tôi bồi hồi xúc động … Nhận ra nơi đây vốn là "Giảng đàn" của các cụ Hội Thiện xưa. Tôi nhớ lại cách đây đến bảy, tám mươi năm, những đêm Sóc, Vọng, những ngày kỵ các đức Thánh hiền, hoặc những ngày lễ hội dân gian, bố tôi thường dắt tôi đến đây nghe giảng kinh.

Đứng đầu Ban giảng kinh là một cụ Nho sĩ đạo mạo, hình như cũng chân Nhất, Nhị trường như bố tôi - Vũ Bội Hoàn. Hai cụ không những thuộc lòng kinh kệ, mà còn lầu kinh sử, lại nắm được kho cổ tích nước ta, nước Tàu, nên khéo xen vào lời giảng kinh những mẩu chuyện cổ, minh họa ly kỳ, hấp dẫn được người nghe thích thú, đến nửa đêm rồi mà không ai buồn ngủ…

Hai cụ xoắn xuýt nhau như ruột thịt. Bà con Hội Thiện xưng tụng hai cụ là "Sư huynh - Sư đệ". Ông bố tôi ít tuổi hơn thì tự nhận là em. Cụ Sư huynh tên húy là Xuân Sơn Hoàng Đình Đống. Cụ được Hội bầu làm Chánh hội trưởng Hội Thiện. Hai cụ kết nghĩa huynh đệ được mười năm thì cụ Xuân Sơn đến tuổi già yếu bàn giao trách nhiệm cho bố tôi cáng đáng mọi việc, cả việc lớn nhất: giảng kinh, dịch kinh.

Ông cụ tôi cẩn thận lắm. Trước đêm giảng ông kê cứu sách vở cổ kim. Kinh giảng là KINH TÂM PHÁP, nội dung diễn tả bằng lời ca những điều của Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh giáng bút. Khi giảng, ông thêm lời bình luận làm rõ thêm ý hay của lời dạy.

Các Ngài dạy không có gì cao siêu khó hiểu lắm đâu. Mà chỉ là: "Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì tiết hạnh làm câu trau mình". Giảng viên bình luận chú trọng làm cho ý tứ hợp với lòng dân ta đang sống cảnh lầm than nô lệ ngoại xâm; mà phải nói cho khéo để kẻ cầm quyền hùm beo không bắt tội được mình:

Đấm tan niềm tục, chuông triêu, mộ
Gọi tỉnh hồn mê, mõ nhặt, thưa.
Tiếng kệ câu kinh, mong tế độ,
Mồi danh, bả lợi chăng hồ mơ…

Đạo lý làm người, đạo sống ở đời. Phật Thánh từ bi sẽ phù hộ.

Giảng đàn Ngọc Sơn quả đã đóng góp phần mình vào cuộc "gây Men văn hóa" cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công oanh liệt, chớp nhoáng ở ngay thủ đô Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sự đóng góp thầm lặng ấy của các đàn giảng kinh rải rác khắp nước mà Đàn giảng Ngọc Sơn là một trong những ngọn cờ tiên phong, còn ít được các nhà sử ở ta nói đến.

Nhưng Bác Hồ thì nắm rõ. Cho nên ngay sau khi tiếng nổ động trời Mùa Thu vang ra khắp thế giới và bọn thực dân Pháp vội nhen lửa tái xâm lăng ở Sài Gòn, Bác của chúng ta đã tự thân đến thăm Hội Thiện của Đền Ngọc. Chánh hội lúc đó là cụ Vũ Bội Hoàn cùng toàn Ban Trị sự đón rước Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời ở ngay cái Giảng đàn này đây.

Người khen ngợi: "Các cụ đã cao niên mà còn ra sức khuyến thiện trừ tà. Còn gì quý bằng! Tôi xin phép gợi một ý nhỏ: Trước đây các cụ làm việc vận động một cách kín đáo, phải che đậy khéo léo. Từ nay sẽ nói thẳng vào mặt chúng, bọn xâm lược hùm beo và lũ chó săn nhơ nhuốc: Trên đời tội ác lớn nhất là xâm lược, áp bức bóc lột; điều thiện cao cả nhất là độc lập, tự do!".

Tôi vừa đi Quảng Ninh, được nghe kể chuyện chỗ Hồ Chủ tịch chỉ dừng chân lại một lúc trên đường, ăn cơm nắm bữa trưa, mà dân dựng lên ở đấy một bia kỷ niệm. Đằng này trong Giảng đàn Hội Thiện Ngọc Sơn, Người từng nói những lời vàng ngọc như vậy, thì người ta lại biến Giảng đàn thành quầy kinh doanh.

Tôi nghĩ trong bụng nếu ở đây được xếp đặt lại thành một gian trưng bày ván khắc và sách vở mà Hội Thiện xưa đã in, và đặt tượng các cụ Cử Can, Hoàng giáp Hiền và Hồ Chủ tịch, thì hay biết bao!...

Anh cán bộ Sở Văn hóa và Ban Quản lý di tích dường như đoán được tâm trạng không vui của tôi. Anh hích nhẹ vào vai tôi, hướng mắt tôi nhìn ra phía Trấn Ba đình (cái Đình Ngăn Sóng: sóng ác). Anh rỉ tai tôi, nói: “Thưa cụ, khoảnh đất trống trước phòng "Ông Rùa" và cạnh Trấn Ba đình sẽ là vị trí tấm bia thờ Cụ Nghè họ Vũ - Trưởng Hội Thiện đầu tiên, Sở Văn hóa dự định dựng tại đó đấy ạ!".

Ôi! Mừng quá, phấn khởi quá!

Cái "mới" này mới là cái mới thật trong Đền Ngọc, tuy nhỏ, mà ý nghĩa không nhỏ. Ngay sáng nay, khi tôi trao chính thức bản kiến nghị của Hội đồng dòng họ chúng tôi, ông Giám đốc Long đã tỏ rõ sự tán thành của Sở Văn hóa và hứa sẽ bắt đầu khởi công vào đầu năm 2009, theo đồ án của Ban Quản lý di tích, chỉ sửa một chi tiết là: chuyển vị trí của bia, từ phía sau Đền sang vị trí mới như anh cán bộ vừa giới thiệu.

Chỗ này rộng hơn, thoáng hơn, lại ngay ở mặt tiền Đền Ngọc, gần Giảng đàn xưa. Hơn nữa, tôi nhận thấy: mặt bia sẽ nhìn thẳng sang bờ phía tây Hồ Gươm, đúng vào vị trí trường Hồ Đình của cụ Nghè Vũ Tông Phan.

Thật là có ý nghĩa quý báu: vị trí dựng bia thể hiện sự kết hợp nhịp nhàng sự nghiệp giảng thư với việc mở mang dân trí, coi trọng dân sinh của các phong trào yêu nước, yêu dân chủ, thể hiện hoài bão và truyền thống tâm linh của nhân dân ta, thống nhất cả ba tư tưởng Chân - Thiện - Mỹ, nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam…

Vài nét về ông chủ báo Thanh Nghị

Nói đến cụ Vũ Đình Hoè, nhiều người nhớ ngay đến vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch đứng đầu, thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công.

Nhiều người cũng nhớ, cụ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thành lập năm 1946, sau khi có Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khoá đầu tiên. Năm 1960, khi Bộ Tư pháp giải thể, cụ Hoè công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Cụ nghỉ hưu năm 1975.

Ngoài tư cách nhà giáo - luật sư danh tiếng, từng giữ những trọng trách trong Chính phủ Việt Nam, ít người biết cụ Hoè còn là một nhà báo lão luyện, đúng hơn là một người làm báo với đầy đủ ý nghĩa của cụm từ này.

Sự nghiệp báo chí trước cách mạng của cụ Hoè gắn liền với nhóm Thanh Nghị và tờ báo Thanh Nghị.
Nhóm Thanh Nghị nguyên là một nhóm thanh niên trí thức yêu nước, từng tham gia phong trào sinh viên cùng nhau. Sau khi rời trường đại học, họ vẫn giữ mối quan hệ tốt, thường xuyên gặp gỡ trao đổi về những vấn đề giới trí thức yêu nước trước cách mạng luôn trăn trở: Phải chung tay góp sức làm gì để dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc?

Tháng 5-1942, nhóm thanh niên yêu nước mà cốt cán là năm trí thức ưu tú Vũ Đình Hoè, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Hoàng Thúc Tấn và Lê Huy Vân chung tay góp sức để ra một tờ báo, lấy tên là Thanh Nghị. Đây vừa là tên của tờ báo, vừa là tên của nhóm.

Nhiều người giải thích Thanh Nghị là "nghị luận trong sáng". Trong cuốn hồi ký Thanh Nghị, cụ Vũ Đình Hoè cho rằng hiểu như vậy chưa đúng. Cụ Hoè trích dẫn bài viết của luật sư Phan Anh trên Thanh Nghị ra ngày 6-5-1944: "Thanh Nghị trong lịch sử có đặc điểm là tiêu biểu tư tưởng của dân"; "Thanh Nghị trước hết là nghị luận của những người xử sĩ, nghĩa là những người không trực tiếp gánh vác việc công", "sống gần dân chúng, cùng một phe với dân chúng, kẻ xử sĩ cảm thấy những cảm giác và thấu hết tri giác của dân chúng, tinh thần của dân chúng". Trích dẫn luật sư Phan Anh, cụ Hoè nhận định: Thanh Nghị theo nghĩa đó, ngày nay gọi là "dư luận" hay "công luận".

Ngoài năm người cốt cán đã nêu, toà soạn báo dần tập hợp được một đội ngũ biên tập viên kiêm phóng viên, bên cạnh đó là đội ngũ đông đảo cộng tác viên gồm những trí thức danh tiếng, có tinh thần yêu nước, tự nguyện hằng sản, hằng công cho tờ báo: Nghiêm Xuân Yêm, Đỗ Đức Dục, Nguỵ Như Kon Tum, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Trọng Phấn, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Lân...

Dưới sự kiểm duyệt gắt gao của thực dân Pháp, Thanh Nghị vẫn xuất bản khá đều đặn. Tính đến khi tờ báo tự động đình bản tháng 8-1945, đã có tổng cộng 120 số báo ra mắt bạn đọc.

Với những bài viết khơi gợi tinh thần yêu nước, yêu tiến bộ, nội dung phong phú, thiết thực, bao gồm bài viết ở các thể loại nghị luận, khảo cứu và văn chương, Thanh Nghị nhanh chóng được đông đảo thanh niên, sinh viên, trí thức thời ấy đón nhận, hoan nghênh.

Một lá thư của bạn đọc gửi về toà soạn: "Tôi vừa nhận được Thanh Nghị và đã đọc nó luôn một mạch. Tôi rất sung sướng. Sấm sét láng giềng khua dậy lớp thanh niên nhà mình. Họ đương ngủ. Lúc này hơn lúc nào, cần cho họ một người bạn. Để đưa họ lên đường. Các anh hãy nhận lấy công việc ấy".

Để nói về nhóm Thanh Nghị và báo Thanh Nghị là cả một câu chuyện dài. Đọc hồi ký Thanh Nghị của cụ Vũ Đình Hoè, người viết bài không thể không đặt câu hỏi: Vì sao người thanh niên Vũ Đình Hoè khi ấy chưa đầy ba mươi tuổi, không thế lực chính trị và tài chính, lại có thể tập hợp được những trí thức ưu tú, vừa lo về nội dung tờ báo (với tư cách chủ bút, kiêm viết bài về giáo dục, xã hội, tiểu công nghiệp, đời sống trong nước), vừa lo chuyện cơm áo gạo tiền của cả toà soạn (với tư cách chủ nhiệm báo)?

Nhóm Thanh Nghị, báo Thanh Nghị có được những thành công, có được những đóng góp rất đáng ghi nhận cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của đất nước, có lẽ là nhờ những trăn trở, những khát vọng luôn thôi thúc phải hành động của những thanh niên yêu nước như vị chủ bút, chủ báo Vũ Đình Hoè.

Thật đáng quý, cuộc đời trải bao thăng trầm, khi đã ở vào độ tuổi "cổ lai hy", những khát vọng, những trăn trở đó vẫn là động lực để cụ Vũ Đình Hoè viết nên những cuốn hồi ký rất có giá trị như Tiền Thanh Nghị, Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG