Ám ảnh “rừng ma”

Khu “rừng ma” của bản Pa Roi nằm sát bên dòng sông Se Pon
Khu “rừng ma” của bản Pa Roi nằm sát bên dòng sông Se Pon
TP - Chuyện cháu bé Hồ Dưỡng vừa được Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo (xã Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) cứu sống trước nguy cơ bị chôn theo mẹ càng làm dấy lên nỗi ám ảnh bao đời của tộc người Mày về hủ tục “ma rừng”...

Bên dãy đại ngàn Trường Sơn thâm u nơi miền cao Quảng Nam, vùng biên giới Quảng Trị, Quảng Bình, chuyện “rừng ma - ma rừng” vẫn đặc quánh trong tâm thức của các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong, Vân Kiều...

Khu “rừng ma” của bản Pa Roi nằm sát bên dòng sông Se Pon
Khu “rừng ma” của bản Pa Roi nằm sát bên dòng sông Se Pon .

Đi từ đường Hồ Chí Minh, rẽ qua Quốc lộ 9, lên thị trấn Khe Sanh, mất thêm gần tiếng đồng hồ xe chạy mới có thể đến được bản Pa Roi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nằm bên dòng sông Se Pon và vùng biên giới Việt - Lào.

Thâm nhập “rừng ma” Pa Roi

Sáng, Pa Roi sương giăng kín cả vùng trời. Sự vắng lắng của bản làng cùng cái thâm u, thăm thẳm. Pả Canh (35 tuổi), một thanh niên bản địa vẽ đường: “Muốn vào rừng ma phải xin phép người đứng đầu các xâu (dòng họ). Mỗi xâu đều có một khu “rừng ma” riêng. Nhưng lâu đời nhất phải kể đến xâu của người Pa Roi”.

Tuy nhiên, không dễ để được Pả Chiên (73 tuổi)- già làng bản Pa Roi đồng ý dẫn vào khu “rừng ma”. Chúng tôi mua con gà sống cho già làng cúng rừng theo luật tục nhưng Pa Chiên chỉ dám ngồi sau xe dẫn đến phía Trạm Biên phòng A Dơi, rồi chạy vội núp vào căn nhà của bộ đội, đưa đôi tay run rẩy chỉ về phía khu rừng nằm sát với dòng sông giới tuyến Se Pon.

Mặc cho chúng tôi rẽ đám cây cỏ dại mọc ngang người để tìm vào “rừng ma” Pa Roi, già Chiên chỉ dám quay mặt về hướng bản như sợ “ma rừng” sẽ bắt gặp ánh mắt già để theo về làng. Trời đứng bóng, từng vệt nắng xuyên qua đám cây dày đặc len lỏi vào bên trong khu rừng, chiếu rọi từng hòn đá, gốc cây, nhưng tôi vẫn có cảm giác rần rận, lành lạnh chạy dọc sống lưng. Những thân gỗ to càng làm tăng vẻ thâm u, phía dưới tất cả đều phẳng lỳ, không có dấu hiệu của mồ mả, cũng chẳng có ai đến thắp hương, cúng bái. Chỉ có mùi khá đặc trưng của cây rừng pha lẫn chút ngai ngái khó tả...

Tôi chợt nhớ lại lời già Pả Chiên căn dặn: “Ở “rừng ma” này, bất kỳ gốc cây nào cũng có thể là nơi chôn cất người chết. Người nhà đánh dấu bằng vật riêng và chỉ họ mới nhận ra được”. Gần một giờ trong khu “rừng ma” Pa Roi, dù không tin lắm vào sự ám ảnh, rùng rợn của “ma rừng”, tôi vẫn đành phải quay về vì không biết đang đi trên những phần mộ của ai.

Già làng Pả Chiên kể chuyện “rừng ma”
Già làng Pả Chiên kể chuyện “rừng ma” .

Những câu chuyện về người bị “rừng ma” phạt...

“Từ đời ông cụ tôi đã được chôn ở đây. Tồn tại những luật lệ nghiêm ngặt, nếu ai vi phạm dù chỉ là chặt một cành cây, bứt một ngọn cỏ sẽ bị trừng phạt. Như thằng Thuồi, vì cố tình chặt cây, giờ bị rừng phạt làm cho điên loạn” – già Pả Chiên đón tôi bằng lời cảnh báo.

Nhắc đến Hồ Văn Thuồi (35 tuổi), người bản Pa Roi vẫn còn kinh hãi. Trong căn nhà tồi tàn, Thuồi nằm rên la, vật vã. “Trước nó như con trâu mộng, làm cái nương, cái rẫy chẳng ai bằng. Giờ ngay đến bản thân cũng không thể nuôi nổi, huống gì vợ con, gia đình” - bà Hồ Y Thiệu, 69 tuổi, mẹ Thuồi ái ngại.

"“Rừng ma” của người chết với người Vân Kiều cũng giống như căn nhà sàn của người sống. Đó là thế giới riêng của người chết. Người chết mong được ở bình yên trong thế giới của mình thì trách nhiệm của người đang sống là phải bảo vệ, giữ gìn và không nên quấy phá những “căn nhà đó” nếu không muốn bị trừng phạt." - Già làng Pả Chiên. 

Sự việc xảy ra mới gần chục mùa rẫy trước. Dù là đứa con của bản lớn lên cùng những luật tục nhưng Thuồi vẫn tự tiện vào “rừng ma” đốn củi. Người ta kể lại rằng, mới chặt được hai ba cây nhỏ, Thuồi đã té xỉu, từ đó trở nên điên điên, dại dại.

Gia đình Thuồi tá hỏa, nhờ trưởng bản giết lợn, trâu cúng tế “rừng ma” nhưng vẫn không thoát tội. Thỉnh thoảng, trong những đêm khuya, bản làng vẫn còn nghe văng vẳng tiếng kêu than của Thuồi.

“Ngày đó, cả bản từ già đến trẻ chẳng dám ra đường. Tối đến là đóng nghẹt cửa vì sợ con “ma rừng” sẽ theo thằng Thuồi về phá phách, gây đại họa cho dân làng. May chỉ nó gây ra tội, nó chịu. Nếu không chỉ còn nước phải dời bản làng đi nơi khác” - già Pả Chiên nói.

Già Pả Chiên kể rằng, biết bao mùa rẫy qua, già “đã chứng kiến và nghe hàng loạt câu chuyện về sự trừng phạt của rừng”. “Trước thằng Thuồi hơn chục mùa rẫy, cũng có một thanh niên ở bản khác tự ý đến chặt cây “rừng ma” mà không làm lễ cúng, nên khi về nó đổ bệnh, nằm đau đớn cả tuần lễ rồi chết”.

Bà Hồ Ka Lưng, 45 tuổi, giọng sợ hãi: “Rừng ma” không chỉ nổi giận với kẻ cố ý xâm phạm mà có khi còn trừng phạt cả bản làng. Như ở cái bản cách đây ba quả đồi, một khu rừng ma bị đám lâm tặc kéo vào phá phách, nghe đâu những kẻ này nằm chết dọc bờ suối, còn cả bản đó bị dịch bệnh, đau đớn hoành hành và không ít người chết yểu, hóa thành con “ma rừng”.

Bà Thiệu dỗ dành Thuồi trong cơn rên la vì sợ “ma rừng” bắt
Bà Thiệu dỗ dành Thuồi trong cơn rên la vì sợ “ma rừng” bắt.

Luật của rừng

Không riêng bản Pa Roi, các xâu, các bản xã A Dơi, A Xing... cũng có những khu “rừng ma”. Người Vân Kiều quan niệm chết là trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới với đầy đủ mọi sinh hoạt. Cho nên với người Vân Kiều, “rừng ma” là nơi bất khả xâm phạm, không ai được chặt phá dù bất kỳ lý do gì để không làm kinh động đến người đã chết.

“Khi đã chôn rồi thì không ai lui tới “rừng ma” nữa. Muốn tới thì phải cúng. Nhưng mỗi năm cũng chỉ được tới một lần mà thôi vì sợ con ma rừng sẽ theo về” - Già Pả Chiên bảo. Thường dịp cúng rừng của người Vân Kiều phải có rượu, có thể giết gà, lợn, trâu nhưng nhất thiết phải là những con vật sống. Bà con tin rằng làm thế rừng mới nhận lời. Nhiều người sợ, không dám đến “rừng ma” nên chỉ tổ chức cúng ở nhà rồi gọi ông bà tổ tiên từ “rừng ma” chứng giám.

Không chỉ rừng nổi giận mà ngay các xâu, dòng họ cũng có quyền trừng phạt những kẻ cố tình vi phạm. Già Hồ Trai, 68 tuổi, ở bản Pa Roi nói: Mỗi xâu có luật lệ riêng về “rừng ma”. Có xâu quy định, người xâm hại đến “rừng ma” sẽ phải chịu cống cho làng một heo, bảy gà và bảy hũ rượu. Chưa hết, người này phải đi xin các gia đình trong cùng một xâu, dòng họ có người chôn ở “rừng ma”. Nếu các gia đình này không chịu, thì tiếp tục bị phạt heo, gà và hũ rượu với số lượng trên, để mọi người cùng cúng ma rừng và ăn uống nhằm tránh sự nỗi giận của rừng.

Theo Thiếu tá Hồ Hải Hùng - Trạm trưởng Trạm Biên phòng A Dơi: Bao năm gắn bó với đồng bào, các anh phải chấp hành những luật tục của họ đối với các khu rừng ma. Ngay đến người Kinh lên đây làm kinh tế, đơn vị phải thường xuyên nhắc nhở, vận động để họ không xâm phạm đến “rừng ma” của đồng bào để tránh những điều không hay xảy ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG