Có một Đồng Tháp Mười oanh liệt

Nữ anh hùng khai hoang Bảy Hồng
Nữ anh hùng khai hoang Bảy Hồng
TP - Thành quả 30 năm khai phá vùng đất hoang Đồng Tháp Mười đã chứng minh một chủ trương, quyết sách đúng đắn, sự huy động, tập hợp sức mạnh quần chúng và trí tuệ khoa học để làm nên thành công. Đồng Tháp Mười đã thấm đẫm máu, nước mắt, mồ hôi của hàng vạn con người cầm cuốc khai hoang, cầm súng giữ đất... Từng mét đất nơi đây mãi mãi là ký ức không phai mờ của những người đi khai hoang ngày ấy.
Nữ anh hùng khai hoang Bảy Hồng
Nữ anh hùng khai hoang Bảy Hồng.

Chị là người phụ nữ đầu tiên của tỉnh Long An và khu vực ĐBSCL được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên vào năm 1986, với thành tích đặc biệt trong công cuộc khai hoang, chinh phục Đồng Tháp Mười khi còn rất trẻ.

25 năm sau ngày vinh quang ấy, chị về lại với mảnh đất khai hoang ngày xưa, lặng lẽ với chiếc bóng của đời mình mà không đòi hỏi bất cứ ai điều gì. Chị là Anh hùng Lao động “chân phèn” Võ Thị Hồng.

Đàn bà không làm được chuyện lớn?

Từ trong máu, Bảy Hồng đã là nông dân rặt không lẫn vào đâu được. Từ dáng đi vội vàng đến cung cách, lời nói chân chất như lúa gạo. Đất khai hoang, lúa, bùn, phèn… bao thứ luôn đeo đẳng theo từng giấc mơ nghèo khó của người nông dân trong cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười luôn thường trực trong chị.

Không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn là máu của biết bao nông dân, trẻ em, bộ đội đã đổ xuống sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam để cho Đồng Tháp Mười có được kỳ tích xanh tươi, huy hoàng như ngày hôm nay.

Có không ít cô gái cùng trang lứa, lớn lên thoát ly đồng sâu, ruộng bùn bằng mọi giá, còn Bảy Hồng thì yêu đất bùn và đồng lúa vô cùng. Cô không ngán, không sợ, lại thích thú nữa đằng khác. Học hết cấp I, cô bỏ ngang, lái máy cày suốt ngày hì hục khai hoang.

Võ Thị Hồng sinh năm 1950, là con gái thứ bảy trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. Anh trai Bảy Hồng là xã đội trưởng, hy sinh năm 1962. Cha cô từng ở tù chính trị Côn Đảo. Nhà có năm chị em gái nên từ nhỏ đã quen làm lụng, thức khuya dậy sớm.

Ngày còn nhỏ, Hồng từng làm giao liên bơi xuồng vun vút trong Đồng Tháp Mười để đưa thư từ, tài liệu. Tính gan góc, chịu khó có trong cô từ nhỏ. Cô không thể diễn đạt mình khác người chung quanh cái gì, vì cũng chân lấm tay bùn, chân tình và mộc mạc như những nông dân Nam bộ.

Tôi đến thăm nhà chị Bảy Hồng ở ấp Bắc Chan I, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa, Long An) một ngày cuối năm Dần. Chị đang đi ăn đám cưới trong xóm gần nhà. Cô cháu dâu vội vàng chạy bộ chân đất trên lộ đi gọi chị về.

Tranh thủ, tôi vòng một lượt khắp nhà quan sát: nhà một anh hùng nông dân vùng sâu... không giống ai cả. Một căn nhà không có đàn ông, cột kèo, tường vách hình như đã mấy mươi năm bạc thếch màu thời gian, in dấu rêu phong. Bên cạnh những miếng gỗ, cây khô là các vật dụng bằng sắt to đùng sử dụng cho máy cày. Lổn nhổn khắp nơi nào cưa sắt, đục, búa, khóa , xích…sét gỉ bám lâu rồi không ai dùng đến. Ngay tờ báo tường của sinh viên làm treo trang trọng trên vách nhà, mực đã phai gần như tất cả.

Ngay cả những bằng khen, huân chương lao động, danh hiệu anh hùng cũng ố màu, ép nhựa để tạm dưới mặt bàn kính đã cũ mèm.

Bờ bao kinh Bắc Chan mới tôn nền làm lộ cao ngang nửa căn nhà ngói xưa, lọt thỏm bên dưới mấy bụi dây leo, sau trước vắng hoe càng làm cho không gian thêm buồn buồn…một nỗi buồn không tên len lỏi đâu đấy trong cuộc sống gia đình người anh hùng độc thân khi bước sang tuổi 61.

Chị lần mở hộc tủ gỗ lâu năm, tìm mấy tấm ảnh hồi đi dự đại hội thi đua anh hùng tại thủ đô Hà Nội năm 1986 và 2000 nhưng loay hoay mãi không biết để lẫn lộn chỗ nào. Cũng đã lâu lắm rồi, không ai hỏi chị việc ấy.

Đơn giản là vậy, chị chỉ biết dãy trại nuôi heo mấy trăm con, chỉ biết lái máy cày hùng hục trên ruộng, sục bùn, rải phân, biết từng chứng bệnh của cây lúa, biết tất cả những gì liên quan đến năng suất lúa, sạ lúa, xổ phèn…

Nói được, làm phải được

Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1986, bên cạnh những tên tuổi vang danh được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng như Hồ Giáo (lần 2), Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo- Tổng GĐ Cty Lương thực TP HCM), TS Võ Tòng Xuân, Trần Văn Hoằng (Năm Hoằng, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu)…cô gái nông dân Hai lúa ở xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa, Long An) vùng sâu Đồng Tháp Mười mới 36 tuổi đời chưa một lần ra phố thị đã khiến mọi người ngưỡng mộ, ngạc nhiên khi cô với anh hùng Hồ Giáo, Năm Hoằng đại diện báo cáo thành tích nông nghiệp.

Với đôi tay chân chất thuần nông ấy, chị đã khai hoang hơn 36 ha đất cỏ dại, bần đước um tùm. Về sau, chị đưa vô tập đoàn gần hết, chỉ giữ lại cho mình khoảng 2 ha canh tác.

Ngày đó, không ít người dân vùng Đồng Tháp Mười còn thói quen đến mùa thì bơi xuồng vào đồng đập lúa ma (lúa trời) rụng vào xuồng rồi chở về ăn. Nếu có chăng thì cũng làm lúa một vụ, năng suất rất thấp, phó mặc cho trời.

Đồng Tháp Mười ngày đó “cá ăn mống như cơm sôi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Mùa lũ lên, chuột đồng, rắn, rùa lúc nhúc đầy sàn nhà. Nhiều người lúc ấy nghĩ, cái ăn sẵn vậy, cần gì phải làm.

Nhưng Bảy Hồng đã tự học hỏi kỹ thuật để khởi xướng và thành công trong việc trồng lúa hai vụ trên vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng. Nhiều người còn phân vân lo ngại vì sợ phèn “ăn hết”, không khả thi. Bao nhiêu công sức mồ hôi, tiền của thành công cốc.

Bảy Hồng nói được, làm được. Chị chứng minh cho mọi người thấy năng suất lúa không chỉ 1,5 tấn đến 2,5 tấn/ha mà là 5-7 tấn/ha. Không chỉ làm một vụ mà có thể sản xuất hai vụ. Và cả tỉnh Long An ngày đó, chị là người phụ nữ duy nhất tự lái máy cày, sạ giống, chăm sóc, thu hoạch lúa...

Các đại biểu tại Đại hội Anh hùng thi đua năm 1986, nghe cô gái nông dân Bảy Hồng báo cáo thành tích điển hình khai hoang trồng lúa ở Đồng Tháp Mười với những tràng vỗ tay thán phục vang rền như sấm dậy.

Nhắc chuyện cũ, chị cười rổn rảng: “Làm ruộng, chăn nuôi, lái máy cày... như đã ăn vào máu. Của cải tôi làm ra, sau này để lại cho con cháu, hoặc hiến cho xã hội, như vậy cũng như chính tôi được hưởng”.

Dù chỉ học lõm bõm hết cấp 1, nhưng chị thường xuyên “hướng dẫn thực tập” cho sinh viên các trường đại học nông nghiệp. Tính đến nay, chị đã có hàng trăm đứa con - sinh viên đến ở, thực tập tại nhà. Ông Nguyễn Lâm Tới - Bí thư Chi bộ ấp Bắc Chan 1 - nói: “Chị Bảy luôn mẫu mực trong các phong trào ở địa phương”.

Mấy cuộc đi dự hội hè qua đi, chị quay về với vùng sâu Đồng Tháp Mười, những người thân là Anh hùng Ba Thi, Anh hùng Nguyễn Văn Hưởng, Anh hùng Năm Hoằng lần lượt qua đời.

Về chuyện ở Long An bây giờ rất ít người còn nhớ tới mình, chị Bảy Hồng nói với giọng không chút phiền muộn: “Chuyện khai hoang, tăng vụ, tăng năng suất để làm ra nhiều lúa gạo lúc đó thật lớn, thật có ý nghĩa. Bây giờ đất nước đã phát triển, nhiều chuyện khác quan trọng hơn. Cái thời cùng đất nước vượt qua đói nghèo của mình đã kết thúc, bây giờ là thời của các cháu dùng trí tuệ làm giàu cho quê hương, đất nước”...

“Tôi có buồn đâu, tôi đã làm quá nhiều cho đồng ruộng từ thời khai hoang. Giờ đến lúc giã từ ghế lái máy cày sau hơn 30 năm gắn bó, già rồi mà…”.

Kết luận của các nhà khoa học đầu ngành địa chất Liên Xô cũ khi nghiên cứu về Đồng Tháp Mười hồi đó khiến nhiều người giật mình, hoang mang. Thậm chí có nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về túi phèn của vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn Đồng Tháp Mười ngày ấy cho rằng không nên hành động “ngu xuẩn” nếu rửa phèn khai hoang rồi trồng lúa.

Năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã triệu tập lãnh đạo ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, bàn cách đánh thức những tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười để rồi sau đó mở ra thời kỳ phát triển mới cho vùng đất bao đời hoang hóa ấy. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.