Năm đã xa ấy, tôi được nhập vào một nhóm công tác có những Đỗ Quý Doãn, Vũ Duy Thông, Hữu Ước, Trần Đăng Tuấn... Thời điểm ấy, Hồng Kông Ma Cao còn chưa về với Trung Hoa lục địa nên có lắm thứ bắt mắt cánh viết lách. Nhóm công tác khi đó chưa có vị nào là quan to những là tướng lĩnh cùng thứ trưởng này khác nên xuyên suốt chuyến đi là những xôm tụ cùng là những tở mở thân tình.
Chả phải là lần đầu nhưng đận ấy có lẽ là những lần được ngồi lẫn nằm lâu lâu với Trần Đăng Tuấn. Mới tứ thập nhưng Tuấn đã chững chạc ở vị thế Phó Tổng Đài THTW. Biết thêm Tuấn có lắm lắm kỷ niệm ở xứ Nga La Tư thời gian tu nghiệp báo chí tại Lomonosov và làm Tiến sĩ báo chí bên đó. Với phần đông các nhà này khác cầm bằng TS bên xứ Đông Âu nhất là Liên Xô, biết được địa vị thấp tịt của mình, tôi luôn có sự kính cẩn như các cụ dạy là kính nhi viễn chi (đứng xa mà ngó). Với Tuấn, lại thêm cả cảm giác khó gần? Nhất là cái cung cách cứ ngang ngang gióng một, đôi khi lại nhát gừng...
Nhưng với ông TS báo chí này, không mấy lâu lắc, dần dà tôi đã vun được cảm giác kính nhi cận chi thân gần lúc nào! Có lẽ chả phải mớ kiến thức lúc nào cũng bề bộn trong đầu ông TS mà Tuấn cởi mở và chia sẻ với anh em bạn bè những nhận xét khá sắc? Tỷ như đi coi cái nhà thờ đổ nát tại Ma Cao, không biết Tuấn găm trong đầu từ bao giờ chi tiết có cha cố người Việt từng hành đạo tại đây. Ngó qua những sòng bạc tầm cỡ thế giới ở Ma Cao, Tuấn xa xôi về những cái van xả van xì chi đó ở một xã hội hiện đại! Rằng mai kia ở xứ mình ai dám chắc rằng nó không có những cái van đại loại vậy?
Lại tò mò được biết Tuấn từ cậu học sinh giỏi của trường Lê Hồng Phong Thành Nam bước thẳng vào cơ chế học hành đào tạo thế mà không biết tại sao lại có khiếu quản lý? Tôi không rành lắm những khúc nhôi làm nên những nắc nỏm này khác của đồng nghiệp về một anh Phó Đài TH cứng tay này khác.
Có lẽ những ngày thường mờ nhạt của Trần Đăng Tuấn ở Trường báo chí T.Ư đã sáng đã cháy lên khi về làm việc ở Đài TH. Người coi ti vi những năm đầu 90 bắt mắt ưng tai với một BLV Trần Đăng Tuấn về mảng chiến sự Irak. Rồi nghe đâu trong thời gian ấy, Tuấn là một trong những người quyết liệt nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh, phát sóng vài tiếng trong 1 ngày.
Không biết có chính xác không nhưng nghe nói Tuấn là người đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi trong bối cảnh công tác quản lý báo chí còn khắt khe? Lại nghe nói Trần Đăng Tuấn đã bảo vệ thành công trước Chính phủ đề án để truyền hình Việt Nam có được doanh thu hơn 2.000 tỷ tự lo tiền lương và tái đầu tư? Cái năm mà Trần Đăng Tuấn đóng chức Phó Tổng đài TH là năm Tuấn mới 39 tuổi. Là một trong những người thành lập ra VTV3 và tố giác với thiên hạ những MC những BTV, BLV bắt mắt Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Nguyễn Thanh Lâm, vv và vv...
Trần Đăng Tuấn (đội mũ) trong chuyến công tác ở nước ngoài. Ảnh: Xuân Ba. |
Chuyến đi ấy nhóm công tác cũng qua đại lục Trung Hoa đến cả Thâm Quyến Bắc Kinh. Bữa ấy ở Bắc Kinh tại một hiệu thư pháp Tàu, tôi thấy Tuấn cứ ngây người trước một bức tranh. Nói là quốc họa cũng chả phải nhưng hình như đã quá quen mắt với mọi người bức tam cố thảo lư về tích Lưu Huyền Đức đi cầu người hiền từng đứng chôn chân trước lều tranh của Gia Cát Khổng Minh.
Tôi ngạc nhiên làm chi mà Tuấn phải đứng ngây ra như thế? Khẽ hích Tuấn thì anh chỉ vào dòng chữ mé dưới bức tranh viết theo lối thảo. Tò mò coi kỹ thì người ta trích lời bài hát của Khổng Minh Phượng ngao tường ư thiên nhận hề, Phi ngồ bất thê! Sĩ phục xử ư nhất phương hề, Phi chúa bất y! Lạc cung canh ư lũng mẫu hề, Ngô ái ngô lư. Liêu ký ngạo ư cầm thư hề, Dĩ đãi thiên-thì... Lời ấy đại ý rằng chim phượng (loài chim khôn) chỉ chọn cành ngô (ngô đồng) mà đậu! Kẻ sĩ khôn ngoan thì phải tìm được minh chủ mà thờ...
Minh chủ? Đề tài ấy dường như được khơi được nối khá lâu khi chúng tôi trở về nhà nghỉ! Mà chủ trò mà xôm tụ vẫn là nhà thơ Vũ Duy Thông và Trần Đăng Tuấn. Chao ôi nghe hai ông lắm chữ đang hào phóng thả lời về những minh chủ xưa nay, tôi thầm nghĩ, các ông có nói chi thì nói, khoe gì thì khoe chính các ông cũng phải rèn phải sắm cho mình tư thế và phẩm cách của thứ na ná như minh chủ! Chứ còn gì?
Vũ Duy Thông khi đó chức tước chưa lớn nhưng cũng là một yếu nhân của Ban Văn hóa tư tưởng. Nếu chả may kém đi sự đồng cảm thông cảm kể cả sự thưởng phạt nghiêm minh rạch ròi biết người biết ta với đám ký giả hay các Tổng Biên tập thì cũng phiền phức rắc rối thay! Còn ông Phó thường trực đài tivi Trung ương kia, đang đóng cái ngôi dưới một người trên... một số người, đằng sau ông là số phận là tình cảm là sự trao gửi tin cẩn của hàng trăm hàng ngàn nhân mạng cán bộ phóng viên. Lại chợt nghĩ thêm, những anh tính ngang như... Tuấn mà chợt tâm đắc với chuyện minh chủ nào đó tít mù xa thì phải có sự tinh tường chọn lựa lắm lắm?
Bẵng đi lẩu lâu chi tiết ấy đã nhạt nhoà. Chợt mồn một trở lại vào cái đêm đã xa nằm chung phòng với cụ Phạm Khắc Lãm, nguyên Giám đốc đài THTW trong một chuyến đi. Được hầu chuyện trưởng nam ngài Đổng lý ngự tiền Phạm Khắc Hoè là một cái thú. Trong những câu chuyện không đầu cuối vào cái đêm mất ngủ do lệch múi giờ ấy, có một lúc cụ Lãm kể tôi nghe những khúc sở đắc của cụ. Điều sở đắc của cụ kể ra cũng hiếm hoi nhưng mà cũng có... Ấy là đoạn tìm được người tài!
Người tài? Ví dụ? Cụ Lãm kể ra trường hợp Trần Đăng Tuấn khi đang làm cán bộ giảng dạy ở trường báo chí. Tình cờ trong một cuộc, cụ Lãm gặp được Tuấn. Biết nhau đã lâu nhưng cũng phải năm tao bảy tiết, gõ hết nơi này nơi khác cụ mới triệu được Trần Đăng Tuấn về đài TH. Mồn một trong đêm tôi tưởng tượng vẻ mặt thoải mái của cụ Lãm khi cụ đang hít hà khen Tuấn gì thì gì khi đó vẫn là một yếu nhân của đài THTW.
Nghề nó chọn người cậu ạ, chứ chả phải người chọn nghề! Cụ Lãm rủ rỉ. Tôi nghe vậy thì biết vậy nhưng chọn gì chả biết mà Tuấn đã gặp may khi gặp cụ Lãm? Minh chủ hay không chưa rõ nhưng Tuấn đã từng có một thời phát tiết khi làm chủ được cái môi trường do cụ Lãm tạo ra?
Có lẽ tạm hiểu, tạm biết về Trần Đăng Tuấn không phải chỉ có những cuộc tiếp xúc thoảng qua? Nhà quản lý ấy từng lập ngôn? Một dạo trĩu trên tay tôi là cuốn Phản biện và tự phản biện của Trần Đăng Tuấn. Hơn 200 trang in có vẻ như tập hợp hơn 30 bài báo nhưng thực sự đó là những suy ngẫm những ví dụ sinh động về một công cụ sắc bén hữu hiệu trong tiến trình dân chủ. Hãy lướt qua ít dòng tự bạch của tác giả.
Phản biện và tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.
Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội.
Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”. Người ta vẫn hay ca ngợi “Người hay cãi” nói chung, và vẫn ác cảm với “Người hay cãi” cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.
Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác. Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại rất tự nhiên, rất khó tránh.
Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng “Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết”. Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường.
*
Không có điều kiện ngồi với Trần Đăng Tuấn lâu hơn để tường ngọn nguồn lạch sông trước sự quyết định có vẻ như đột ngột ấy? Nghe nói thời gian gần đây Tuấn không gặp may? Hình như đã đứt đi cái mạch hào sảng như thuở nào khi gặp minh chủ và bây giờ tình thế đã khác?! Tôi không thể biết và chả thể đoán định được khi nghe những phong thanh này khác đại loại như thế? Nhưng tôi biết với tính cách của mình có lẽ Tuấn đã không thể làm khác? Giang sơn dị cải bản tính nan di? Sông núi còn dễ di rời nhưng tính cách của con người khó thay lắm!
Chợt nhớ cái câu của Nguyễn Du không biết ai chép vào sổ của Tuấn như là đóng đinh một thân phận vào cơ chế: đạp hướng danh đồ bất điếu đầu (Bước lên con đường danh vọng thì không quay đầu lại được nữa). Nhưng Tuấn đã lui, đã đột ngột một khúc ngoặt vào cái tuổi 53? Muộn còn hơn không?
Hình như hơi bị hiếm những người ở cương vị như Tuấn từ quan? Chợt nhớ đã lâu có một ông quan báo, cũng tên Tuấn, ông Nguyễn Anh Tuấn chủ sự VietNamnet cũng làm đơn từ quan! Nhưng hình như ông chỉ... dỗi một tý thôi cho vị thế của ông vững vàng như bây giờ! Quả là quan chức thời nay không biết thế nào mà lần? Tuấn này với Tuấn kia khác nhau không phải một ông cấp trưởng một ông cấp phó?
Với Trần Đăng Tuấn này, cái bắt tay và nụ cười cố hữu nửa miệng nhưng cởi mở của Tuấn khi gặp vội lúc chiều nay dường như ngầm mách tôi rằng Tuấn không thể quay đầu lại được nữa rồi! Cái cười ấy khiến tôi chợt nhớ kiểu cười thoải mái của anh Lương Văn Lý buổi anh tuyên bố từ quan! (Anh Lý đang làm phó GĐ sở KH-ĐT TPHCM đã trả chức ra mở công ty - mà trước đó ít năm anh cũng rời sở ngoại vụ thành phố nơi anh cũng ở chức vụ phó GĐ. Anh Lý là thạc sĩ công pháp quốc tế, được đào tạo từ bé ở Thụy Sĩ, rất giỏi 2 ngoại ngữ thông dụng Pháp và Anh).
Thôi làm chi thì làm, mong cho cái cười cùng tính cách ấy như một thứ hữu sản theo Trần Đăng Tuấn đến cuối cuộc chơi! Và nữa, nếu chưa hoặc không gặp được minh chủ thì tự mình phải gắng làm chức phận ấy?
Đêm 31-8-2010