Giấc mơ 'thổ phỉ'

Hồ Văn Xin: “Cty làm được, sao chúng tôi lại không?”
Hồ Văn Xin: “Cty làm được, sao chúng tôi lại không?”
TP - Bên lán trại, giữa lòng suối hay bất kỳ nơi đâu trên đất Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Kim… (Quảng Nam), chúng tôi đều bắt gặp hàng trăm thổ phỉ (dân bãi vàng khai thác không phép) đãi vàng luôn rắn mặt bật lên câu hỏi ngang tàng: Nhà nước cho công ty làm, chúng tôi sao không được?

>> Kỳ 2: Quẫy đạp đời phu

Hồ Văn Xin: “Cty làm được, sao chúng tôi lại không?”
Hồ Văn Xin: “Cty làm được, sao chúng tôi lại không?” . Ảnh: Nam Cường

Chiếc Minsk cũ kỹ của một đại bàng đường rừng chở chúng tôi nhảy chồm như cóc qua các mỏm đá, vượt suối Nước Mắt (một nhánh đổ về dòng Đăk Mi) thẳng hướng Khe Tăng, nơi hàng chục phu vàng thổ phỉ, cả người dân địa phương lẫn giang hồ tứ chiếng đua nhau cát cứ lòng sông.

Nhóm thợ của anh Hồ Văn Xin (thôn 4B, xã Phước Thành) đang thôn tính một vùng ngay giữa lòng suối Nước Mắt. Con suối đã cạn khô, chỉ lọt một dòng nước đục ngầu do đá lẫn cyanua từ các Cty khai thác vàng đổ xuống.

Đã 5 ngày nay, Xin cùng 3 người đàn ông trong thôn 4B hì hục dựng lán, khoét một đường hầm thẳng đứng xuống lòng sông, xúc lên cơ man nào là cát nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi của ánh vàng. Hồ Văn Xin cười hềnh hệch, nói thẳng: Cty có phép làm vàng, còn dân chúng tôi đói quá mới xuống suối mót thôi.

Gọi là mót, nhưng Xin cùng Hồ Văn Chừng, Hồ Văn Hối và Hồ Ngoan đưa máy móc, phương tiện ra suối Nước Mắt, quây bạt làm suốt ngày đêm, tiếng máy nổ ầm ào cả một vùng.

Phó công an xã Phước Thành Hồ Văn Thoại nói huỵch toẹt rằng xã lực bất tòng tâm trong việc cấm người dân đi đãi vàng trái phép, chỉ thỉnh thoảng được đi theo đoàn liên ngành ngoài huyện, dẫn đường vào kiểm tra đột xuất tại bãi vàng của các công ty. Vả lại, theo ông Thoại thì đều là người dân tộc với nhau, để bà con đồng bào kiếm chút xái mà người nhà nước bỏ lại, chắc cũng không vấn đề gì.

Hồ Văn Xin cho hay, tính đến nay, anh ta đã có 15 năm đào đãi vàng trái phép trên các lòng sông suối. “Ở Phước Thành, sinh ra là biết trên đất mình, trên suối mình có vàng. Cứ thế đem máng ra đãi thôi”.

Thời điểm chúng tôi băng qua suối Nước Mắt để vào lán của Xin thì người của anh ta dường như bắt được mối lớn, khi hố sâu dưới lòng sông 2m là lởm chởm đá. Chỉ là đá thôi, nhưng hết thảy cùng nhảy cẫng lên, như thể họ bắt được vàng.

Hồ Ngoan, nhỏ tuổi, cởi trần trùng trục, lý giải: Có đá trong cát tức là có vàng anh ạ. Cơ thể của Ngoan không tương xứng với cái tuổi 15, mỗi khi cậu ta vung cuốc chim bổ chan chát xuống lòng suối, cơ bắp cuồn cuộn, đen trũi nổi lên dưới nắng trưa hầm hập.

Hồ Ngoan trùng trục tìm vàng dưới cái nắng thiêu đốt
Hồ Ngoan trùng trục tìm vàng dưới cái nắng thiêu đốt . Ảnh: Nam Cường

Ngoan bỏ học từ khi chưa biết đánh vần, lê la theo cha đi khắp các bãi vàng ở Phước Thành, biết phân biệt, ngửi mùi vàng trong cát trước khi cầm cuốc. 15 tuổi, sức khỏe hơn người lại quá quen với tiết trời rừng núi nhưng cậu vẫn không trụ nổi việc làm công 12 tiếng một ngày cho các Cty khai thác, dưới sự quản lý khắt khe của cai bãi.

“Cùng là người làng với nhau, làm ăn lời lỗ cùng chịu, chứ một ngày 12 tiếng chôn vùi trong hầm tối, được ra ngoài thì lại còng lưng đẩy xe, thế mà cai vẫn chửi. Bỏ ra ngoài làm mấy năm nay rồi. Mới mua được con Jupiter, phần còn lại để vài năm làm cái nhà gỗ, cưới vợ” - Hồ Văn Xin nói.

Nhờ có đôi mắt tinh tường của Ngoan, nhóm thổ phỉ anh Hồ Văn Xin thường cát cứ được chỗ tốt, cứ bổ cuốc xuống là có vàng. Anh Xin kể rằng có lần cả hội vào thôn 3 Phước Thành, dựng lán chọc hầm mới được 3m đã đãi được 2 chỉ, cả hội bí mật bảo nhau đêm làm ngày nghỉ, lặng lẽ như ma, thế mà chỉ 3 ngày sau, tin tức lan truyền ầm ầm.

“Phu bãi Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa quây lấy bãi, tranh nhau với quân Phước Sơn, múc nhau túi bụi, tụi tui bật bãi. Uất không chịu nổi. Sau đó, họ có giấy phép đàng hoàng, nhưng chỉ làm được tháng thì rút, lỗ chổng vó. Hóa ra vài phân vàng bề ngoài không có nghĩa cứ đào sâu xuống là có” - Anh Xin kể.

Trên suối Nước Mắt, trải dài từ Cty Vàng Trường Sơn vào tận thôn 2, dân thổ phỉ hết nhóm này đến nhóm khác ngày đêm hất ngược con suối, tung cát đá lên trời, chặn nước chảy ra sông Đăk Mi. Theo các nhóm thổ phỉ, không nhiều, nhưng mỗi nhóm 4 người trung bình ngày kiếm 1 chỉ vàng, nếu gặp may mắn có thể nhiều hơn.

Tuy nhiên, dân thổ phỉ, người Quảng Nam còn gọi là dân tọ mọ vàng chỉ kiếm xái, dù họ mổ phanh từng dòng sông con suối, còn lại mỏ vàng chính danh đang ngày ngày chui vào túi những ông chủ thực sự không ra mặt.

Cha truyền con nối

Nơi đầu nguồn suối Nước Mắt, trên những mỏm đá cheo leo là vô số hầm vàng đã bỏ đi, đây là cơ hội tuyệt vời cho dân thổ phỉ khai thác lại. Không ai có thể chắc rằng, vàng đã thực sự cạn kiệt trong đất. Ở xứ vàng Phước Sơn, đó lại là điều không thể. Con dốc dựng đứng khiến chiếc Minsk quay ngang, dù đại bàng rừng đã cố hết sức, chúng tôi cuốc bộ lên dốc.

Một lán trại thổ phỉ
Một lán trại thổ phỉ .

Ngay đỉnh dốc, tôi như chết lặng bởi cậu bé Hồ Văn Phin ngồi vắt vẻo bên hố vàng. Hố sâu đã đầy nước, đục ngầu bởi trận mưa chiều xối xả. Mãi lúc sau, người đàn ông mới lóp ngóp chui lên từ miệng hố. Đó là ông bố, có tên Hồ Văn Phín. Anh Phín người thôn 3, lặn lội cả quãng đường rừng gần chục km ra tận suối Nước Mắt.

Ở Phước Thành, sinh ra là biết trên đất mình, trên suối mình có vàng. Cứ thế đem máng ra đãi thôi.
Hồ Văn Xin cho hay

Mới 35 tuổi, anh Phín đã cưới vợ 15 năm, kịp có 4 đứa con, còn tuổi làm vàng thổ phỉ của anh bắt đầu từ năm lên 10. Anh Phín làm vàng từ cái thời Phước Sơn còn là bãi chiến địa cho dân tứ chiếng giang hồ từ Bắc chí Nam tranh giành.

Trải qua hơn chục cuộc chiến vây ráp đẩy đuổi, của giang hồ có, của chính quyền địa phương có, anh Phín rút ra bài học xương máu, không rủ rê ê kíp rình rang, cứ người trong gia đình, một bố một con cặm cụi chăm chỉ, thành ra giờ đây cũng đã có nhà gỗ to đẹp.

Vợ anh đi cõng chuyến cho Cty Trung Sơn, tít tận thượng nguồn Khe Tăng, 2 đứa con lớn cũng theo nghề mẹ, tham gia đội quân cõng hàng vô bãi. Đứa nhỏ nhất theo cha, học cách đãi vàng. Chú bé Phin nhỏ thó, đen đúa và hồn nhiên giữa rừng già, ngồi bên cạnh hố vàng sủi nước ngầu đục chăm chú nhìn cha. Đi học có chữ không có tiền, ngày ngày cửu vạn gùi hàng cho dân làm vàng, tính ra mỗi người được gần trăm ngàn. Tương lai chú bé Phin rồi cũng thế.

Anh Phín hồn nhiên kể, có lần mải đào không để ý, chú bé Phin rơi xuống hố, quẫy đạp rồi chìm nghỉm. Đang khát vỉa vàng, một lúc ngoảnh lại đã không thấy con, hoảng hồn lặn xuống sâu vớt lên. Kỳ lạ thay, cậu vẫn sống. Sau lần đó, anh cột một sợi dây nhỏ từ tay con đến tay mình, hễ có động là biết con gặp nguy.

Cậu bé Hồ Văn Phin - tương lai là một phu vàng
Cậu bé Hồ Văn Phin - tương lai là một phu vàng .

“Thằng nhỏ hay đưa lại vận may, từ khi nó lên 2 tới giờ, tui đem theo miết. Tập dần cho nó quen. Đây là nghiệp cha truyền con nối, tui nhờ vàng cho nó cái ăn cái mặc, sau này lớn lên nó cũng sống nhờ vàng. Đất Phước Sơn mãi mãi sống nhờ vàng” - anh Phín nói.

Anh Hồ Văn Thoại - Phó công ăn xã xòe tay thống kê: Riêng thôn 3, đã có trên dưới 10 cặp cha con đi làm vàng thế này, với những giấc mơ chưa bao giờ thoát khỏi bốn bề mây núi trập trùng.

Cậu bé Phin cầm khẩu súng nhựa đồ chơi hua hua, hai chân đạp bành bạch xuống hố nước, nhoẻn miệng cười. Chiều vùng thâm sơn cùng cốc tím bầm và mờ dần cùng khói sương.

“16 tuổi, em như cô bé lên 10. Gùi hàng trên lưng trĩu nặng. Bước chân chìm lún trong bùn. Mỗi bước để lại một hố đen như tương lai em định sẵn giữa rừng thẳm”. 

Kỳ 4: Nước mắt Bh’noong

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.