Kỳ 1: Nhập bãi
Máu đã đổ, người đã chết, có kẻ giàu to, nhưng đa phần dân sinh đảo lộn, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Hồ Văn Phin, con của anh Hồ Văn Phín liệu có trở thành công dân tương lai của bãi vàng. Ảnh: Nguyễn Thành |
Anh hùng sơn lộ
Thị trấn Khâm Đức bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, khác xưa cái thời cách đây độ 10 năm, chúng tôi vượt đèo Le lên Kon Tum rồi xuống lại Khâm Đức, nhìn thấy cái thị trấn lèo tèo dăm ba quán nhậu thịt rừng gà nướng. Khâm Đức đổi thay nhưng những ánh mắt bặm trợn nghi ngờ khi chúng tôi hỏi đường vào bãi vàng và những phu vàng mũ cối dép lê xoèn xoẹt đi bộ giữa phố thì vẫn thế.
Một chủ xe ôm nói: “Năm 2007, khi xảy ra vụ nổ mìn tranh chấp địa bàn làm ăn tại các bãi vàng Phước Thành khiến máu đổ, người chết, chủ các bãi ra tận Khâm Đức, phát cho mỗi xe ôm mỗi ngày 500 ngàn ngồi chơi xơi nước, tuyệt đối không được chở người lạ vào, đặc biệt là nhà báo. Bây giờ cũng thế, thi thoảng mấy ông dặn kỹ chúng tôi, thấy nhà báo là kiên quyết không chở, sẽ có thưởng theo tháng. Chúng tôi không nghe nữa, cứ có khách là chở kiếm tiền, nhà báo hay không cũng mặc” |
Tay xe ôm trẻ tuổi ghếch chân lên đầu chiếc xe Minsk cũ rích, hất hàm phán rõ to: Vào tới xã Phước Thành, hai ông triệu rưỡi cho 2 ngày cả vào lẫn ra. Sau đúng 15 phút làm giá cùng thái độ sắp bỏ đi, Nguyễn Trường Chinh - gã xe ôm 35 tuổi nhưng có đến 15 năm thâm niên làm xe ôm vào bãi vàng chịu bớt xuống triệu hai, không quên đế thêm: Chi phí phát sinh dọc đường mấy ông lo à nghe. Tui chỉ việc chở mấy ông an toàn.
Xế chiều, chúng tôi bắt đầu hành trình vào vùng nóng bỏng của xứ vàng Phước Sơn - đó là xã Phước Thành, nơi dân giang hồ tứ chiếng, nơi các chủ bưởng, đại ca từ Nam chí Bắc xem là thiên đường hốt bạc từ những năm 90 thế kỷ trước.
Hai PV Tiền Phong cùng chất lên một chiếc Minsk, lầm lũi gào rú vượt những km đầu tiên, mà chắc hẳn rằng, những kẻ bình thường mới nhìn thấy đã muốn quay xe ra về. Anh Chinh đang vui vẻ ca hát trên đoạn đường đá nẩy cà tưng, bất chợt mặt sầm xuống: Tưởng hai ông vào tới xã thôi chứ bắt tui chở đi các bãi vàng thì phải thêm tiền chứ.
Và rồi đúng như lời cảnh báo của ông Hoàng Hoa - Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn, dù bỏ tiền đi xe ôm, nhưng nhiều đoạn, khi trước mặt là những con dốc dựng đứng hay các hộc đá lởm chởm, cả ba chúng tôi không còn cách nào khác hơn là đi bộ.
Con đường vào Phước Thành là đường độc đạo, vào và ra cũng chỉ một lối, tai mắt cai vàng rải khắp nơi từ thị trấn Khâm Đức, qua Phước Kim vào tận bãi Phước Thành. Dọc đường, dân tọ mọ (mót vàng sa khoáng còn sót lại) lấm lét nhìn chúng tôi. Họ biết ngay chúng tôi là người lạ.
Câu chuyện giữa tôi với Nguyễn Trường Chinh lúc này càng đượm phần rôm rả, dù tôi biết tỏng từ đầu, với 15 năm đưa người vào bãi, Chinh chắc chắn là một cầu nối tuyệt vời với các chủ bãi, dù cách thị trấn Khâm Đức 5km đường vào Phước Thành, sóng di động tắt ngúm.
Chinh quê Hội An (Quảng Nam), phiêu bạt làm vàng tận Phước Sơn từ nhỏ, đến năm 20 tuổi bắt đầu gắn đời mình với nghề chở người, hàng vào bãi. “Tui cai nghiện cách đây 7 năm, hồi đó chích đến nỗi tay không còn ven mà thọc kim vào” - Anh Chinh chậm rãi hồi tưởng cuộc đời mình bên quán nước ven đường ở Phước Kim.
Từ nhỏ đã lăn lộn bãi vàng, khi những năm 90 của thế kỷ trước, vàng Phước Sơn đang được khai thác ngang nhiên chứ không quy hoạch, cấp phép như bây giờ. Từ khi bỏ vàng chuyển qua nghề xe ôm, Chinh bắt đầu chương trình cai nghiện, đoạn tuyệt hẳn với ma túy.
Không qua trường lớp, không thuốc thang và cũng chẳng có trung tâm gì, Chinh bằng ý chí và nghị lực dần dần thấy ma túy là lợm giọng bỏ đi. Cảm giác ớn lạnh trời chiều nơi vùng rừng thiêng nước độc tăng dần trên từng km chiếc Minsk cũ kỹ vút qua. Bỏ lại đằng sau là Phước Chánh, Kim, Lộc… và khi bóng đêm sập xuống cũng là lúc ánh đèn leo lét của Phước Thành hiện ra, cách độ hơn 10km.
Triệu phú không tiền
Cách Phước Thành độ 10km, trời tối sầm, mưa giông thượng nguồn bắt đầu quất rát mặt. Ì ạch, gào rú và cuốc bộ chừng tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới trụ sở UBND xã. Trời đã tối hẳn, một vài quán rượu bên đường leo lét ánh điện.
Những xe ôm triệu phú chuẩn bị vượt sông . Ảnh: Nam Cường |
Cô chủ quán rượu người Xuân Trường (Nam Định), vừa bán thịt lợn, cá khô cho dân bãi vàng, kiêm luôn rượu, tạp hóa và karaoke. Nhập dân Phước Thành đã 10 năm nay, chồng cũng làm xe ôm vào ra bãi vàng.
Chúng tôi ngồi chung mâm rượu với mấy xe ôm. Giữa núi rừng trùng điệp, trong mịt mù đại ngàn Trường Sơn, bên cạnh là ca rượu gạo rót ra từng bát. Vài ba cai bãi đầu trọc, vằn vện xăm mình ngồi bàn bên, mặt lầm lỳ khó chịu. Thi thoảng ném ánh mắt hăm dọa về phía tôi. Chưa đến mức nhảy sang bàn dò la tung tích, có lẽ bởi thấy tôi cũng thản nhiên uống rượu, từng bát, từng bát…
Trong nhóm xe ôm khoảng 20 người thường xuyên chở hàng, người vào bãi vàng Phước Thành thì Dũng là người trẻ nhất, năm nay mới 25 tuổi. Dũng uống rượu bằng bát, người to khỏe chắc nịch mà hát karaoke nhạc tiền chiến mượt mà đúng tông người Quế Sơn (Quảng Nam).
Lán trại “chốt chặn” và cũng là nơi đội quân thám thính báo tin vào bãi vàng Trường Sơn. |
Ngồi kế bên Dũng là Hùng, chở phu vàng vào Phước Thành đã ba hôm trước nay đợi toán khác ra. Hùng, Dũng hay Chinh đều có mối liên hệ khá mật thiết với những cai bãi, ai vào ai ra nằm lòng bàn tay.
Hồi đó, mạnh ai nấy sống, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, dân phu vàng coi đại ca như con trời. Chúng nó ho là mình khóc ra máu. Mà vàng nhiều lắm, dù giá không cao như bây giờ nhưng cũng đủ để mình ăn tiêu phè phỡn. Dân đãi vàng, quanh năm rúc mặt vào hầm vào máng, ngước mặt ra có cục tiền, không gái với ma túy thì biết tiêu cái gì? - Anh Chinh kể |
Hết bát rượu thứ nhất, Hùng kể với tôi rằng, riêng tháng 6, anh kiếm được 12 cuốc xe ôm vào ra Phước Thành. Người Phước Sơn vào ra tám trăm, khách lạ mà đặc biệt là nhà báo thì triệu hai đến triệu rưỡi. Tổng cộng, trừ xăng xe lộ phí, Hùng còn được mươi triệu. “Thế mà vẫn không tiền ông ạ, làm nghề này cực hơn phu vàng, được bao nhiêu tiêu rọi bấy nhiêu”.
Còn Dũng kể rằng ngoài rượu, mỗi chuyến vào ra ít nhất cậu uống hết dăm lon bò húc. Nghe người ta nói là thứ nước tăng lực, đảm bảo đủ sức khỏe để chống chọi với con đường kinh hãi từ Khâm Đức vào Phước Thành. “Cho nên ông thấy đó, đừng tưởng ăn được triệu bạc của mấy ông mà dễ. Đường đi thì lên dốc xuống đèo, mỗi lần ngồi lên xe là mỗi lần xác định hên xui, có thể đi mà không trở về” - Hùng kể lể.
Vài bát rượu gạo chưa thể làm gã lực lưỡng này say khướt mà phóng đại vấn đề. Trên đường đi anh Chinh hát hò hoạt bát thế, nhưng ngồi uống rượu lại âu sầu, hỏi ra mới biết lúc tối cá độ bóng đá mất vài triệu.
“May mà giật lại được tám trăm ở mấy ván tá lả, không thì xăng chẳng có mà chở mấy ông đi, tháng này lại đói. Ai cũng hỏi làm xe ôm chở tiền triệu thế chắc là triệu phú, nhưng tụi tui là triệu phú không tiền. Sang năm đường nhựa họ mở vào Phước Thành, đói méo mặt là cái chắc. Không chừng lúc đó trở lại kiếp phu vàng” - Anh Chinh nói.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành xác từ xã Phước Thành vào các thôn 1,2,3,4, nơi những ngọn đồi ngút ngàn Trường Sơn giờ đã bị khoét sâu, tan hoang bởi giấc mơ vàng. Nếu nói con đường từ Khâm Đức vào Phước Thành là kinh hoàng thì chắc chắn, chẳng còn ngôn từ nào để diễn tả độ hiểm nguy, trắc trở đường vào các bãi vàng Trường Sơn, Trung Sơn, Nghĩa Sơn…
Nhiều lần muốn bỏ về quê mà lực bất tòng tâm. Ra bãi chỉ có một con đường. Vào dễ, ra khó. Tìm đường bỏ trốn còn khó hơn lên trời, tứ bề rừng thẳm. Cai bắt mà bắt được coi như đời xong… Kỳ 2: Quẫy đạp phu vàng |