>> Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ
>> Muốn bỏ nghề, thầy Đỗ Việt Khoa được Bộ GD&ĐT tiếp
>> Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã khóc khi tuyên bố rời xa nghề giáo trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong . Ảnh: Nguyễn Dũng |
Bài 1: Tôi tỉnh ngộ
Thầy giáo Khoa khẳng định từ bỏ nghề giáo, từ bỏ cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang dang dở, ngổn ngang. Và, anh đã khóc. Từ bỏ hay phải ra đi
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện tại nhà riêng thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Tôi nói với anh Khoa, trước khi đến đây tôi gặp một số người liên quan việc chống tiêu cực của anh. Có người cho rằng, anh hâm, điếc, lẩn thẩn. Có người lại nói, anh là nạn nhân của nổi tiếng, gồng mình chạy theo hào quang.
Có người thì cho biết, thầy Khoa bị đuổi việc vì không hoàn thành nhiệm vụ, chứ chẳng hảo hớn gì với cái gọi là từ bỏ để thức tỉnh ai đó. Cũng người thẳng thắn chỉ ra rằng, cái mà anh gọi là tiêu cực tại trường Vân Tảo là chuyện không hiếm trong cuộc sống (giống như nhà nào cũng có ít rác, chứ không vô trùng như trong phòng thí nghiệm) nên việc kiện tụng của anh làm mệt mỏi nhà trường, mệt những người tham gia giải quyết... vì thế họ chán anh.
Thầy Khoa cười: “Người ta vẫn nói về anh Khoa như vậy. Họ còn tung tin anh Khoa được bọn phản động mua cho camera, máy ảnh để làm việc. Họ nói nhiều, nhiều lắm...”. Như để trả lời cho những băn khoăn của tôi, anh đưa lá đơn xin thôi việc và giãi bày: “Anh Khoa từ bỏ vì không muốn làm người lập dị nữa”.
...Kính gửi ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hà Nội. Tên tôi Đỗ Việt Khoa, sinh ngày 29-5-1968, là giáo viên trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Tôi làm đơn này đề nghị ông và các cán bộ lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho tôi thôi việc hẳn kể từ tháng 7-2010.
Lý do: Như ông đã biết, tôi đã gửi nhiều đơn tố cáo các việc làm sai trái... của các cá nhân liên quan từ tháng 12-2007 đến nay. Tuy nhiên, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây cũ và Hà Nội đã cố tình kéo dài việc thanh tra...
Tôi đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần đề nghị ông giải quyết, ra quyết định hành chính xử lý đối với những sai phạm mà ông đã khẳng định. Tôi sẵn sàng chấp nhận bị kỷ luật nếu các ông cho tôi là vi phạm. Tuy nhiên, trong thời gian dài, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội im lặng không giải quyết. Tôi cũng có đơn gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ GD-ĐT. Nhưng tất cả đều im lặng...
Cuộc đấu tranh của tôi 4 năm nay vừa nhằm bảo vệ kỷ cương của ngành giáo dục, bảo vệ quyền lợi nhân dân và quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi. Sai phạm có hệ thống, có tổ chức không bị xử lý khiến tôi mất niềm tin vào lãnh đạo Sở GD-ĐT các cấp... Sức chịu đựng của tôi có hạn...(lược trích đơn xin thôi việc của thầy Đỗ Việt Khoa).
Anh Khoa nói, tài liệu nặng hàng kilôgam còn đó nhưng đành xếp lại. Anh cho rằng, sự nấn ná, né tránh của một số cán bộ có sức hủy hoại ghê gớm đến quyết tâm, nhiệt huyết theo đuổi vụ việc của anh. Họ sử dụng cách đó như chìa khóa lấp liếm sự thật, thay đen đổi trắng và tạo cớ đẩy người tốt đến chỗ mắc lỗi và cục diện cuộc chiến thay đổi.
Anh tự nhận mình hồn nhiên khi quá tin vào những lời hứa, động viên và tin vào sự trong sáng của một số cán bộ trong ngành nên vỡ mộng, đau đớn. Những cụm từ “cứ bình tĩnh”, “chúng tôi đang xem xét”, “sẽ xử lý những vấn đề thầy nêu”... nghe thật mệt mỏi.
“Anh Khoa đã hiểu được nhiều điều, vỡ ra nhiều thứ. Bốn năm qua anh Khoa đã cố gắng nhưng giờ thì chịu rồi” – thầy Khoa nói.
Điếc không sợ súng
Thầy Khoa bị điếc từ nhỏ. Người ta từng nghĩ thầy Khoa kiện tụng rồi nổi tiếng là do đánh thuê nhằm lật đổ hiệu trưởng cũ theo đơn đặt hàng của nhóm người nào đó. Cũng có người cho rằng, quay được cảnh tiêu cực trong thi cử năm 2006 là tình cờ, may mắn...
Kẻ can đảm cô đơn hay người anh hùng thất bại đều bi thảm như nhau. Nhưng, họ đã góp phần làm thay đổi xã hội theo một cách nào đó |
Khi vừa biết nói, bắt đầu đi học, cậu bé Khoa khi đó có tên là Đỗ Hữu Ngạn đau quai bị. Bác sỹ thôn xã chữa theo kiểu đau đâu tiêm đấy, nên nhằm thẳng cổ Khoa mà chọc kim. Một ngày sau, cổ của cậu bé Khoa sưng to hơn, sốt li bì, kèm triệu chứng mắt mờ, ù tai. Khi khỏi bệnh quai bị, Đỗ Việt Khoa bị điếc (tai trái hỏng hẳn, tai phải nghe được 20%).
Từ đó, Đỗ Việt Khoa chủ yếu cảm nhận cuộc sống qua đôi mắt. Cuộc sống của Đỗ Việt Khoa là sắc màu và chuyển động. Đi học, Đỗ Việt Khoa rất chăm chỉ và nhập tâm (có lẽ là không bị chi phối bởi âm thanh).
Một thầy giáo chủ nhiệm thời Đỗ Việt Khoa học cấp 2 năm nay đã 80 tuổi nhớ lại: “Tôi luôn xếp cho Khoa ngồi bàn đầu, thậm chí là bàn riêng ngồi gần thầy. Mỗi lần giảng tôi thường đứng cạnh Khoa và hỏi: Có nghe rõ không em? Nói chung Khoa chăm chỉ, ngoan...".
Ngoài ra Đỗ Việt Khoa thời đó luôn được thầy quan tâm đặc biệt vì là học sinh khiếm thính. Còn bí quyết học của Đỗ Việt Khoa: "Tôi đọc sách giáo khoa, và vở chép bài của bạn học là chủ yếu. Học qua sách, học qua bạn thân. Đến lớp có bạn có bè, có không khí học tập để nhớ thêm, chứ chủ yếu là đọc sách..." - thầy Đỗ Việt Khoa nhớ lại.
Học phổ thông, Đỗ Việt Khoa học rất khá. Năm 1986 là một trong những thí sinh đỗ cao trong kỳ thi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đỗ Việt Khoa sống khép mình, ngại giao tiếp. Cái dáng vẻ e dè, ngơ ngác trong mỗi câu chuyện với bạn bè khiến Đỗ Việt Khoa dễ bị coi là không bình thường. Chỉ người thân, bạn học là không nghĩ vậy vì đã biết cái sự học của Khoa. Cho đến giờ cái dáng vẻ của anh vẫn thế.
Những năm tháng Đỗ Việt Khoa đi học là thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, song tình thầy trò, bạn bè rất sâu nặng, không lai căng, pha tạp như giờ. Đỗ Việt Khoa may mắn được gặp nhiều người thầy tốt, hết mực thương yêu, giúp đỡ học trò; đặc biệt hơn khi học trò Khoa là người khuyết tật nên tình cảm các thầy dành cho anh càng đậm, càng rõ.
Bằng sự tinh tế khác thường và sự thâu nạp cuộc sống rất riêng, có phần cực đoan của người khuyết tật đã cài đặt vào đầu chàng sinh viên Đại học Tổng hợp một suy nghĩ khó lay chuyển: Thầy giáo là người tốt, môi trường sư phạm là trọng sạch tuyệt đối.
Năm thứ hai đại học, Đỗ Việt Khoa bắt đầu có được thiết bị trợ thính. Anh cả tôi học ở Liên Xô mua được thiết bị trợ thính, gửi về cho tôi như món quà đặc biệt. Có lẽ đã quá lâu sống trong tĩnh lặng nên với Đỗ Việt Khoa mọi thứ gần như đã an bài. Chẳng hạn như an bài về sự cảm nhận cuộc sống, về sự tốt - xấu ở đời. Sự thay đổi khi nghe được âm thanh của cuộc sống chỉ có thể là bồi đắp thêm cho định kiến ấy trong con người Đỗ Việt Khoa mà thôi (mặc dù có thiết bị trợ thính nhưng thầy Khoa giờ chỉ nghe được khoảng 60%).
Năm 1992, Đỗ Việt Khoa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Địa chất. Anh làm việc cho một số Cty khoáng sản. Hai năm công tác trong lĩnh vực này nhưng anh thấy không phù hợp. Thời điểm ấy có một thầy giáo ở Sở GD-ĐT mời anh về giảng dạy tại trường THPT Đồng Quan (Hà Tây cũ). Đỗ Việt Khoa nhận lời ngay. Lương 186.000đồng/tháng nhưng Đỗ Việt Khoa luôn vui, hăng say với công việc. Anh công tác tại đây 7 năm rồi chuyển về trường Vân Tảo cho đến hôm nay.
Đầu năm 2005, một lần gặp gỡ bạn cũ, anh nghe kể nhiều chuyện tiêu cực trong thi cử, trong đó có việc giải bài tập thể tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tôi rất ít gặp gỡ giao lưu nên không được nghe nhiều chuyện. Thường thì cứ đến lớp rồi về nhà. Khi nghe bạn bè kể vậy tôi không tin là có chuyện tiêu cực ngang nhiên như vậy. Có cô bạn còn kể, ngày 20-11 đưa phong bì chậm cho thầy giáo chủ nhiệm mà con bị đối xử không tốt. Tôi nói với bạn bè rằng, nếu gặp cảnh ấy sẽ không làm ngơ.
Năm 2006, tôi coi thi ở trường Phú Xuyên thấy cảnh như lời kể của mấy người bạn. Tại phòng thi, giám thị bỏ phòng đi chơi, mỗi tôi ở lại. Có người còn ép tôi đi chơi để học sinh được thoải mái làm bài.
Sau buổi thi đầu tiên, đêm về tôi không chợp mắt nổi. Ngày thi thứ hai, tôi điện cho Thứ trưởng Bành Tiến Long, trao đổi sự việc và ông đồng ý cho tôi đưa chuyện này lên công luận. Tôi quay cảnh này và sau đó sự việc như thế nào thì mọi người đều đã biết”.
Từ đó, anh lao vào cuộc chiến chống tiêu cực một cách say mê. Khi đó anh thấy cả xã hội đang cổ vũ cho mình. Anh thấy chỗ nào cũng cần phải quét rác. Anh cần mẫn làm sạch môi trường nơi mình công tác một cách quá quyết liệt...
Thế nhưng, sau 4 năm trải mình trong cuộc kiện tụng, với đôi tai có thiết bị trợ thính, anh nghe đủ nhiều để hiểu ra rằng, mình là chàng điếc hồn nhiên.
Anh đã tỉnh ngộ!
Giờ đi tìm việc mới, anh có sợ nhiều người ngại tính hay kiện tụng của anh mà từ chối không? “Anh luôn muốn tìm bình yên, thanh thản trong công việc, chứ không muốn kiện tụng”. Kỳ tiếp: Như chuyện hài |