Làng Xuân Tiêu như một ốc đảo nhỏ, nằm lọt thỏm giữa đồng không mông quạnh. Chưa vào làng, hỏi thăm nhà ông Khoa rắn độc, tức ông Phan Văn Khoa, ai cũng biết. Ngôi nhà ngoảnh mặt ra kênh Vách Nam lộng gió.
Ông Khoa ngoài 50 tuổi, tóc đốm bạc, khuôn mặt hiện lên nhiều nếp nhăn, làn da sạm đen vì sương gió.
Đập vào mắt tôi là bộ đồ nghề của ông dùng để làm nghề săn đêm (tức săn rắn độc, soi lươn, bắt cá vào buổi tối). Ông Khoa chỉ vào từng dụng cụ: “Đây là cái nơm để úp cá, đây là cái vợt bắt chim, đây là cái kìm được làm bằng sắt để bắt rắn, bắt lươn, đây là chiếc đèn pha để rọi đường, và đây là hạt đậu Lào dùng để hút nọc độc mỗi khi bị rắn cắn”.
Ngồi bệt giữa sân gạch, hai tay ông tranh thủ đan mấy tấm mành chắn vạt rau cải mới trỉa hạt vừa kể lại những nghiệt ngã của nghề săn rắn. Ông sống dựa vào nghề soi lươn, bắt cá ban đêm là chủ yếu.
Lấy vợ năm 1978, hai ông bà ra ở riêng chỉ có lều tranh. Nhờ nghề săn rắn độc, soi lươn, cá, nay không những có nhà cao cửa rộng, ông bà còn nuôi 6 con học hết cấp ba. Trong số đó có đứa đã tốt nghiệp đại học.
Năm 1992 đến nay, ông Khoa chuyển sang làm nghề săn rắn độc: “Trước đây chưa có người về làng mua rắn độc, tôi và bà con trong làng chỉ biết soi lươn, soi ếch. Từ năm 1992 tới nay, mới bắt đầu có mối từ nơi khác về đặt mua hàng độc, đó là rắn để xuất sang Trung Quốc”.
Chẳng sung sướng gì
Làng Xuân Tiêu ngày nào cũng có người đi săn rắn độc. Gần đây, rắn độc cạn kiệt, phần lớn chuyển sang săn lươn |
Hôm đó, trời vừa tối cũng là lúc cơn mưa giông xối xả như trút. Theo kinh nghiệm nghề săn đêm, ông Khoa đoán chắc sẽ có nhiều cá sẽ ngược theo dòng nước ngọt của dòng mương Vẹn, thuộc cánh đồng giáp ranh hai xã Hợp Thành và Hoa Thành.
Khoảng 21 giờ đêm, ông Khoa đỏ đèn và mang theo đồ nghề đi ra đồng. 23 giờ thì đi bộ đến đoạn cánh đồng gần nghĩa địa Cồn Sùng thuộc xã Hoa Thành.
Đang rình úp mẻ cá trong cơn giông, ông phát hiện hai bóng đen núp sau phía nghĩa địa. Nghĩ là dân địa phương đưa trẻ con mới mất đi chôn hoặc bốc mộ cho người quá cố, nên chẳng màng quan tâm.
Một lúc sau, thấy một người cầm đèn pin rọi vào mặt ông và hỏi: “Ông săn tìm gì ở đây?”. “Ông có phải là Châu Mậu không?”. Chưa kịp trả lời, ông bị một gậy vào người, sau đó một hòn gạch vồ vào mặt. Đèn pha và đồ nghề rơi xuống ruộng.
Lúc sau tỉnh dậy thì không còn thấy hai bóng đen đó nữa. Ông cố lê vào xóm Đồng Xoang của xã Hoa Thành kêu cứu và được đưa đi cấp cứu ở trạm y tế. Sau đó tìm hiểu mới biết, ông bị trả thù nhầm.
Được mấy hôm, khi vết thương chưa khỏi, lại thấy ông Khoa đỏ đèn pha, mang đồ nghề tiếp tục đi tìm rắn độc.
Rất nhiều loài rắn khác nhau bị săn bắt, rắn cạp nia, cạp nong, rắn hổ mang chúa, hổ mang trâu, hổ mang gió, rắn lục, rắn ráo. Để tìm được rắn, ông Khoa đi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, hết xóm làng này qua làng khác.
Cái nghề này có lúc một bữa chài mười bữa phơi. Đêm nào may mắn thì phát hiện và bắt được vài ba con, khoảng 0,5 đến 0,7 kg.
Nguy hiểm nhất là khi phát hiện các loài rắn hổ mang. Vừa rọi đèn pha vào là chúng lao thẳng hướng ngọn đèn. Rắn hổ mang gió, chưa kịp bắt thì đã dựng ngược đầu lên, hai má phình ra, mắt long lanh, chớp chớp liên hồi, nọc thè lè, xịt ra luồng gió ghê người.
Ông Khoa thi gan với rắn, rọi đèn thẳng vào mắt rắn để cho nó bị chói sáng, rồi nhanh chóng dùng kìm kẹp cổ. Cặp được cổ rắn rồi, phải thả đèn xuống, dùng tay trái bóp cổ rắn thay kìm, tay phải lấy kim chỉ khâu mõm rắn lại.
Trong khi khâu, rất dễ vướng vào răng và nọc độc của rắn, hoặc bị rắn giãy sổ tuột khỏi tay.
Ông Khoa cho biết đã bắt đến hàng nghìn con rắn độc. Ông còn bắt được hàng tạ rùa nước, ba ba, ếch để bán cho các nậu kiếm tiền.
Cả làng đi săn
Do nguồn rắn độc cạn kiệt, lơ (dân buôn) rắn độc thưa dần. Còn lơ lươn thì sáng nào chưa mở mắt cũng đã ùn ùn kéo vào làng Xuân Tiêu hỏi mua, nhất là thời điểm này. |
Ban đầu chỉ bốn anh em trai nhà ông Phan Văn Khoa, Phan Hoàn, Phan Mỹ, Phan Lễ đi săn rắn độc. Thấy nghề này kiếm được tiền, bà con Xuân Tiêu kéo nhau làm theo.
Ông Phan Hoàn, để trở thành thợ rắn độc, chỉ cần bỏ 150 nghìn đồng mua một chiếc đèn pha, chất liệu bằng đồng, cháy bằng đất đèn, kèm theo chiếc kìm tự tạo làm bằng sắt, cái giỏ, bao bì bằng vải, rồi cây kim, sợi chỉ và con dao nhỏ.
Có thời điểm, cả làng đi săn, từ dân cho đến trưởng thôn, bí thư chi bộ xóm. Ngoài gia đình ông Khoa, ông Lạc, ông Bình săn rắn độc, soi lươn nuôi con học đại học, làng còn có ông Tuyền, ông Trung, ông Hoà, ông Định, ông Hồng cũng nuôi con đi học đại học bằng cái nghề này.
Cứ vào dịp trước và sau Tết âm lịch, đêm nào dân làng Xuân Tiêu cũng đỏ đèn, í ới nhau đi tìm rắn độc. Có hôm, đứng đầu cổng làng, nhìn thốc lên cánh đồng dài rộng hàng chục cây số, thấy đèn pha rọi chi chít.
Về khuya, các thợ săn mới tản ra các ngả. Người đi vào các làng của xã khác, tiến ra dọc đê Vách Nam, kẻ vào khu nghĩa địa, cứ thế đi tìm vận may. Khoảng 4 đến 5 giờ sáng, mới thấy cánh thợ săn mệt mỏi quay về làng.
Từ cuối tháng chín âm lịch cho đến đầu tháng hai âm lịch, ruộng đồng đã được thu hoạch, rắn thường hay bám theo bờ ruộng, dễ phát hiện và dễ bắt, cảnh ấy lại diễn ra ở Xuân Tiêu.
Hai loài rắn độc thường xuyên bắt được là rắn cặp nong (khoang vàng khoang đen) và cặp nia (khoang trắng khoang đen). Hai loài rắn này sinh sản và phát triển nhanh. Rắn cặp nong rất hiền, chỉ trừ khi bị dẫm lên lưng, nó mới cắn.
Làng từng có người chết vì rắn độc. Đó là trường hợp chị Phan Thị Hạnh. Ông Phan Văn Lạc, một kỳ cựu thợ săn rắn cũng từng bị hổ mang cắn vào bàn chân phải.
Thần hộ mệnh
Gần đây người ta có vẻ không còn sợ rắn độc cắn nữa. Anh Tuấn ở Xuân Tiêu tiết lộ, một người tên là T. quê Hợp Thành, bộ đội về hưu, có một số hạt đậu hút nọc độc.
Trước đây, ông T. thường xuyên đi công tác ở nước bạn Lào. Một lần tình cờ phát hiện có loại hạt đậu chữa rắn cắn (to bằng quả cà pháo, màu nâu, cứng), ông T. mang rất nhiều về Yên Thành để giúp bà con chữa trị rắn cắn. Bây giờ dân Yên Thành quen gọi là hạt đậu Lào.
Anh Phan Văn An, một thợ săn rắn độc, cho biết thêm: “Để hút nọc độc mỗi khi bị rắn tấn công, trước hết lấy hạt đậu đó chẻ tư hoặc chẻ đôi ra làm hai nửa. Lấy kim chích vào chỗ bị rắn độc cắn cho máu phun ra. Sau đó lấy hạt đậu Lào đắp vào.
Nếu đúng nọc rắn độc thì hạt đậu sẽ mắc cứng vào chân. Khi nào hút hết nọc độc trong cơ thể, hạt đậu mới tự nhả ra. Còn không phải nọc rắn độc, hạt đậu chẳng dính vào chỗ vết thương.
Nếu muốn sử dụng hạt đậu đã qua sử dụng một lần nữa, chỉ cần ngâm nó vào bát nước vo gạo trong 24 tiếng.
Làng Xuân Tiêu từng có hàng chục người bị rắn độc tấn công, anh Quang, chị Phương, chị Hiệp, anh Tuấn, anh Trường, v.v, thoát chết nhờ hạt đậu Lào.
Hiểm họa khai thác rắn trong thiên nhiên Tình trạng khai thác rắn trong thiên nhiên một cách bừa bãi, khiến người ta e ngại, không bao lâu nữa, loại bò sát này sẽ tuyệt chủng, Kỹ sư Hồ Thị Thu, chuyên gia về động vật lưỡng cư và bò sát, Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật, cho biết. Thiên nhiên vốn giữ được sự cân bằng, nhất là đối với các loại động vật. Chúng tự điều hòa về số lượng cũng như đặc tính của mỗi loài. Con yếu sẽ bị tiêu diệt để thay thế bằng những con khỏe mạnh hơn. Con lớn ăn thịt con bé, con bé ăn thịt con bé hơn nữa. Đó là sự tự sàng lọc trong thiên nhiên mà không cần bàn tay con người. Rắn cũng là một loài thiên địch, sinh trưởng và phát triển trong tự nhiên một cách hài hòa, cân đối với các loài động vật khác. Chúng ăn cóc nhái, chuột, châu chấu, ếch, v.v, nhưng bị tiêu diệt bởi những loài ăn thịt khác lớn hơn. Rắn trở thành một chuỗi liên quan chặt chẽ, thống nhất với các loài khác để tạo thành hệ thống hoàn hảo. Rắn sinh sản không nhiều. Nếu khai thác quá mức rắn trong tự nhiên, chuột, sâu bệnh sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Khi khai thác rắn trong thiên nhiên người ta chỉ quan tâm đến thùng gạo của mình trước khi nghe nói đến mất cân bằng sinh thái, Kỹ sư Hồ Thị Thu cho hay. Năm 2008, Kỹ sư Hồ Thị Thu cùng một số nhà nghiên cứu đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu, Đồng Nai, hướng dẫn cách thức bảo tồn các loài động vật trong đó có rắn. Bà cho biết, có những hộ dân quanh vùng chuyên thu mua rắn và một số loài động vật quý hiếm khác để làm chế phẩm, làm thuốc. Trong những bình rượu dung tích khoảng 10lít, lổn nhổn hơn chục con rắn với nhiều loại khác nhau, hổ mang, cạp nong, rắn lục được bày bán với giá, 1,5 triệu đồng/bình. Việt Nam hiện có 192 loài rắn. Hầu hết trong số đó sinh sống và phát triển ở rừng núi. Với tốc độ khai thác rừng chóng mặt như hiện nay, không chóng thì chày, rắn sẽ trở thành “vô gia cư”. Lẽ dĩ nhiên, rừng mất thì rắn cũng không còn, bà Thu nói. Một số cơ sở chăn nuôi rắn làm thương phẩm, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Nam. Những cơ sở này phải đầu tư và dày công nghiên cứu để chăm sóc và phát triển vì rắn cũng là một trong những động vật khó nuôi, khó thích nghi với điều kiện nuôi nhốt. Điều đó càng cho thấy, rắn trong tự nhiên không còn nhiều. Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật đã triển khai nhân nuôi các loài trong đó có rắn và phát triển nguồn để thả vào tự nhiên. Tuy nhiên, đó không phải là phương thức duy trì và bảo tồn loài rắn triệt để nếu không có biện pháp đồng đều bảo vệ rừng, bảo vệ ngôi nhà của nó một cách bền vững. |