Những điều đặc biệt ấy là tiêu biểu cho nghệ thuật quân đội Việt Nam và chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Các chiến sĩ anh dũng của ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm (ảnh tư liệu) |
Người dân tham gia đông gấp nhiều lần quân đội
Trong lịch sử chiến tranh của thế giới chưa có một trận đánh nào mà số lượng người dân ra mặt trận đông đến như thế. Vùng núi rừng vùng Tây Bắc rộng lớn trên 20.000 km2 dân cư thưa thớt, chỉ có 8,5 người trên 1 km2. Nhưng cũng đã có hàng chục vạn dân công phục vụ cho Điện Biên Phủ.
Đội quân đông nhất gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động từ hậu phương tới hàng chục vạn người và được tổ chức biên chế như quân đội. Tiểu đội, trung đội, đại đội, có phiên hiệu riêng và tên gọi riêng. Như đội quân xe đạp, đội quân sửa đường…, đặc biệt hơn cả là có “đội quân đóng cối xay”, là một đội quân rất kỳ lạ và cũng rất hy hữu.
Chỉ tính riêng đội quân xe đạp đã trên 20.000 người, chưa tính một lực lượng hùng hậu làm nhiệm vụ mở đường, vận tải vũ khí, lương thực theo 3 hướng từ biên giới phía Bắc về, từ Trung du, từ Khu 4 ngược lên, bằng đường bộ, đường sông.
Đội quân xe đạp hùng hậu trở thành vua vận tải của chiến trường
Từng đoàn xe thồ vui vẻ phấn khởi rời địa điểm lên đường đem gạo muối ra tiền tuyến |
Xe đạp thời điểm 1954 là một tài sản quý, nhưng người dân sẵn sàng mang phục vụ chiến dịch, gia cố thành chiếc xe thồ hàng, làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Mỗi chiếc xe đạp thồ lúc đầu chở được 100kg lương thực. Sau đó cải tiến nâng dần lên chở 200-300kg, có một dân công người tỉnh Phú Thọ chở được 352kg.
Chiếc xe đạp thồ chở được số lượng gạo gấp 10 lần so với người gánh, trong khi đó suất ăn dọc đường chỉ tốn cho 1 người. Như vậy 1 người và 1 chiếc xe đạp bằng 100 dân công gánh gạo. Tính ra đội quân xe đạp thồ 20.000 người bằng 2 triệu dân công gánh, gùi, chưa nói khi quay vòng trở lại người ta còn có tốc độ nhanh hơn.
Máy bay Pháp tiếp tế cho quân đội Việt Nam
Ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung thả dù tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ biết rất rõ việc làm bất đắc dĩ này đã cung cấp cho quân đội Việt Nam từng ngày, số lượng bao nhiêu, những chủng loại gì: vũ khí, đạn dược, lương thực…
Biết rất rõ mà không có cách nào hạn chế, khắc phục được. Biết mà vẫn cứ phải tiếp tục làm với số lượng ngày một nhiều hơn, với thời gian không phải là 1 - 2 ngày, 1 - 2 tuần mà kéo dài suốt 34 ngày.
Pháp đã huy động 100% lực lượng không quân để tiếp tế cả ngày, cả đêm vẫn không đáp ứng cho cái dạ dày Điện Biên Phủ. Phải nhờ cả máy bay vận tải loại mới của Mỹ để thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Đại tướng Hoàng Văn Thái (khi đó là Tham mưu trưởng mặt trận Điện Biên Phủ) kể lại rằng: Có đến trên một phần ba đồ tiếp tế của Pháp rơi vào trận địa của quân ta, có những thứ ta đang rất cần, mà đã hết hoặc không có như: huyết thanh khô, đạn súng cối, đạn đại bác…
Giữa tháng 4, để chuẩn bị cho đánh lớn, đạn đại bác 105 ly của ta đã gần cạn, nếu không có đạn pháo thì không thể tiếp tục tấn công.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Phải điện khẩn nhờ bạn Trung Quốc chi viện, nhưng Trung Quốc cũng rất hiếm đại bác 105 ly, vét các kho được 7.400 viên, chuyển sang gấp cho ta. Nhưng số này mãi đến cuối tháng 5/1954 mới tới Việt Nam, khi đó trận đánh Điện Biên Phủ đã kết thúc”.
Vậy đạn đâu để đánh? Đó là không quân Pháp đã thả dù sang trận địa ta, tổng cộng 5.000 viên đại bác 105 ly. Nếu không có sự tiếp tế của địch có lẽ trận đánh không thể thắng lợi vào ngày 7/5.
Cuộc lui quân chưa từng có
Trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ gần 2 tháng, bộ đội ta đã một lần lui quân khỏi các vị trí bàn đạp dù đã bố trí xong xuôi sẵn sàng xuất kích. Cuộc lui quân ở Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh quân ta đông hơn, lực lượng mạnh hơn, thế ta lớn hơn, ta bao vây ở phía trên các triền núi và đã bố trí xong binh lực, hỏa lực.
Trung tuần tháng 1/1954, ta đã chuẩn bị xong để tiến công Điện Biên Phủ. Về lực lượng: Ta có 27 tiểu đoàn bộ binh, địch có 12 tiểu đoàn (27/12); trọng pháo yểm trợ cho bộ binh ta có 64 khẩu, địch có 48 (64/48); pháo của ta đặt trên núi hướng xuống các vị trí tập đoàn địch ở lòng chảo; địch có 5 chiếc xe tăng loại nhẹ và có máy bay yểm trợ từ xa. Nhưng ta có 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu; 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu và rất nhiều súng DKZ (loại súng chống xe tăng) trang bị đến từng đại đội.
Phương án ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh.
Ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận triệu tập tất cả cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên để phổ biến lệnh tác chiến bí mật dự định ngày nổ súng 20/1/1954.
Do một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên quyết định lùi lại thêm 5 ngày (tức là 25/1/1954), giờ nổ súng là 17 giờ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Ngày 25/1/1954 có một sự cố không may xảy ra, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt. Sau đó ta đã bắt được điện đài của địch gọi báo cho nhau: Việt Minh sẽ tấn công chiều 25/1 (thực tế sau này mới biết ra do cơ quan hậu cần của ta điện báo cho nhau nên địch biết tin, không phải do chiến sĩ bị bắt). Vì thế Bộ chỉ huy quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1.
Để có ngày chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954; một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cần ghi nhận một ngày rất quan trọng đó là ngày 25/1/1954, một bước ngoặt cho trận đánh Điện Biên Phủ, một quyết định vô cùng quan trọng không chỉ đối với quân đội ta ở Điện Biên Phủ mà còn với cả vận mệnh của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, không có quyết định trong ngày đó thì không biết có chiến thắng ngày 7/5/1954 hay không.
Cả đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và thấy ba khó khăn hiện lên rất rõ:
Một là, bộ đội chủ lực của ta cho đến nay chỉ mới đánh tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch có công sự vững chắc, nếu các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm quân số 1 tiểu đoàn như ở Nà Sản, ta đánh đã không thành công, và bị thương vong nhiều.
Hai là, trận này là một trận đánh hợp đồng lớn, pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập, vừa qua có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp như thế nào.
Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.
Lắng nghe, suy nghĩ ý kiến báo cáo của các tướng lĩnh từng sát cánh trong Bộ chỉ huy với ông, gần gũi nhất là đồng chí Hoàng Văn Thái, trăn trở về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng là không đánh, thất bại là hết vốn”, suy nghĩ suốt đêm 25/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định phải cho lui quân. Phải họp ngay Bộ tư lệnh vào sáng hôm sau.
Trong cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận, Đại tướng trình bày các suy nghĩ của mình. Mọi người tuy trong lòng có những điều phân vân trước trận đánh. Nhưng nói chung ai cũng muốn cho đánh ngay. Với hy vọng vẫn có khả năng giành thắng lợi.
Ý kiến chưa thống nhất nên cuộc họp phải tạm dừng.
Tuy nhiên, sau đó mọi người phát biểu không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, mà chỉ cho rằng có thể thắng.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.
Lệnh lui quân được ban hành đến toàn mặt trận vào buổi chiều.
Tất cả các đơn vị lập tức lui về vị trí tập kết. Pháo lại phải kéo ra. Việc kéo pháo ra còn gian khổ nguy hiểm hơn nhiều so với kéo pháo vào. Máy bay địch liên tục trinh sát, ném bom quanh Điện Biên Phủ.
Trong vòng gần 2 tháng trời sau đó, quân ta đã nghi binh đánh lạc hướng địch, và mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn. Quân ta lại đào hào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của địch, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Quân sĩ chuẩn bị đầy đủ cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Chiều 13/3/1954. Mặt trận dần dần lặn sau dãy núi phía Tây Điện Biên Phủ. Chiếc máy bay khu trục cuối cùng của quân Pháp vòng trở đầu về phía Đông theo hướng Hà Nội.
Sương buông nhẹ trên lòng chảo Điện Biên. Toàn mặt trận yên ắng lạ thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho chỉ huy sở pháo binh: “Pháo binh đã sẵn sàng chưa?”
Quyền tư lệnh Đào Văn Thường trả lời: “Báo cáo tất cả đã sẵn sàng, chờ lệnh Bộ chỉ huy”.
Vì có sương mù nên các đơn vị bộ binh đề nghị cho tấn công sớm. Đại tướng đồng ý và dõng dạc ra lệnh: “Chiến dịch lịch sử bắt đầu, pháo binh bắn, bắn thật mạnh, bắn cấp tập”.
Cùng lúc, toàn bộ lực lượng pháo binh ta 40 khẩu đồng loạt nhả đạn.
Lúc đó là 17 giờ 05 ngày 13/3/1954.
Sau đó, 56 ngày đêm quân ta liên tục tấn công, tiêu diệt dần từng bộ phận, từng cứ điểm cho đến khi hàng vạn quân địch đầu hàng, quân ta chiếm được chỉ huy sở của chúng, bắt tướng giặc và toàn bộ chỉ huy của chúng. Cờ đỏ “Quyết chiến, quyết thắng” phất bay trên nóc hầm tướng Đờ Caxtri.
Đó là chiều mùng 7/5/1954 chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đi vào lịch sử.
Sau này, một số tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta khi nhớ về quyết định lui quân lịch sử ngày 26/1/1954 đã nói rằng nếu không có nó có thể cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã phải kéo dài thêm nhiều năm và nhiều người trong số họ đã không thể có mặt ở ngày chiến thắng.