Dưới cái nắng hầm hập, người ta khoét sâu vào lòng đất tìm quặng - Ảnh: X.T |
Đưa ra nhiều phương án nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định chọn cách đóng giả là cán bộ thị trường của một doanh nghiệp đi thu gom nguyên liệu về chế biến. Hành trang bao gồm cặp táp, giày đen đánh xi bóng loáng, quần áo "đóng thùng", tóc vuốt keo bọt và một ô tô bốn chỗ...
Nhờ vẻ ngoài bắt mắt nên công việc ban đầu không gặp mấy khó khăn. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, ông chủ quán nước ở gần Ủy ban nhân dân xã Giáp Lai rất nhiệt tình, chỉ cho chúng tôi từng đầu nậu một. Cạnh hàng nước của ông thì có chị Ngọ, lên một chút nữa thì có anh Công, anh Cường... Họ là những người chuyên thu gom mica của người dân trong xã, sau đó bán đi đâu thì không ai biết.
Người đào quặng chỉ biết hằng tháng đều có những đoàn xe tải rất lớn về đây "ăn" hàng. Dễ dãi, hay chuyện là thế nhưng khi chúng tôi tỏ ý muốn lên đồi để xem cách thức và quy mô đào mica ở đây, ông chủ quán chỉ ậm ờ: "Muốn mua mica, các anh cứ vào chỗ chị Ngọ, bao nhiêu cũng có". Thế là tôi phải lọ mọ, tự tìm cách để lên đồi.
Chọn quả đồi cao nhất để leo. Không biết đường, tôi cứ nhằm hướng thẳng mà tiến. Cỏ, cây bông, cây lau, và lá cây rụng xuống giống hệt những cái bẫy người. Nhìn thì có vẻ rất phẳng nhưng chạm chân vào thì ngập thụt đến tận đầu gối...
Những khối đất kia là do dân đào quặng moi từ lòng đất hất ra. Thêm vài bước nữa, một túp lều được dựng bằng mấy tàu lá cọ hiện ra. Không chỉ có một lều mà có rất nhiều lều. Dân đào quặng ở đây gọi mỗi cái lều đó là một lò.
Như một công trường, không ai bảo ai, người ta làm việc như những cái máy. Ngày này qua ngày khác, cứ đêm nghỉ, ngày đào. Công việc này đã diễn ra suốt hai năm trở lại đây. Hàng nghìn mét khối đất đồi bị xới tung, hàng nghìn tấn quặng mica được moi lên từ lòng đất.
Bốn bố con ông Bình đang quây tròn quanh miệng lò. Hai đứa con nhỏ, mỗi người một chiếc sàng, cứ sàng qua sàng lại để tách đất ra khỏi những miếng mica. Đất rơi xuống, để lộ ra những miếng mica mỏng tang, trong suốt, óng ánh.
Đứa con lớn cầm chiếc xà beng, lấy hết sức, liên hồi thục vào lòng đất làm bong ra những mảng quặng. Một ngày, bốn bố con ông Bình khai thác được khoảng trên dưới 100 kg mica. Sống ở vùng thôn quê, vốn xuề xòa nhưng bố con ông Bình rất khó gần. Bất kỳ câu hỏi nào, ông Bình cũng vặn lại: "Anh hỏi làm gì?".
Cách bố con ông Bình chưa đầy chục mét là một mỏ khác. Thấy người lạ xuất hiện, mọi người dừng tay, ngẩng đầu lên, ném những cái nhìn dò xét về phía tôi và đưa những câu hỏi thăm dò: "Anh tìm ai ?".
Cách khai thác mica ở đây giống hệt với cách người ta đào vàng mà tôi đã từng gặp. Trên mặt đồi, họ đào một cái hố, miệng cỡ bằng chiếc thúng, cứ thế khoét sâu xuống lòng đất. Bốn thân cây, dựng thành chiếc tời thủ công, đặt trên mặt hầm. Hai người phụ nữ trung niên đứng trực ở hai đầu tay quay của chiếc tời.
Mỗi khi chiếc dây thừng đung đưa thì hai người đàn bà này nhoài người ra, một chân tiến lên trước, một chân lùi lại sau, tay cầm vào tay quay, lấy hết sức quay liên tục. Cứ khoảng 10 phút, chiếc dây thừng lại đung đưa một lần. Mỗi lần dây thừng đung đưa là một bao tải lớn quặng được kéo lên.
Không chính xác tuyệt đối nhưng ước lượng, chiếc dây thừng này cũng phải dài đến trên dưới 20m. Tôi năn nỉ xin được xuống hầm nhưng người đàn bà đứng trực ở chiếc tời dứt khoát: "Không được". Chị ta còn nhắc nhở: "Anh ngồi đó từ nãy đến giờ là đủ rồi đấy". Một tiếng hú vọng từ dưới hầm lên, chị ta chửi đổng: "Đ.M, vừa xuống đã lên".
Mấy giây sau, một người đàn ông mặt mũi đen nhẻm, trên đầu có đeo chiếc đèn pin, hông đeo chiếc ắc-quy nhỏ được kéo lên mặt hầm. Anh này thông báo: "Ông ấy (chủ lò - PV) bảo hôm nay nghỉ sớm, có việc, sắp lên hết bây giờ đấy". Tiếp sau đó, thêm một người nữa được kéo lên, rồi một người nữa, một người nữa...
Miệng hầm chỉ bằng cái thúng, không biết trong đó rộng đến đâu mà tôi đếm được cả thảy có 6 người chui lên mặt đất. Mọi người về, tôi quay lại để quan sát hầm kỹ hơn. Thật hãi hùng, thả viên sỏi xuống chỉ nghe được một tiếng "tõm", dưới hầm có nước. Hầm không có bất kỳ cây gỗ nào chống để cho an toàn.
Người người đào quặng
Lò quặng có thể sập bất cứ lúc nào - Ảnh: X.T |
Sát nách với Giáp Lai, việc phá đồi tìm quặng ở xã Thạch Khoán còn quy mô hơn nhiều. Dọc tỉnh lộ 316, người ta liên tục viết những khẩu hiệu rõ hay: "Rừng là vàng", rồi "Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người"...
Nhưng chỉ rảo chân thêm vài bước, đến chân các quả đồi thì đã đủ thấy người dân ở đây "bảo vệ" rừng như thế nào.
Người người đào quặng, nhà nhà đào quặng. Trẻ con đào quặng, người lớn đào quặng. Đào quặng đã trở thành phong trào. Hai đứa trẻ, tay cầm túi mica vừa lượm được nhanh nhảu chỉ và hướng dẫn chúng tôi lên đồi Xoáy. Một đứa bô bô: "Cả nhà cháu đang đào quặng ở trên đó. Ở đây nhà ai chẳng có người đi moi quặng".
Dân đào quặng bới tung đất lên, khiến quả đồi bị xẻ làm đôi, ở giữa hằn lên một con đường lổn nhổn, gập ghềnh đá sỏi. Từ chân lên đến đỉnh đồi, chỗ nào thấy hơi hướng của quặng là người ta đào. Đào sâu xuống không thấy thì lại tiếp tục đào xiên ngang, rồi lại ăn xuống.
Ngay dưới chân đồi, ba người phụ nữ trung tuổi đang hì hụi lọc mica. Xung quanh là ba cái hầm sâu hun hút, không thấy đáy. Từ đây lên đỉnh đồi có không biết bao nhiêu là hầm. Có chỗ người ta đào, khai thác xong rồi bỏ không, có hầm thì đang khai thác.
Biết tôi đi mua gom quặng, cô gái nấu cơm thuê cho đám thợ cửu vạn ở lưng chừng đồi tình nguyện dẫn đến lò nhà ông Lập. Cô tên Hương, quê tận Thái Bình. Hương kể: "Cũng đã có mấy người chết vì sập hầm, có gia đình có tới hai người cùng chết do hầm sập. Sau những lần có người bị chết, người dân ở đây rút kinh nghiệm không đào hầm sâu nữa, chỗ nào sâu lắm cũng chỉ 9-10m".
Hương nói tiếp: "Ở đây toàn là khai thác lậu, đã nhiều lần cán bộ ngoài huyện vào, cấm khai thác nhưng cũng chỉ được một, hai ngày. Cán bộ đi là người ta lại đào. Bà con bảo, không đào quặng thì lấy gì mà ăn?".
Tưởng tôi là khách quen của Hương, ông Lập vồn vã: "Trước đây tôi khai thác lò ở trên kia, lò này mới làm. Mỗi ngày đào cũng được dăm, bảy yến". Ông Lập dẫn tôi vào tận kho chứa quặng, có khoảng hơn 1 tấn quặng đang nằm chờ khách.
Ông bảo: "Số quặng này tôi đã phân tách hết, loại một ra loại một, loại hai ra loại hai. Mica loại một thì 15 (15.000/10 kg - PV), loại hai thì rẻ hơn chút". Ông gợi ý: "Anh mua bao nhiêu cứ đặt cọc tiền, tôi mua thu gom hộ. Cứ có tiền là người ta đào hết".
Phát hiện ra tôi mang máy ảnh, bà vợ ông Lập đột ngột đổi giọng: "Nghỉ thôi, còn đón cháu". Ông Lập và người làm thuê ngạc nhiên, hỏi lại: "Mới có 3 giờ đón cái gì". Bà Lập cáu: "Đã bảo nghỉ là nghỉ". Không biết bà nhỏ to gì với cậu thanh niên mà cậu ta chạy một lèo xuống tận chân đồi.
Theo Xuân Toàn
Thanh Niên